Phát hiện đất của mình nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại được cấp cho người khác, thì có đòi lại được không? Quy định pháp luật về vấn đề này như thế nào? Bài viết này sẽ phân tích làm rõ vấn đề trên.
1. Căn cứ pháp lý
Nghị định 43/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai
Nghị định 148/2020/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai
Thông tư 24/2014/TT-BTNMT Quy định về hồ sơ địa chính
2. Căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Căn cứ theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:
“Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.”
Theo khoản 1 Điều 99 Luật Đất đai 2013, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho những trường hợp sau đây:
a) Người đang sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại các điều 100, 101 và 102 của Luật này;
b) Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ sau ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Người được chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, được thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; người nhận quyền sử dụng đất khi xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất để thu hồi nợ;
d) Người được sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành đối với tranh chấp đất đai; theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án hoặc quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành;
đ) Người trúng đấu giá quyền sử dụng đất;
e) Người sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;
g) Người mua nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất;
h) Người được Nhà nước thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; người mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
i) Người sử dụng đất tách thửa, hợp thửa; nhóm người sử dụng đất hoặc các thành viên hộ gia đình, hai vợ chồng, tổ chức sử dụng đất chia tách, hợp nhất quyền sử dụng đất hiện có;
k) Người sử dụng đất đề nghị cấp đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Tuy nhiên, thực tế một số sai sót vẫn có thể xảy ra, thực tiễn có ghi nhận một số trường hợp phát hiện đất của mình nhưng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại được cho người khác.
3. Cơ quan nhà nước xử lý việc cấp Giấy chứng nhận có sai sót như thế nào?
Căn cứ quy định tại Điều 106 Luật Đất đai 2013 về Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp như sau:
“Điều 106. Đính chính, thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp
1. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
a) Có sai sót thông tin về tên gọi, giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận của người đó;
b) Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.
Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai.
2. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều này do cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật này quyết định sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.”
Theo đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp sai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đã cấp, khi giấy chứng nhận đã cấp không đủ điều kiện được cấp, do không thể chứng minh nguồn gốc đất.
Việc thu hồi này được thực hiện sau khi đã có kết luận của cơ quan thanh tra cùng cấp, văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Khi có chứng cứ chứng minh phần đất bị cấp sai giấy chứng nhận quyền sở hữu là thuộc về mình, thì người này có căn cứ yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.
4. Làm gì khi phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho người khác đối với phần đất thuộc sở hữu của mình?
Khi người sử dụng đất phát hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp không đúng quy định của pháp luật, mà cụ thể là không đúng chủ thể sở hữu quyền được ghi trong giấy chứng nhận thì người sử dụng đất gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, căn cứ khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định.
Căn cứ khoản 4 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, khi thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện nội dung giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định thì nộp hồ sơ gồm:
+ Đơn phản ánh việc cấp giấy chứng nhận không đúng quy định;
+ Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp;
Như vậy, căn cứ khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, trình tự thủ tục cần thực hiện khi phát hiện đất của mình nhưng lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác như sau:
Bước 1: Gửi kiến nghị của mình đến cơ quan có thẩm quyền (Phòng đăng ký đất đai thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) trình bày về việc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp không đúng đối tượng.
Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan thanh tra và những cơ qua có thẩm quyền khác thực hiện việc xem xét, kiểm tra.
Bước 3: Cơ quan thanh tra sẽ ra kết luận thanh tra giấy chứng nhận đã cấp là không đúng quy định của pháp luật và gửi cho phòng đăng ký đất đai.
Bước 4: Văn phòng đăng ký đất đai sẽ ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.
Trường hợp người sử dụng đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nêu trên thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
5. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật nhưng đã bán đất cho người khác, thì có bị thu hồi giấy chứng nhận không?
Căn cứ quy định tại khoản 26 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP:
“4. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có bản án, quyết định có hiệu lực thi hành, trong đó có kết luận về việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp thì việc thu hồi Giấy chứng nhận được thực hiện theo bản án, quyết định đó;
b) Trường hợp cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan thanh tra;
c) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ờ và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 105 của Luật Đất đai và Điều 37 của Nghị định này phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì kiểm tra lại, thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do và quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định;
d) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai thì gửi kiến nghị bằng văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm kiểm tra, xem xét, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai;
đ) Cơ quan có thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này là cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận tại thời điểm thu hồi Giấy chứng nhận;
e) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
g) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các điểm b, c và d khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
2. Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai.”
Như vậy, đối với trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật nhưng đã bán đất cho người khác, thì không bị Nhà nước tiến hành thu hồi giấy chứng nhận vì liên quan đến quyền lợi của bên thứ ba.
Trong tình huống này, bên chịu thiệt hại có thể kiện ra Tòa án, đòi bồi thường. Những người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ và tính chất của vụ việc.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Phát hiện đất của mình nhưng Sổ đỏ lại được cấp cho người khác, có đòi lại được không? (2022)
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!