Ở nước ta hiện nay tình trạng nam, nữ kết hôn trước tuổi luật định vẫn diễn ra thường xuyên, ở nhiều vùng miền trên cả nước nhất là những khu vực nông thôn, miền núi nơi mà trình độ dân trí cũng như cơ sở hạ tầng và chất lượng cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tảo hôn vừa thể hiện sự lỗi thời, vừa kìm hãm đến sự phát triển của kinh tế – xã hội của đất nước. Vậy pháp luật nước ta quy định như thế nào về nạn tảo hôn.
Công ty Luật TNHH PT xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Tảo hôn là gì?
Luật Hôn nhân và gia đình 2014 giải thích tảo hôn như sau: Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định.
Như vậy, tảo hôn là hành vi thuộc một trong 03 trường hợp sau:
- Nam lấy vợ khi chưa đủ 20 tuổi.
- Nữ lấy chồng khi chưa đủ 18 tuổi.
- Nam chưa đủ 20 tuổi và nữ chưa đủ 18 tuổi.
Nguyên nhân tảo hôn
Là do những vấn đề về sinh kế
Theo Báo cáo thu thập kết quả điều tra kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019 thì : khoảng 72,3% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đồng nghĩa địa bàn cư trú của họ chủ yếu là ở nông thôn.
Chỉ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp, lại bấp bênh nên nhu cầu lao động trong gia đình người DTTS thường rất lớn. Do vậy, thanh, thiếu niên sớm tham gia làm việc cùng cha mẹ để đảm bảo cuộc sống cũng là điều cần thiết và bình thường. Vấn đề trở nên tiêu cực khi cha mẹ thúc đẩy việc tảo hôn cho con với suy nghĩ có thêm nhân lực tham gia hỗ trợ, gánh vác việc nhà cho người lớn, hoặc tham gia các hoạt động kinh tế cho nhà chồng để đảm bảo sinh kế.
Những vấn đề về gia đình và xã hội.
Định kiến xã hội ở những vùng khó khăn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số, vẫn còn có suy nghĩ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, hay không kết hôn sẽ trở thành bà cô già, ế. Kết hôn khiến họ cảm thấy yên tâm. Áp lực và các mối quan hệ xã hội có thể tác động tới quyết định kết hôn của một bé gái. Dưới áp lực danh dự và sự đảm bảo về mặt kinh tế, cha mẹ trẻ em thường đồng ý gả con.
Những vấn đề về giáo dục
Năm 2019, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của 53 DTTS hiện vẫn cao hơn gấp 2 lần tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường học của cả nước và cao hơn gần gấp 3 lần tỷ lệ này ở dân tộc Kinh. Việc trẻ em trong độ tuổi đi học nhưng không đi học là một nguyên nhân và hệ quả của tảo hôn.
Mang thai ở tuổi chưa thành niên
Ở lứa tuổi dậy thì, thanh thiếu niên có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, bản năng yêu, tình dục bắt đầu trỗi dậy, xuất hiện nhu cầu tình dục với người khác giới. Tuy nhiên về giáo dục giới tính trong trường học của nước ta còn hạn chế, các bậc phụ huynh cũng ngại thảo luận vấn đề này với con cái…vì thế dẫn đến nhiều trường hợp mang thai sớm. Trong trường hợp này, việc kết hôn để đảm bảo danh dự cho bé gái và cho gia đình khỏi bị kỳ thị, chê bai của xã hội.
Ảnh hưởng của mạng internet và truyền thông xã hội
Sự ra đời của điện thoại di động và các công nghệ viễn thông đã thay đổi thói quen hẹn hò, cho phép người chưa thành niên “tìm vợ nhanh hơn” và làm gia tăng xu hướng mang thai trước hôn nhân – yếu tố dẫn đến tảo hôn.
Pháp luật hôn nhân và gia đình chưa được thực thi đầy đủ hoặc không phát huy tác dụng
Hầu như trên thực tế tảo hôn chỉ bị phạt hành chính (phạt tiền) và với nhiều gia đình đây chỉ là mức phạt nhẹ nhàng, họ sẵn sàng chi trả. Đối với gia đình nghèo khó, DTTS thì số tiền quá lớn họ không thể trả được và chế tài nộp tiền phạt rất khó thực hiện ở vùng DTTS. Các gia đình tổ chức cưới tảo hôn cho con đa số là hộ nghèo nên không có tiền nộp phạt.
