Danh mục: Tư vấn luật dân sự

  • Thời hiệu khởi kiện và phân chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

    Thời hiệu khởi kiện và phân chia di sản thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015

    Tôi muốn hỏi về vấn đề thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế và phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Cụ thể như sau:

    Vợ chồng ông Hoàng bà Thanh có 2 người con là Hoa (1977) và Huệ (1979), có tài sản chung là ngôi nhà số 10 đường H trị giá 552 triệu đồng (đứng tên ông Hoàng). Năm 1982 được sự đồng ý của bà Thanh, ông Hoàng lấy thêm vợ là bà Lan, có 2 người con chung là chị Hương (1983), anh Hùng (1985) và tài sản chung là ngôi nhà số 15, đường T trị giá 524 triệu đồng.

     Năm 1996 bà Thanh chết không để lại di chúc. Năm 2005 ông Hoàng chết để lại di chúc cho bà Lan hưởng 2/3 di sản. Tháng 8/2016 do mâu thuẫn nên các con của ông Hoàng đã khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Hoàng và bà Thanh. Được biết sau khi bà Thanh chết, ông Hoàng và bà Lan tiếp tục chung sống mà không đăng ký kết hôn.

    Luật sư cho tôi hỏi, thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Hoàng và bà Thanh? Và di sản thừa kế trong trường hợp này sẽ được chia như thế nào?

    Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

    1. Thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của ông Hoàng và bà Thanh?

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Thời hiệu thừa kế:

    “1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

    a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

    b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.”

    Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản. Ở đây, bà Thanh mất năm 1996, ông Hoàng mất năm 2005, tính đến tháng 8 năm 2016 các con ông Hoàng khởi kiện chia di sản thừa kế thì vẫn còn trong thời hiệu được quy định là 30 năm.

    2. Di sản thừa kế trong trường hợp này sẽ được chia như thế nào?

    Di sản thừa kế trong trường hợp này sẽ được chia như sau:

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 220 Bộ luật Dân sự 2015  quy định về chấm dứt sở hữu chung:“1. Tài sản chung đã được chia;”

    Theo đó, năm 1996 bà Thanh chết, không để lại di chúc thì tài sản chung của bà Thanh ông Hoàng trong thời kỳ hôn nhân là ngôi nhà số 10 đường H trị giá 552 triệu đồng sẽ được chia đôi. Nghĩa là ông Hoàng và bà Thanh mỗi người nhận được phần tài sản tương ứng 552:2=276 triệu đồng.

    Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015  quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật: a) Không có di chúc;”

    Theo đó, bà Thanh chết, do không để lại di chúc nên phần di sản thừa kế bà Thanh để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

    Căn cứ theo Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người thừa kế theo pháp luật:

    “1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

    a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

    b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

    c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

    Ở đây, bà Thanh và ông Hoàng có 2 người con chung là Hoa (1977) và Huệ (1979). Theo Điểm a Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 thì Hoa, Huệ và ông Hoàng thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Vì vậy, phần di sản thừa kế mà bà Thanh để lại sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Theo đó, ông Hoàng, Hoa, Huệ mỗi người sẽ được nhận một phần di sản thừa kế bằng nhau, tương đương với: 276:3=92 triệu đồng.

    Vậy phần di sản thừa kế mà ông Hoàng có được tại thời điểm này là: 276+92=368 triệu đồng. Phần di sản thừa kế Hoa và Huệ mỗi người nhận được tại thời điểm này là 92 triệu đồng.

    Năm 2005 ông Hoàng chết, Căn cứ theo Khoản 1 Điều 220 Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản chung giữa ông Hoàng và bà Lan trong thời kỳ hôn nhân là ngôi nhà số 15, đường T trị giá 524 triệu đồng sẽ được chia đôi. Theo đó, ông Hoàng và bà Lan mỗi người nhận được một phần di sản thừa kế tương ứng với: 524:2=262 triệu đồng.

    Di sản thừa kế của ông Hoàng để lại tại thời điểm này sẽ là: 368 + 262 = 630 triệu đồng.

    Do năm 2005 ông Hoàng chết để lại di chúc cho bà Lan hưởng 2/3 di sản nên bà Lan sẽ được hưởng thêm 2/3 phần di sản thừa kế mà ông Hoàng để lại, tương ứng với: 630×2/3=420 triệu đồng.

