Xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như thế nào? Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm? (2023)

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015

2. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm những nội dung nào?

thiệt hại do tính mạngThiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được hiểu là những thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm làm ảnh hưởng năng nề đến sức khỏe của người bị xâm phạm và dẫn đến hệ quả là người bị xâm phạm chết.

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015;

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;

– Thiệt hại khác do luật quy định.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm 04 nội dung trên.

Trong đó, chi phí cho việc mai táng vẫn được tính vào khoản bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, tuy nhiên không phải mọi khoản chi phí mai táng đều được tính mà chỉ những trường hợp nhất định được xem xét “chi phí hợp lý” thì mới được bồi thường.

3. Cách xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm ra sao?

Căn cứ Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015.

Theo đó, thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được hướng dẫn cách xác định tại Điều 8 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:

– Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết;

Bao gồm:

+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

+ Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

+ Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại khác do luật quy định.

– Chi phí hợp lý cho việc mai táng:

+ Tính với các khoản tiền: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất; các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương;

+ Không chấp nhận yêu cầu bồi thường chi phí cúng tế, lễ bái, ăn uống, xây mộ, bốc mộ;

– Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc nuôi dưỡng trước khi chết được xác định như sau:

+ Mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 01 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng;

+ Thời điểm cấp dưỡng được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm về sức khỏe;

+ Đối tượng được bồi thường tiền cấp dưỡng là những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Như vậy, việc xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm được thực hiện theo nội dung hướng dẫn nêu trên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

4. Mức bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm là bao nhiêu?

cho vay tiền không có giấy tờTrên tinh thần của khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Theo đó, khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015 xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm đối với người gây ra thiệt như sau:

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường:

– 04 nội dung thiệt hại được xác định tại khoản 1 Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015;

– Một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại:

+ Bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người bị thiệt hại.

+ Nếu không có những người này thì người được hưởng khoản bù đắp tổn thất tinh thần là:

++ Người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng;

++ Người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại;

Tuy nhiên, luật không quy định cụ thể về mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần, thay vào đó sẽ do các bên thỏa thuận.

Trường hợp bên bị thiệt hại và bên gây thiệt hại không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Theo đó, căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP và Nghị quyết 69/2022/QH, mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng/tháng và 1.800.000 đồng/tháng từ ngày 01/07/2023.

Như vậy, mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần tối đa là 149.000.000 đồng đến ngày 30/06/2023 và 180.000.000 đồng từ ngày 01/07/2023.

5. Pháp luật quy định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là bao lâu?

Về thời hiệu khởi kiện, khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 150. Các loại thời hiệu

…3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.”

Từ những quy quy định trên, có thể hiểu thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là khoảng thời gian là bên bị thiệt hại có quyền nộp đơn khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu bên gây ra thiệt phải bồi thường cho mình đối với các thiệt hại mà bên gây ra thiệt hại đã thực hiện.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ, khi hết thời hiệu khởi kiện thì bên bị thiệt hại sẽ mất đi quyền khởi kiện, đồng nghĩa với việc bên bị thiệt hại không thể yêu cầu Tòa án giải quyết cho vấn đề của mình.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại được xác định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Như vậy, tính từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết mình bị thiệt hại thì thời gian để người bị thiệt hại nộp đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm.

Cách xác định thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn thực hiện thế nào?

Căn cứ theo Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Bộ luật Dân sự 2015.

Việc xác định thời hiệu khởi kiện được hướng dẫn bởi Điều 5 Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐTP như sau:

– Việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh trước hoặc sau ngày 01 tháng 01 năm 2017 (ngày Bộ luật Dân sự có hiệu lực) và đương sự khởi kiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017, thì thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại đều là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm;

– Thời điểm người có quyền yêu cầu biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là khi họ nhận ra được hoặc có thể khẳng định được về việc quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm

Ví dụ: Ngày 02 tháng 7 năm 2022, A phát hiện cá trong ao nhà mình bị chết hàng loạt. A nghi ngờ nguyên nhân là do nguồn nước thải từ nhà B nên A yêu cầu cơ quan giám định về môi trường tiến hành giám định nguyên nhân.

Ngày 15 tháng 8 năm 2022, A nhận được kết quả giám định về nguyên nhân gây ra thiệt hại chính là do nguồn nước thải từ nhà B. Trường hợp này, thời điểm A biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 15 tháng 8 năm 2022;

– Trường hợp người có quyền yêu cầu phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là trong điều kiện, hoàn cảnh bình thường, nếu có thiệt hại xảy ra thì người đó biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc trường hợp pháp luật có quy định phải biết

+ Ví dụ 1: Ngày 20 tháng 6 năm 2022, A gây thương tích cho B và cùng ngày B phải vào nhập viện điều trị thương tích. Trường hợp này, thời điểm B phải biết quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm là ngày 20 tháng 6 năm 2022;

+ Ví dụ 2: A giao cho B trông giữ chiếc xe ô tô của A theo hợp đồng gửi giữ tài sản. Trong thời hạn của hợp đồng, xe ô tô bị C phá hủy. Tại thời điểm xe ô tô bị thiệt hại, B không có mặt tại nơi xảy ra thiệt hại nhưng B vẫn phải biết về việc thiệt hại xảy ra. Thời điểm B phải biết là thời điểm C gây thiệt hại.

Như vậy, việc xác định thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị thiệt hại được thực hiện theo nội dung hướng dẫn nêu trên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Xác định thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như thế nào? Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm? 

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120