Tội phạm là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự. Phân loại tội phạm là chia các tội phạm thành những nhóm khác nhau dựa trên những tiêu chí nhất định. Vậy pháp luật hình sự Việt Nam hiện nay quy định về tội phạm như thế nào? Phân tội phạm thành mấy loại? Sự khác nhau của từng loại tội phạm như thế nào?
Bài viết dưới đây sẽ phân tích và làm rõ vấn đề trên.
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
2. Khái niệm tội phạm
Căn cứ Điều 8 Bộ luật Hình sự
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,
xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức,
xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.
2. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Xét trên định nghĩa pháp lý của tội phạm này, có thể nhận thấy tội phạm có bốn đặc điểm sau:
– Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội;
– Tội phạm là hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự;
– Tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một các cố ý hoặc vô ý; và
– Tội phạm là hành vi phải bị xử lý hình sự
3. Dấu hiệu cơ bản của tội phạm
Một hành vi được coi là tội phạm khi thỏa mãn đủ 4 dấu hiệu: tính nguy hiểm cho xã hội, tính trái pháp luật hình sự, tính có lỗi, tính phải chịu hình phạt. Cụ thể như sau:
(i) Tính nguy hiểm cho xã hội
Tính nguy hiểm cho xã hội là dấu hiệu cơ bản nhất của tội phạm. Đây được coi là dấu hiệu tiên quyết, quyết định các dấu hiệu khác.
Việc đánh giá hành vi nào đó là nguy hiểm cho xã hội phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế, xã hội và yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm. Đó là cơ sở của việc tội phạm hóa (quy định về tội phạm hoặc tội phạm mới trong luật) hoặc phi tội phạm hóa (bãi bỏ một hay một số tội phạm đã được quy định).
Ví dụ: Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định thêm nhiều tội phạm mới như tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215),… và bãi bỏ một số tội như tảo hôn (Điều 18 Bộ luật Hình sự 1999); tội kinh doanh trái phép (Điều 159 Bộ luật Hình sự 1999); tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế (Điều 167 Bộ luật Hình sự 1999),…
Một hành vi có đủ 3 dấu hiệu của tội phạm nhưng tính nguy hiểm cho xã hội của nó là không đáng kể thì không bị coi là tội phạm.
Ví dụ: Trộm cặp tài sản lần đầu tiên mà tài sản có trị giá chưa đến 02 triệu đồng mà chưa gây hậu quả nghiêm thì không coi là tội phạm.
Để xác định tính nguy hiểm cho xã hội, thường dựa trên các căn cứ sau:
- Mức độ gây ra thiệt hại hoặc đe dọa gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội
- Tính chất và mức độ lỗi
- Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại
- Phương pháp, thủ đoạn, phương tiện phạm tội
- Động cơ và mục đích của người phạm tội
- Hoàn cảnh xã hội, nhân thân người phạm tội,…
(ii) Tính trái pháp luật hình sự
Điều 2 Bộ luật hình sự quy định:
- Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
- Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội sẽ không bị coi là tội phạm nếu hành vi đó không được quy định trong Bộ luật Hình sự. Theo đặc điểm này, hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng nếu không được quy định trong Bộ luật Hình sự này thì không phải là tội phạm. Trong thực tiễn áp dụng pháp luật cần chú ý đặc điểm này, khi truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi của người nào đó cần phải xác định hành vi ấy đã được quy định là tội phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, trong một số trường hợp chỉ một hoặc một số người mới là chủ thể của tội phạm, những trường hợp này được xem là chủ thể đặc biệt trong bộ luật Hình sự. Ví dụ: Chỉ người mẹ đẻ mới là chủ thể của tội giết con mới đẻ. Còn nếu không phải mẹ đẻ mà là người khác thì sẽ là tội giết người. Trường hợp này được xem là chủ thể đặc biệt.
Ngoài ra, chỉ người có chức vụ quyền hạn mới là chủ thể của các tội có chức vụ quyền hạn, trường hợp này loại trừ các trường hợp đồng phạm cùng thực hiện hành vi.
Tính trái pháp luật là dấu hiệu rất quan trọng của tội phạm. Tính trái pháp luật là căn cứ để đảm bảo quyền lợi của công dân, tránh việc xử lý người tội phạm một cách tùy tiện..
Tính trái pháp luật hình sự và tính nguy hiểm cho xã hội là hai dấu hiệu có mối quan hệ biện chứng với nhau, tính trái pháp luật hình sự là dấu hiệu về mặt hình thức pháp lý phản ánh tính nguy hiểm cho xã hội.
(iii) Tính có lỗi
Lỗi là thái độ tâm lý chủ quan của con người đối với hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội mà họ thực hiện và đối với hậu quả của hành vi đó dưới hình thức vô ý hoặc cố ý. Bản chất của lỗi thể hiện ở việc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhận thức được nguy hiểm đó nhưng tự mình lựa chọn và quyết định thực hiện hành vi trong khi có đủ điều kiện để lựa chọn một cách xử sự khác phù hợp với lợi ích của xã hội.
