Tôi muốn hỏi về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Cụ thể:
Hiếu (24 tuổi) ăn trộm chiếc SH của chị Hằng, sau đó mang tới gửi nhà bạn thân là Bảo. Bảo hỏi Hiếu xe ở đâu ra mà không mang về nhà. Hiếu bảo xe ăn trộm sau đó bảo Bảo giữ hộ mai có người mua rồi sẽ cho Bảo tiền. Nói xong Hiếu đi về, tới trưa ngày hôm sau Hiếu tới lấy xe sau đó đến chiều mang cho Bảo 5 triệu đồng.
Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này Bảo phạm tội gì? Pháp luật quy định như thế nào về tội của Bảo?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
1.Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:
Căn cứ theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:
“Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1.Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
2. Các yếu tố cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:
Tội phạm tại Điều này là một tội ghép, nó quy định hai hành vi khác nhau là “chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có” và “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Trong đó, “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
Hành vi chứa chấp là hành vi như cất giữ, bảo quản,….
Hành vi tiêu thụ là những hành vi như mua để dùng, nhận để bán lại, giới thiệu người khác mua, chuyển tài sản đó cho người khác theo yêu cầu của người phạm tội…
Vì vậy khi xác định tội danh, nếu người phạm tội thực hiện hành vi chứa chấp thì định tội là “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”; nếu người phạm tội thực hiện hành vi tiêu thụ thì định tội là “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” chứ không định tội như tên gọi của điều luật là “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
Trường hợp người phạm tội thực hiện cả hai hành vi chứa chấp và tiêu thụ thì định tội là “Chứa chấp và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.
3.Phân tích:
Ở trường hợp trên, vì Hiếu đã nói với Bảo rằng xe SH là do ăn trộm được nên Bảo biết rõ tài sản đó là do Hiếu ăn trộm được mà có, là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng Bảo vẫn đồng ý cất giữ chiếc xe và trưa hôm sau Hiếu qua nhà Bảo lấy xe đi tiêu thụ.
Như vậy, Bảo chỉ thực hiện hành vi cất giữ mà không thực hiện hành vi tiêu thụ. Bên cạnh đó, Bảo thực hiện hành vi cất giữ tài sản do Hiếu phạm tội mà có nhằm mục đích trục lợi Hiếu bảo Bảo giữ hộ mai có người mua rồi sẽ cho Bảo tiền, tới trưa ngày hôm sau Hiếu tới lấy xe sau đó đến chiều mang cho Bảo 5 triệu đồng.
Mục đích của Bảo là trục lợi bất chính chứ không phải che dấu tội phạm cho nên tội danh của Bảo là “Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có”.
4.Khung hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015:
Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 cũng có quy định rõ các khung hình phạt như sau:
Khung 1:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Đối với người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có.
Khung 2:
Phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với một trong các trường hợp sau đây:
“a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.”
Khung 3:
Phạt tù từ 07 năm đến 10 năm đối với một trong các trường hợp sau đây:
“a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.”
Hình phạt bổ sung:
“Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực đất đai, dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120