Chính quyền địa phương cũng khó mà cưỡng chế. Các gia đình còn tìm đủ mọi cách “cưới chui”. Chỉ đến khi cặp vợ chồng tảo hôn sinh con mới đi làm đăng ký khai sinh, đặt UBND xã vào tình thế phải “hợp thức hóa” để bảo vệ quyền lợi cho đứa trẻ.
Ở một số nơi, ngay cả gia đình cán bộ, đảng viên là lãnh đạo xã cũng để xảy ra tình trạng tảo hôn. Những phản ứng từ cộng đồng địa phương cũng rất yếu, hầu hết coi đây là việc riêng của từng gia đình, thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ.
Hạn chế của công tác tuyên truyền, vận động
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nạn tảo hôn còn gặp nhiều rào cản ngôn ngữ ở vùng DTTS, nhiều người dân không biết nói tiếng phổ thông và không biết chữ, trình độ dân trí thấp, vì thế dẫn đến hiệu quả tuyên truyền không được như mong muốn.
Sau khi tảo hôn, khoảng thời gian lao động của thanh, thiếu niên có thể lên tới 10 – 12 giờ đồng hồ/ngày khi các em vừa phải lao động sản xuất, vừa phải chăm lo cho bản thân, chồng, vợ, con, người già, người khuyết tật… trong gia đình. Lao động kéo dài nhiều giờ trong ngày khiến các em không còn thời gian học tập, vui chơi, giải trí, phát triển thể chất, tinh thần, mà đáng lẽ ra như trong điều kiện bình thường các em đáng được hưởng.
Như vậy, tảo hôn là vấn nạn vi phạm quy định về độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình; vi phạm quyền được vui chơi, học tập của trẻ em; cũng như quyền được tự do mưu cầu hạnh phúc, tự do kết hôn theo Hiến pháp nước ta. Nhiều quyền chính đáng của công dân mà các em được hưởng đã bị cướp đi bởi nạn tảo hôn, gây nên những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần theo suốt cuộc đời của những đứa trẻ đã kết hôn quá sớm khi còn ngây thơ, thiếu hiểu biết.
Tảo hôn phạt bao nhiêu tiền?
Mức phạt hành chính tảo hôn
Điều 58 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn như sau:
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
Trách nhiệm hình sự với hành vi tảo hôn
Người có hành vi tổ chức tảo hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội tổ chức tảo hôn được quy định tại Điều 183 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
Tuy nhiên, như đã nói tại phần 2, thì việc xử phạt vi phạm hành chính sẽ được thực thi nhiều hơn trên thực tế, vì hầu hết ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, nhiều đồng bào DTTS sinh sống, việc tảo hôn sẽ được coi là việc riêng của gia đình, nhiều chính quyền cũng ngại can thiệp. Điều kiện kinh tế khó khăn khiến việc nộp phạt cũng khó cưỡng chế thi hành.
Hậu quả của Tảo hôn
Hậu quả của tảo hôn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến con người và xã hội. Cụ thể là:
- Người kết hôn sớm sẽ mất đi nhiều cơ hội học hành và phát triển, do cơ thể của họ chưa phát triển hoàn chỉnh về tâm sinh lý và chưa có những suy nghĩ đúng đắn về việc kết hôn. Con cái cũng có thể bị ảnh hưởng do người mẹ chưa phát triển đầy đủ khi sinh con.
- Ngoài ra với một gia đình trẻ thì chắc chắn điều kiện kinh tế chưa vững vàng, nên những người con cũng không được chăm sóc chu đáo và điều kiện cơ bản.
- Khi con cái chưa phát triển và suy nghĩ đúng đắn thì thường có suy nghĩ sai lầm và bố mẹ chính là người phải gánh chịu, chăm sóc. Không những vậy chính gia đình của cặp vợ chồng trẻ cũng ly hôn và không còn hoàn chỉnh.
- Đối với xã hội thì chúng ta sẽ dễ thấy nhất đó là những người tảo hôn đã vi phạm pháp luật về hôn nhân. Vì theo quy định thì nam từ đủ 20 tuổi mới được phép kết hôn, nữ từ đủ 19 tuổi mới được phép kết hôn. Điều này hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu về y học về con người, độ tuổi này thì cả nam và nữ đều phát triển hoàn thiện về thể chất và suy nghĩ để lo lắng cho tương lai.
Thực tế cũng cho thấy việc kết hôn quá sớm sẽ gây ra tình trạng ly hôn cao bởi độ tuổi kết hôn vẫn suy nghĩ chưa chín chắn về chuyện hôn nhân.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Quy định của pháp luật về vấn đề tảo hôn?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!