Pháp luật hiện hành năm 2022 quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người bị hại thế nào?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
1. Căn cứ pháp lý về quyền và nghĩa vụ của người bị hại thế nào?
Cũng giống như các đối tượng khác khi tham gia vào tố tụng hình sự được quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ. Theo đó, quyền, nghĩa vụ của người bị hại theo quy định tại Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự như sau:
“Điều 62. Bị hại
- Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
- Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền:
a) Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
b) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
c) Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
d) Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật;
đ) Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án;
e) Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
g) Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường;
h) Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa;
i) Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình;
k) Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này;
l) Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa;
m) Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
n) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
o) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
3. Bị hại có nghĩa vụ:
a) Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
b) Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.
Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.”
2. Quyền của bị hại
Phạm vi của đối tượng được hưởng quyền của bị hại không chỉ giới hạn là những bị hại trực tiếp của tội phạm mà còn được mở rộng ra cả đối tượng khác như:
+ Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định.
+ Trường hợp cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Khoản 5 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
“5. Trường hợp bị hại chết, mất tích, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì người đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người bị hại quy định tại Điều này.
Cơ quan, tổ chức là bị hại có sự chia, tách, sáp nhập, hợp nhất thì người đại diện theo pháp luật hoặc tổ chức, cá nhân kế thừa quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức đó có những quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều này.”
Quyền của bị hại và người đại diện của họ được quy định tại Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:
+ Quyền được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015;
+ Quyền được đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.
Theo Điểm b Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thì bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: “Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu”.
Như vậy, không chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng có quyền đưa ra các chứng cứ, đồ vật, tài liệu mà bị hại có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu và đồ vật liên quan đến vụ án để chứng minh có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội, chứng minh những thiệt hại của mình là do hành vi phạm tội gây ra.
Thậm chí bị hại có thể chứng minh cả những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết quyền lợi của mình như việc giải quyết bồi thường thiệt hại và những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
+ Quyền trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể như sau:
Nếu như trước đây, bị hại trong vụ án hình sự chỉ được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu thì theo Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, bị hại còn có quyền trình bày ý kiến của mình về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án đồng thời có quyền yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá các tài liệu, đồ vật đó.
Trên thực tế, bị hại là người trực tiếp bị tội phạm xâm hại, trong nhiều trường hợp bị hại cũng đồng thời là nhân chứng trực tiếp của vụ án. Do đó những ý kiến của bị hại về các chứng cứ, tài liệu, đồ vật có ý nghĩa quan trọng giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định tính khách quan của các chứng cứ, tài liệu đồ vật có liên quan đến vụ án từ đó xác định các tình tiết trong vụ án hình sự.
+ Quyền đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Cụ thể:
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 cho phép bị hại cũng như đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trừ những trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội (theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị trưng cầu giám định của bị hại cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. (Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
+ Quyền được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án theo quy định tại Điểm đ Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015:
Trong giai đoạn điều tra, khi cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ điều tra, quyết định phục hồi điều tra và khi kết thúc điều tra, cơ quan điều tra phải thông báo cho bị hại, đương sự và người đại diện hợp pháp của họ.
Trong giai đoạn truy tố, khi Viện kiểm sát ra các quyết định như Quyết định truy tố bị can trước Tòa án, Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung, Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án, Quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, Quyết định phục hồi vụ án thì Viện kiểm sát có trách nhiệm thông báo cho bị hại.
Trong giai đoạn xét xử, Toà án giao Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị hại chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên toà. Các Quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định phục hồi vụ án của Tòa án được giao bị hại hoặc người đại diện của họ trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án Tòa án cấp sơ thẩm phải giao bản án cho bị hại.
+ Quyền đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật (tại Điểm e Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Khi có căn cứ để cho rằng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, kiểm tra viên, thẩm phán, hội thẩm, thư ký toà án không vô tư trong khi tiến hành tố tụng và người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật không vô tư trong khi tham gia tố tụng thì bị hại có quyền đề nghị thay đổi họ (căn cứ theo Khoản 2 Điều 50 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
+ Quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường (tại Điểm g Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Bị hại có quyền đề nghị hình phạt đối với người phạm tội để các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng xem xét sau khi đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội và xác định sự thật khách quan của vụ án.
Bị hại cũng có quyền đề nghị mức bồi thường thiệt hại và các biện pháp bảo đảm bồi thường thiệt hại do tội phạm xâm phạm.
+ Quyền tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa (Điểm h Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
+ Quyền tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình (tại Điểm i Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 chính thức quy định đây là quyền của bị hại để họ có thể lựa chọn tự mình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình hoặc là nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.
+ Quyền tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này (Điểm k Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Bị hại có có thể được tham gia vào một số hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án. Với quyền được tham gia một số hoạt động tố tụng quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, bị hại hoàn toàn chủ động trong việc bảo vệ quyền lợi của mình như họ có được thông tin từ các cơ quan tiến hành tố tụng mà không phải chờ đến khi được thông báo.
Các cơ quan tiến hành tố tụng phải nỗ lực hết sức trong phạm vi khả năng của mình để bị hại được tham gia các hoạt động tố tụng theo luật định đồng thời phải tuân thủ những điều kiện nhất định như việc tham gia đó không ảnh hưởng đến tính khách quan của vụ án cũng như gây khó khăn hoặc cản trở đến hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác.
+ Quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa (Điểm l Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Để bảo đảm an toàn cho bị hại, bị hại được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ cho họ và người thân của họ khi họ báo cáo về nguy cơ họ bị xâm hại hoặc có căn cứ cụ thể về những hành vi đe dọa họ nhằm gây sức ép hoặc cản trở quyền tố tụng của họ.
+ Quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án (Điểm m Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Trong trường hợp bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo.
Trong trường hợp bị hại chỉ kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại, thì họ có thể uỷ quyền cho người khác. Người được uỷ quyền có các quyền và nghĩa vụ như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn dân sự.
+ Quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điểm n Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015):
Người bị hại có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 469 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015).
3. Nghĩa vụ của bị hại
+ Nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì có lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải;
+ Nghĩa vụ chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Trong trường hợp người bị hại chết thì người đại diện hợp pháp của người bị hại có những quyền được nói ở trên. Nếu người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất và tinh thần thì người đại diện hợp pháp của họ có thể thay thế người bị hại để thực hiện các quyền của người bị hại.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hình sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120