Phát hiện đất thuộc quy hoạch có được lấy lại cọc không? 2022
Mặc dù khi có đất thuộc quy hoạch thì người sử dụng đất vẫn có một số quyền nhất định nhưng hầu hết không ai muốn rơi vào trường hợp này, nhất là khi nhận chuyển nhượng.
Vậy luật sư cho tôi hỏi, khi phát hiện đất thuộc quy hoạch có được lấy lại cọc không?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
-
Định nghĩa đặt cọc:
Căn cứ theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 về Đặt cọc:
“Điều 328. Đặt cọc
- Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, pháp luật quy định đặt cọc là việc bên đặt cọc giao cho bên nhận đặt cọc một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
Khi hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Đặt cọc là một biện pháp bảo đảm trong giao dịch dân sự nên đặt cọc được sử dụng rất phổ biến trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.
Mặc dù phổ biến như vậy và quy định về đặt cọc không quá phức tạp nhưng trên thực tế phát sinh nhiều vấn đề khi áp dụng và một trong số đó là lấy lại cọc khi đất thuộc quy hoạch.
2. Quy hoạch là gì?
Quy hoạch là quá trình sắp xếp, bố trí các đối tượng quy hoạch vào một không gian nhất định nhằm đạt được mục tiêu của kế hoạch đề ra
3. Quy hoạch sử dụng đất là gì?
Quy hoạch sử dụng đất là việc lên kế hoạch phân bổ và xác định một vùng đất đai để sử dụng cho một mục đích nhất định. Chẳng hạn như:
Để sử dụng cho mục tiêu bảo vệ quốc phòng an ninh. Bảo vệ môi trường và thích ứng với những thay đổi tiêu cực của khí hậu, phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời có những thay đổi, định hướng sử dụng quỹ đất phù hợp nhu cầu sử dụng đất của từng ngành, từng lĩnh vực ở từng địa phương.
Việc định hướng như vậy được áp dụng với từng vùng kinh tế, trong một khoảng thời gian xác định, và được phân chia thành từng kỳ quy hoạch sử dụng đất cụ thể.
4. Đất quy hoạch là gì?
Căn cứ theo Khoản 2 Điều 3 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể như sau:
“2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.”
Theo đó, có thể hiểu:
Đất quy hoạch chính là vùng đất nằm trong kế hoạch sử dụng đất ở từng địa phương, phân theo từng mục đích sử dụng và được chia thành từng kỳ trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ một số quy hoạch đất đai phổ biến như là quy hoạch xây dựng khu dân cư, quy hoạch đường sắt, quy hoạch làm đường giao thông…
Việc quy hoạch này được đưa ra để hoạch định chính sách, phát triển kinh tế địa phương, đảm bảo việc sử dụng quỹ đất một cách có hiệu quả và đây cũng là cơ sở để Nhà nước giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, hay là cơ sở để Nhà nước thực hiện việc đền bù về đất, chi phí về đất cho người dân khi có quy hoạch cần thu hồi đất.
Ở mỗi địa phương đều có quy hoạch kế hoạch sử dụng đất dựa trên quỹ đất cũng như là tình hình sử dụng đất thực tế ở địa phương, và kế hoạch này cũng có thể thay đổi theo từng thời kỳ để đảm bảo sự phát triển phù hợp nhất.
5. Làm thế nào để biết đất đang trong quy hoạch?
Việc quy hoạch đất ở mỗi địa phương là không giống nhau và cũng có thể thay đổi qua từng khoảng thời gian, thêm nữa quy hoạch này có thể là đã công khai hoặc chưa công khai, cho nên nếu người dân muốn tìm hiểu đất này có đang trong quy hoạch như thế nào hay không thì có thể tìm hiểu bằng các phương thức sau.
– Kiểm tra quy hoạch dựa trên thông tin trên sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc sổ hồng (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất).
Trong trường hợp đất đã có sổ thì thông thường thông tin quy hoạch vẫn sẽ được ghi trực tiếp ở trên giấy chứng nhận quyền sử dụng. Thông tin về việc quy hoạch sẽ nằm trong phần ghi chú, trong đó cũng chỉ rõ lô đất này đang trong diện quy hoạch gì.
Người mua đất có thể xem xét quy hoạch đó có phù hợp với mình không để tiến hành thực hiện mua đất.
– Nhờ công ty nhà đất, dịch vụ ở địa phương kiểm tra quy hoạch.
Do những công ty làm việc trong lĩnh vực nhà đất ở địa phương là những người làm kinh doanh dựa trên đất đai cho nên họ cũng sẽ nắm được vấn đề quy hoạch ở địa phương này, việc hỏi công ty kinh doanh lĩnh vực nhà đất ở địa phương sẽ giúp nắm được thông tin quy hoạch một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
– Tìm hiểu quy hoạch đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương mà nắm được thông tin về các kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất là Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương (Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện).
