1. Căn cứ pháp lý
Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung 2014
2. Thi hành án thu hồi nợ là gì?
Đứng trước một khoản nợ, chủ nợ sẽ có nhiều phương thức khác nhau để thu hồi, xử lý nó. Tuy nhiên, việc sử dụng các công cụ pháp lý để thu hồi nợ như khởi kiện tại Tòa án, Trọng tài thương mại hay Hòa giải thương mại luôn được khuyến khích vì tính chính thống, hợp pháp và phù hợp với thông lệ của quốc tế.
Hầu hết, sau khi sử dụng các công cụ pháp lý kể trên để thu hồi nợ thì chủ nợ sẽ nhận được một trong các văn bản pháp lý sau: Bản án, Quyết định được ban hành bởi Tòa án hay Phán quyết được ban hành bởi Hội đồng Trọng tài hay một Thỏa thuận hòa giải được lập bởi Hòa giải viên.
Theo đó, khi các văn bản pháp lý này đã có hiệu lực pháp luật thì chủ nợ sẽ được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho thi hành án. Trường hợp, đối tượng nợ thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì việc thu hồi nợ xem như kết thúc. Ngược lại, việc thu hồi nợ sẽ bước sang một giai đoạn mới đó là giai đoạn thi hành án dân sự.
Sau khi có bản án và quyết định có hiệu lực của Tòa án, doanh nghiệp và đối tượng nợ có quyền thỏa thuận với nhau về việc thi hành án hoặc yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án.
3. Trường hợp các bên thỏa thuận thi hành án
Theo quy định pháp luật, việc thỏa thuận thi hành án phải được lập thành văn bản, nêu rõ thời gian, địa điểm, nội dung thỏa thuận, có chữ ký của các bên tham gia thỏa thuận và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tiến hành việc thỏa thuận hoặc của Chấp hành viên được giao giải quyết việc thi hành án (trong trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành quyết định thi hành án). Kết quả thi hành án theo thoả thuận được công nhận.
4. Trường hợp yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án
Trường hợp các bên không tự nguyện thực hiện theo đúng nội dung đã thỏa thuận thì cơ quan thi hành án dân sự căn cứ nội dung bản án, quyết định, đơn yêu cầu thi hành án và kết quả đã thi hành theo thỏa thuận (nếu có) để ra quyết định thi hành án.
Trường hợp yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau:
– Về thời hiệu yêu cầu thi hành án: Trong thời hạn 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án. Thời gian có trở ngại khách quan hoặc xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu yêu cầu thi hành án.
– Về nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án: Khi yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành án, doanh nghiệp có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện kinh tế, hiện trạng tài sản và các thông tin khác về khả năng thi hành án của đối tượng nợ. Kết quả xác minh được công nhận và làm căn cứ để tổ chức việc thi hành án, trừ trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết phải xác minh lại.
– Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, doanh nghiệp đã áp dụng các biện pháp cần thiết để xác minh điều kiện thi hành án của đối tượng nợ nhưng vẫn không có kết quả, doanh nghiệp được quyền yêu cầu Chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án.
Việc xác minh điều kiện thi hành án tại các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân nắm giữ thông tin tài sản của đối tượng nợ được coi là không có kết quả khi doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền chứng minh đã trực tiếp hoặc yêu cầu bằng văn bản, tuy nhiên đã quá thời hạn 1 tháng kể từ ngày yêu cầu nhưng không nhận được văn bản trả lời của họ mà không có lý do chính đáng.
– Về việc áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án: Nhằm ngăn chặn việc đối tượng nợ có khả năng tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án, doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án như: phong tỏa tài khoản; tạm giữ tài sản, giấy tờ; tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản của đối tượng nợ.
Căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện thi hành án của đối tượng nợ; Chấp hành viên sẽ lựa chọn và quyết định việc áp dụng một hoặc một số biện pháp bảo đảm thi hành án thích hợp.
Lưu ý, trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo yêu cầu không đúng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì doanh nghiệp phải bồi thường các thiệt hại này.
– Về cưỡng chế thi hành án: Trường hợp đối tượng nợ có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự sẽ áp dụng các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản; kê biên, xử lý tài sản của đối tượng nợ;… để cưỡng chế thi hành án theo quy định pháp luật.
– Về phí thi hành án: Doanh nghiệp được thi hành án có nghĩa vụ nộp phí thi hành án. Mức phí thi hành án là 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng trên 1 đơn yêu cầu thi hành án.
Thủ tục thi hành án thu hồi nợ
Bước 1: Ra quyết định thi hành án
Theo quy định tại khoản 1 điều 36 luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định thi hành án là Thủ trưởng cơ quan thi hành án.
Có hai trường hợp ra quyết định thi hành án là chủ động ra quyết định thi hành án và ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án chủ động ra quyết định thi hành án trong các trường hợp sau:
– Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án;
– Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
– Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước;
– Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
– Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
– Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định 4 trường hợp đầu tiên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Đối với quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải ra ngay quyết định thi hành án.
Đối với quyết định giải quyết phá sản thì phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định.
Ngoài các trường hợp trên thì Thủ trưởng cơ quan Thi hành án chỉ ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu
Bước 2: Gửi quyết định thi hành án
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
Bước 3: Thông báo về việc thi hành án
Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Thời hạn thông báo thi hành án là 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, hủy hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Các hình thức thông báo về việc thi hành án được quy định tại khoản 3 Điều 39 luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 bao gồm:
– Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật;
– Niêm yết công khai;
– Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bước 4: Xác minh điều kiện thi hành án
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án, mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh.
Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
Bước 5: Cưỡng chế thi hành án
Biện pháp cưỡng chế thi hành án được áp dụng khi hết thời hạn tự nguyện thi hành án người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.
Thời hạn tự nguyện thi hành án được quy định tại khoản 1 điều 45 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014:
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
Thủ tục cưỡng chế thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định của Luật thi hành án.
Khi kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành án.
Bước 6: Thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền để người thi hành án, có thể thuê nhà trong thời hạn 01 năm (nếu nhà ở duy nhất là tài sản thi hành án), được thanh toán theo thứ tự sau đây:
– Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tổn thất về tinh thần;
– Án phí;
– Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
– Trường hợp có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán tiền thi hành án được thực hiện như sau:
– Việc thanh toán được thực hiện theo thứ tự quy định trên.
– Trường hợp trong cùng một hàng ưu tiên có nhiều người được thi hành án thì việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ số tiền mà họ được thi hành án;
– Số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án nào thì thanh toán cho những người được thi hành án đã có đơn yêu cầu tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó.
– Số tiền còn lại được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán.
– Số tiền còn lại được trả cho người phải thi hành án.
– Số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm đó sau khi trừ các chi phí về thi hành án.
Thứ tự thanh toán tiền thi hành án về phá sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về phá sản
Bước 7: Kết thúc thi hành án
Theo quy định tại điều 52 Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp sau:
– Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình.
– Có quyết định đình chỉ thi hành án.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Thủ tục thi hành án thu hồi nợ 2022
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!