Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

2. Khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 27. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;

b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;

c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;

d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

 

Theo khoản 1, Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điểm a Khoản 1 Điều 3 Bộ luật hình sự năm 2015, luật sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định nguyên tắc:

Mọi hành vi phạm tội do người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật.”

Để thực hiện nguyên tắc này, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình phải chủ động đấu tranh chống tội phạm, thường xuyên có sự phối hợp để phát hiện kịp thời mọi hành vi phạm tội đồng thời xử lý những hành vi đó một cách nhanh chóng, công bằng, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số trường hợp vì lý do này hay lý do khác mà các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử đã bỏ quên một số hành vi phạm tội, không truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối với những trường hợp này, nếu trong một thời gian nhất định người phạm đã tự hối cải, làm ăn lương thiện, không phạm tội mới, không trốn tránh sự trừng trị của pháp luật thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự là không cần thiết, bởi vì hành vi nguy hiểm cũng như bản thân người phạm tội lúc đó đã không còn nguy hiểm cho xã hội. Hơn nữa, việc truy cứu trách nhiệm hình sự lúc này sẽ không đạt được mục đích của hình phạt.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015 thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:

(i) 05 năm đối với các tội phạm ít nghiêm trọng

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm (điểm a, khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hình sự).

Ví dụ về một số tội phạm ít nghiêm trọng quy định trong Bộ luật hình sự như:
– Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (Điều 124);
– Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 174).

(ii) 10 năm đối với các tội phạm nghiêm trọng

Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù (điểm b, khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hình sự).

Ví dụ về một số tội phạm nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự:
– Tội lây truyền HIV cho người khác thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148;
– Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 175.

(iii) 15 năm đối với các tội phạm rất nghiêm trọng

Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù (điểm c, khoản 2 Điều 1, Bộ luật Hình sự).

Ví dụ về một số tội phạm rất nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự như:
– Tội nhận hối lộ theo khoản 2 Điều 354,
– Tội mua bán người theo khoản 2 Điều 150.

 

(iv) 20 năm đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình (điểm d, khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hình sự).

Ví dụ về một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định trong Bộ luật Hình sự:
– Tội giết người theo khoản 1 Điều 123;
– Tội nhận hối lộ theo khoản 4 Điều 354.

4. Thời điểm bắt đầu tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Theo khoản 3 Điều 27 Bộ luật Hình sự:

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. 

Ví dụ: Ngày 05/01/2015 A mượn chiếc xe máy của B để đưa mẹ vào bệnh viện khám bệnh, nhưng sau đó A không trả lại chiếc xe cho B mà bán được 10 triệu đồng đánh bạc bị thua hết. Do bị thua bạc và không còn xe để trả cho B nên A đã bỏ trốn vào miền Nam ở với chị gái; ngày 05/10/2018 A về gia đình.

Sau khi về nhà, A hứa với B sẽ bồi thường chiếc xe máy cho chị, nên B không tố cáo hành vi phạm tội của A với Cơ quan điều tra. Chờ mãi không thấy A bồi thường chiếc xe máy cho mình, nên ngày 20/02/2020  B đã làm đơn tố cáo hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A với Cơ quan điều tra.

Sau khi xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn A là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự 2015 và là tội phạm ít nghiêm trọng nên đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Nguyễn Văn A.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Ví dụ: Ngày 01/01/2010 V phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự nhưng chưa bị khởi tố điều tra, đến ngày 10/12/2014, V lại phạm tội trộm cắp tài sản và đến ngày 30/6/2015 cơ quan điều tra mới phát hiện hành vi phạm tội trộm cắp.

Nếu căn cứ vào thời hiệu truy trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng thì sau ngày 01/01/2015 là đã hết, nhưng trước đó (10/12/2014) V lại phạm tội mới nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội gây rối trật tự nơi công cộng lại được tính từ ngày 10/12/2015 chứ không phải từ ngày 01/01/2010.

Vì vậy V phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về cả hai tội: tội trộm cắp tài sản và tội gây rối trật tự công cộng.

Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Ví dụ: Mới đây, báo Tuổi trẻ vừa đăng tải vụ án của bà Trần Thị Sáu (59 tuổi) phải đứng trước TAND TP Hà Nội để nghe phán quyết về tội ác mà mình đã gây ra từ cách đây 22 năm trước.

