Tôi và chồng đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Giang, chồng tôi hiện cũng đang cư trú và làm việc tại Hà Giang. Còn tôi thì hiện đang sinh sống và làm việc tại Thành phố Hà Nội. Vì không hòa hợp, cả hai vợ chồng tôi sống ly thân đã lâu, nay tôi muốn đơn phương ly hôn. Vậy tôi có thể nộp đơn tại tòa án nào? Tôi có được phép nộp đơn ly hôn qua bưu điện hay phải đi nộp đơn trực tiếp tại Tòa án đó? Mong được phía luật sư tư vấn thêm!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về thủ tục nộp đơn ly hôn và đưa một vài thông tin để bạn tham khảo thêm về vấn đề này.
Ai có thẩm quyền giải quyết vụ án đơn phương ly hôn?
Về thẩm quyền giải quyết vụ án đơn phương ly hôn thì theo quy định tại điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp huyện:
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
+ Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;
+ Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;
+ Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này.
– Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết những yêu cầu sau đây:
+ Yêu cầu về dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27 của Bộ luật này;
+ Yêu cầu về hôn nhân và gia đình quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29 của Bộ luật này;
+ Yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 31 của Bộ luật này;
+ Yêu cầu về lao động quy định tại khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật này.
– Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
– Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam hủy việc kết hôn trái pháp luật, giải quyết việc ly hôn, các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, cha mẹ và con, về nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi và giám hộ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam theo quy định của Bộ luật này và các quy định khác của pháp luật Việt Nam.
Như vậy, việc khởi kiện tranh chấp đơn phương ly hôn của chị phải được thực hiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, mà trong trường hợp này thì chồng chị đang cư trú, làm việc tại Hà Giang.
Có được phép nộp đơn ly hôn qua bưu điện hay phải nộp đơn trực tiếp tại Tòa án?
Theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về gửi đơn khởi kiện đến Tòa án như sau:
– Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;
+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
– Ngày khởi kiện là ngày đương sự nộp đơn khởi kiện tại Tòa án hoặc ngày được ghi trên dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi.
Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính.
Đương sự phải chứng minh ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn khởi kiện do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến.
– Trường hợp người khởi kiện gửi đơn khởi kiện bằng phương thức gửi trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn.
– Trường hợp chuyển vụ án cho Tòa án khác theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật này thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền và được xác định theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
– Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Điều này.
Theo đó, có ba phương thức gửi đơn khởi kiện là nộp trực tiếp tại tòa án, gửi đến tòa án theo đường dịch vụ bưu chính, gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua cổng thông tin điện tử của tòa án (nếu có).
Như vậy, trong trường hợp vì tính chất công việc mà chị không có thời gian để trực tiếp đi nộp đơn ly hôn thì chị có thể nộp qua đường bưu điện.
Có thể nộp đơn ly hôn bằng hình thức gửi qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án được không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và Điều 16 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP quy định về lập và gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử như sau:
– Người khởi kiện phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án.
– Tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện phải được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Như vậy, người khởi kiện có thể gửi đơn khởi kiện trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có) và hình thức lập và gửi đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ bằng phương tiện điện tử đó là: phải truy cập vào Cổng thông tin điện tử của Tòa án điền đầy đủ nội dung đơn khởi kiện, ký điện tử và gửi đến Tòa án và nộp đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ được gửi đến Tòa án qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Thẩm quyền giải quyết đơn phương ly hôn
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!