    Căn cứ theo Điểm a Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015  quy định thì 1/3 phần di sản thừa kế ông Hoàng còn lại (630 – 420 = 210 triệu đồng) do không có di chúc nên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

    Được biết bà Lan và ông Hoàng chung sống với nhau như vợ chồng, không có đăng ký kết hôn nên bà Lan không thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 . Vì vậy, ở đây hàng thừa kế thứ nhất được xác định bao gồm: Hoa, Huệ, Hương, Hùng, mỗi người sẽ được nhận một phần di sản thừa kế ngang nhau, tương đương với: 210:4=52,5 triệu đồng.

    Như vậy, bà Lan được hưởng phần di sản thừa kế tương ứng 262+420=682 triệu đồng;

    Hoa và Huệ mỗi người được hưởng phần di sản thừa kế tương ứng 92+52,5=144,5 triệu đồng;

    Hương và Hùng mỗi người được hưởng phần di sản thừa kế tương ứng 52,5 triệu đồng.

    Trên đây là nội dung về chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực đất đai, dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

    Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

    Hotline: 0888181120

  • Pháp luật quy định như thế nào về giao dịch dân sự của người chưa thành niên? [2022]

    Pháp luật quy định như thế nào về giao dịch dân sự của người chưa thành niên? [2022]

    Luật sư cho tôi hỏi, pháp luật quy định như thế nào về giao dịch dân sự của người chưa thành niên? Và bố mẹ cháu Anh có thể làm gì để giải quyết vấn đề trong trường hợp sau đây:

    Do cần tiền chơi điện tử, cháu Anh (12 tuổi) đã bán chiếc xe đạp mini Nhật mà bố mẹ mua cho để đi học với giá 01 triệu đồng cho chú Quang. Sau khi phát hiện con không đi xe đạp về nhà và nhiều lần tra hỏi, bố mẹ cháu Anh mới biết chiếc xe đã bị bán đi.

    Bố mẹ cháu Anh đã tìm gặp chú Quang đề nghị được chuộc lại chiếc xe và hoàn trả chú Quang 01 triệu đồng nhưng chú Quang không đồng ý vì cho rằng việc mua bán giữa chú và cháu Anh là hoàn toàn tự nguyện, chú Quang không có trách nhiệm phải trả lại chiếc xe.

    Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

    1. Căn cứ pháp lý về Giao dịch dân sự của người chưa thành niên:

    • Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015;
    • Khoản 3 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015;
    • Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015.

    2. Giao dịch dân sự của người chưa thành niên được quy định như sau:

    a. Khái niệm người chưa thành niên:

    Căn cứ theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Người chưa thành niên:

    “1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

    1. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.”

    Theo đó, cháu Anh mới chỉ 12 tuổi nên nằm trong độ tuổi chưa thành niên, cho nên giao dịch dân sự của cháu Anh sẽ do người đại diện theo pháp luật của cháu Anh xác lập, thực hiện.

    Căn cứ theo Khoản 3 Điều 21 BLDS 2015 quy định về Người chưa thành niên: 3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.”

    Ở đây, cháu Anh chưa đủ 15 tuổi cho nên khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật là bố mẹ cháu Anh. Trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi, tuy nhiên, trong trường hợp này, cháu Anh đã bán chiếc xe đạp nhằm phục vụ nhu cầu chơi điện tử của cháu, không được xem là nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

    b. Giao dịch dân sự của người chưa thành niên:

    Căn cứ theo Điều 125 BLDS 2015 quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện:

    “1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

    2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

    a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

    b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

    c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.

    c. Kết luận:

    Theo đó, giao dịch giữa cháu Anh và chú Quang không nằm trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này. Vì thế, giao dịch dân sự giữa cháu Anh và chú Quang được coi là vô hiệu bởi cháu Anh chưa đủ 16 tuổi và giao dịch này không được sự đồng ý của bố mẹ cháu Anh.

    Trong trường hợp này, các bên cần hiểu rõ về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi bên và tiến hành thỏa thuận giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trên cơ sở tự nguyện. Nếu không thỏa thuận giải quyết được trên cơ sở tự nguyện thì các bên có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực đất đai, dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

    Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

    Hotline: 0888181120