Lỗi cố ý:
- Lỗi cố ý trực tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra
Ví dụ: A là người đã thành niên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự cầm dao và đâm chết B, A thực hiện hành vi đến cùng cho đến khi B chết hẳn thì A mới bỏ đi. Trường hợp này A có đầy đủ nhận thức để biết hành vi của mình là hành vi nguy hiểm và vi phạm pháp luật, A cũng nhận thức được hành vi của mình sẽ làm chết B và A thực hiện, mong muốn hậu quả trên xảy ra.
- Lỗi cố ý gián tiếp: Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng để mặc cho hậu quả xảy ra.
Ví dụ: A và B vì mâu thuẫn nên đánh nhau, A đánh B bị thương, thấy B bị chém vào chân mất nhiều máu, không thể di chuyển được A bỏ về. Vì đoạn đường vắng, mất quá nhiều máu sau đó B tử vong.
Lỗi vô ý:
- Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Ví dụ: Một người đi săn trong rừng nhìn thấy một con lợn rừng đang đào măng để ăn, gần đó cũng có một người đang hái măng. Người đi săn giương súng bắn con lợn vì anh ta tin rằng với tài nghệ bắn súng của mình thì không thể có chuyện đạn lạc sang người hái măng được. Tuy nhiên, súng nổ lại trúng người hái măng chứ không trúng con lợn.
- Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Ví dụ: Bác sĩ tiêm nhầm thuốc cho bệnh nhân và hậu quả là bệnh nhân chết. Trong trường hợp này chính sự cẩu thả của bác sĩ đã dẫn đến hậu quả là cái chết của bệnh nhân, trong quy tắc xử sự hành nghề y buộc bác sĩ phải là một người cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thuốc và đồng thời họ cũng phải nhận thức được hậu quả sẽ như thế nào nếu có sự nhầm lẫn, sử dụng không chính xác.
Nếu chỉ dựa vào hành vi gây thiệt hại cho xã hội sẽ dẫn đến xử phạt không đúng người. Để có thể xử phạt đúng người, đúng tội việc xem xét yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi là rất cần thiết.
(iv) Tính phải chịu hình phạt
Tính phải chịu hình phạt cũng là dấu hiệu đặc trưng của tội phạm. Chỉ có hành vi phạm tội mới phải chịu hình phạt. Hình phạt là cơ chế răn đe, giáo dục người phạm tội.
Từ quy định “Tội phạm là hành vi… mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” có thể khẳng định bị xử lý hình sự (hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế hình sự khác) là đặc điểm có ở tất cả các hành vi tội phạm, không có tội phạm nào không bị đe dọa xử lý hình sự và điều này đã được thể hiện trong tất cả các điều luật quy định tội phạm cụ thể trong Bộ luật Hình sự
Tính phải chịu hình phạt là dấu hiệu kèm theo của dấu hiệu tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự. Tính nguy hiểm cho xã hội và tính trái pháp luật hình sự là cơ sở để cụ thể hóa tính phải chịu hình phạt của tội phạm. Tính nguy hiểm cho xã hội càng lớn thì hình phạt càng cao.
4. Phân loại tội phạm
Căn cứ: Điều 9 Bộ luật Hình sự
Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành 04 loại sau đây:
(i) Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm;
(ii) Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù;
(iii) Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù;
(iv) Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện được phân loại căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều này và quy định tương ứng đối với các tội phạm được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này.
Theo định nghĩa này, các nhóm tội phạm được phân biệt với nhau bởi dấu hiệu về nội dung và dấu hiệu về hậu quả pháp lý.
Nếu như tội phạm nói chung có dấu hiệu về nội dung là tính nguy hiểm cho xã hội và dấu hiệu về hậu quả pháp lý là tính phải chịu hình phạt thì các nhóm tội phạm cũng có những dấu hiệu đó, vì đều là tội phạm nhưng với những nội dung cụ thể khác nhau.
Mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội được cụ thể hoá ở tội ít nghiêm trọng là không lớn; ở tội nghiêm trọng là lớn; ở tội rất nghiêm trọng là rất lớn và ở tội đặc biệt nghiêm trọng là đặc biệt lớn. Tương ứng và phù hợp với bốn mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội đã được phân hoá như vậy cũng có bốn mức cao nhất của khung hình phạt: Đến 3 năm tù; đến 7 năm tù; đến 15 năm tù và trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Trong hai dấu hiệu phân biệt các nhóm tội phạm này với nhau, dấu hiệu về nội dung quyết định dấu hiệu về hậu quả pháp lý. Sự xác định dấu hiệu về hậu quả pháp lý thể hiện ở mức cao nhất của khung hình phạt chỉ là kết quả đánh giá của các nhà làm luật về sự cần thiết phải áp dụng các mức hình phạt khác nhau đối với những hành vi phạm tội có tính nguy hiểm cho xã hội khác nhau.
Nhưng khi đã được xác định, mức cao nhất của khung hình phạt trở thành dấu hiệu có tính độc lập tương đối để phân biệt các nhóm tội phạm với nhau, không phụ thuộc vào mức hình phạt cụ thể được áp dụng.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Tội phạm và phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!