Đây là cơ quan nhà nước quản lý đất đai ở địa phương cho nên họ là bên nắm rõ nhất việc đất đai đang nằm trong quy hoạch như thế nào, cho nên người dân khi đến phòng Tài nguyên và Môi trường hỏi sẽ có được thông tin chính xác cho mình.
Và để chắc chắn xác thực hơn, người mua đất có thể xin cấp Chứng chỉ xác nhận quy hoạch của phần đất mình định mua, việc này sẽ giúp có được thông tin đảm bảo chính xác và rõ ràng. Tuy nhiên về mặt thời gian thì có thể sẽ lâu do thời gian để có chứng chỉ xác nhận là sẽ là từ 10-15 ngày tùy từng địa phương.
Có nhiều cách để xác định việc đất đai có đang nằm trong quy hoạch không, hay thuộc diện quy hoạch nào, bạn có thể lựa chọn cách thức phù hợp và thuận tiện nhất với mình.
-
Lấy lại tiền đặt cọc
Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người đặt cọc có thể áp dụng quy định khác nhau để lấy lại tiền đặt cọc, cụ thể:
· Khi hợp đồng có thỏa thuận
Hợp đồng đặt cọc gồm nhiều điều khoản khác nhau, trong đó thường có điều khoản cam kết về quy hoạch, thông tin thửa đất đủ điều kiện để chuyển nhượng theo quy định.
Trường hợp bên nhận đặc cọc có cam kết thửa đất chuyển nhượng không thuộc quy hoạch mà khi giao kết, thực hiện hợp đồng phát hiện thửa đất đó thuộc quy hoạch thì bên nhận đặt cọc có nghĩa vụ trả lại tiền cọc cho bên đặt cọc.
Trường hợp bên nhận đặt cọc không trả cọc thì bên đặt cọc có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo thủ tục tố tụng dân sự.
Thực tế cho thấy nếu bên nhận đặt cọc có cam kết thửa đất chuyển nhượng không thuộc quy hoạch nhưng khi sang tên mới phát hiện đất thuộc quy hoạch thì nguyên nhân do bên nhận đặc cọc không biết thửa đất đó thuộc quy hoạch.
Do vậy, để bảo đảm tính thiện chí khi chuyển nhượng và tránh phát sinh tranh chấp khi đặt cọc, khi thực hiện chuyển nhượng thì các bên nên thỏa thuận điều khoản “trả lại tiền đặt cọc, tiền trả trước hoặc tiền chuyển nhượng khi đất thuộc quy hoạch”.
Đồng thời, do bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng có thể không biết đất mình thuộc quy hoạch nên phương án tốt nhất là không nên thỏa thuận điều khoản phạt cọc khi đất thuộc quy hoạch.
· Khi bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng lừa dối
Việc che giấu thông tin đất thuộc quy hoạch để chuyển nhượng với giá cao hơn, dễ dàng chuyển nhượng hơn xảy ra tương đối phổ biến. Trường hợp bên đặt cọc, bên nhận chuyển nhượng phát hiện bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng lừa dối thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu.
Nội dung này được quy định rõ tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 127. Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép
Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”
Khi hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng bị tuyên vô hiệu thì bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng có nghĩa vụ trả lại tiền đặt cọc, tiền trả trước, tiền chuyển nhượng cho bên đặt cọc, bên nhận chuyển nhượng.
Quy định này được nêu rõ tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
“Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.”
Mặc dù pháp luật đã quy định rõ như vậy nhưng vấn đề khó nhất để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận là chứng cứ, chứng minh bên nhận đặt cọc, bên chuyển nhượng lừa dối.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp số tiền đặt cọc không lớn nhưng thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên giao dịch dân sự vô hiệu phức tạp, mất nhiều thời gian,… nên bên đặt cọc thường từ bỏ tiền đặt cọc.
-
Kết luận:
Bên cạnh tìm hiểu khái niệm đất quy hoạch là gì; bạn cần tìm hiểu một số điểm liên quan đến đất quy hoạch trước khi đưa ra quyết định mua hay không mua đất.
Hiện tại, đất quy hoạch có rất nhiều loại. Bao gồm: Đất quy hoạch làm đường giao thông; đất quy hoạch đô thị; đất quy hoạch đô thị; đất quy hoạch lô giới; đất quy hoạch cây xanh; công trình công cộng; đất quy hoạch làm công viên;…
Khi mua đất quy hoạch hay các loại đất nào; điều quan trọng nhất là đất đã được cấp giấy tờ hợp pháp để tránh trường hợp chủ đất sang tay cho nhiều người cùng lúc.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực Đất đai hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120