Do bế tắc, Sáu thường nghĩ đến chuyện giết chết hai con rồi tự tử để thoát khổ đau.

Một ngày đầu tháng 4-1996, Sáu đưa hai con Ngô Thị Hằng, 5 tuổi và Ngô Thị Nga mới hơn 1 tuổi đi lang thang thăm họ hàng. Sau đó Sáu vay của người hàng xóm 4.000 đồng đi mua hai gói thuốc diệt chuột, 10 gói thuốc tẩy sán lợn, một chai nước cam và hai chiếc bánh nướng.

Sáu đưa hai con ra con đê của làng rồi đổ thuốc diệt chuột vào chai nước cam cho hai con uống. Sáu tiếp tục đổ thuốc tẩy sán lợn vào chai nước rồi uống cùng ba vỉ thuốc đau đầu. Uống xong, cả ba mẹ con nằm ôm nhau mê man bất tỉnh. Khuya cùng ngày, lực lượng công an đi tuần tra phát hiện ba mẹ con nên đưa đi cấp cứu.

Tuy nhiên, hai con của Sáu đã tử vong trước đó. Kết quả giám định cho thấy hai đứa trẻ đáng thương chết vì phù phổi cấp do độc chất, khả năng do uống thuốc chuột Trung Quốc. Khi vụ việc đang trong quá trình điều tra, do sức khỏe còn yếu nên Sáu được cơ quan điều tra cho tại ngoại.

Tuy nhiên, do lo sợ sự trừng phạt của cơ quan chức năng, sợ sự bàn tán của bà con lối xóm nên Sáu đã bắt xe bỏ trốn khỏi quê hương. Sáu lưu lạc từ Hà Tây vào tận Lâm Đồng. Tại đây, Sáu giấu biệt tên tuổi và thân phận của mình.

Một năm sau, Sáu lấy chồng mới rồi sinh liên tiếp hai con trai. Cuộc sống ở vùng đất mới cũng chật vật không kém, Sáu cũng phải bươn bả đủ thứ nghề để kiếm sống. Rồi người chồng thứ hai cũng qua đời do bệnh. Hai con trai Sáu lớn lên, một đứa đi bộ đội, một đứa đi xuất khẩu lao động. Sáu cứ nghĩ mình đã thoát khỏi sự truy đuổi của cơ quan chức năng, sống yên ổn với gia đình mới.

Nhưng rồi ngày 02/02/2018, cả Sáu và bà con lối xóm ở Lâm Đồng bất ngờ khi lực lượng công an đến tận nhà bắt Sáu theo lệnh truy nã từ 22 năm trước.

Như vậy, bà Sáu phạm tội giết người (hơn nữa còn giết từ 2 người trở lên thuộc khung hình phạt tăng nặng) là loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm nên có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm.

Nếu tính từ ngày tội phạm được thực hiện, tức là đầu tháng 4/1996 thì đến đầu tháng 4/2016 đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của bà.

Tuy nhiên, sau khi giết hai con của mình xong bà Sáu đã bỏ trốn từ Hà Tây vào Lâm Đồng, giấu biệt tên tuổi và thân phận của mình. Nên trong vụ việc này thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi giết người của bà Sáu được tính từ ngày bà Sáu bị bắt (tức ngày 02/02/2018)

5. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 27 của Bộ luật này đối với các tội phạm sau đây:

(i) Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này

Điều 108. Tội phản bội Tổ quốc

Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

Điều 110. Tội gián điệp

Điều 111. Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ

Điều 112. Tội bạo loạn

Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều 115. Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội

Điều 116. Tội phá hoại chính sách đoàn kết

Điều 117. Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Điều 118. Tội phá rối an ninh

Điều 119. Tội chống phá cơ sở giam giữ

Điều 120. Tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

Điều 121. Tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân

(ii) Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này

Điều 421. Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược

Điều 422. Tội chống loài người

Điều 423. Tội phạm chiến tranh

Điều 424. Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê

Điều 425. Tội làm lính đánh thuê

(iii) Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Tội tham ô tài sản

Khoản 3 Điều 353

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.

Khoản 4 Điều 353

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Tội nhận hối lộ

Khoản 3 Điều 354

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

Khoản 4 Điều 354

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120