Luật sư cho tôi hỏi, pháp luật hiện hành năm 2022 quy định như thế nào về vấn đề Vay tài sản? Khái niệm, hình thức, đặc điểm pháp lý, điều kiện, đối tượng, ý nghĩa?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
-
Căn cứ pháp lý:
- Điều 463 Bộ luật dân sự 2015;
- Điều 119 Bộ luật dân sự 2015;
- Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015;
- Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015;
- Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015.
-
Khái niệm vay tài sản theo pháp luật hiện hành:
Trong cuộc sống hàng ngày, để giải quyết những khó khăn tạm thời về kinh tế, phải vay mượn tiền, vàng,… của người khác thì hợp đồng vay tài sản là phương tiện pháp lí để thoả mãn các nhu cầu đó.
Căn cứ theo quy định tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 về Hợp đồng vay tài sản:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Theo đó, pháp luật quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
-
Hình thức giao dịch dân sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 119 Bộ luật dân sự 2015 về Hình thức giao dịch dân sự:
“Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.
Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
- Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.”
Theo đó, pháp luật quy định hợp đồng vay tài sản cũng như hợp đồng mượn tài sản không phải tuân thủ bất kỳ hình thức nào nên các bên có thể giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Nếu các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định hợp đồng vay phải được lập thành văn bản, thì phải tuân theo hình thức đó.
Bên vay trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó.
Các bên có thể thoả thuận về việc tài sản vay phải được sử dụng đúng mục đích vay, bên cho vay có quyền kiểm tra việc sử dụng tài sản và đòi lại tài sản cho vay trước thời hạn, nếu đã thoả thuận mà bên vay vẫn sử dụng tài sản trái mục đích đó.
Hình thức miệng thường được áp dụng trong những trường hợp như số lượng tài sản cho vay không lớn hoặc giữa các bên có mối quan hệ thân quen. Trường hợp cho vay bằng miệng, nếu xảy ra tranh chấp hợp đồng, bên cho vay phải chứng minh được là mình đã cho vay một số tiền hoặc một số tài sản nhất định.
Trong thực tế, nếu hình thức của hợp đồng bằng miệng mà có tranh chấp thì rất khó xác định quyền và nghĩa vụ của các bên. Đê làm cơ sở pháp lí cho việc giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản, các bên cần phải kí kết hợp đồng bằng văn bản. Các bên có thể tự lập văn bản hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận văn bản đó.
-
Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
Để hợp đồng vay mượn tài sản nói trên có hiệu lực thì cần phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”
-
Đặc điểm pháp lí của hợp đồng vay tài sản
-
Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng đơn vụ
Xét về nguyên tắc, hợp đồng cho vay là hợp đồng đơn vụ đối với những trường hợp vay không có lãi suất, bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải hoàn trả vật cùng loại tương ứng với số lượng, chất lượng của tài sản cho bên cho vay. Bên vay không có quyền đối với bên cho vay.
Tuy nhiên, đối với hợp đồng cho vay có lãi suất thì bên cho vay có nghĩa vụ chuyển tiền đúng thời hạn, nếu vi phạm phải chịu trách nhiệm dân sự.
-
Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng có đền bù hoặc không có đền bù
Nếu hợp đồng vay có lãi suất là hợp đồng vay có đền bù.
Nếu hợp đồng vay không có lãi suất là hợp đồng không có đền bù.
-
Hợp đồng vay tài sản là hợp đồng chuyển quyền sở hữu:
Là hợp đồng chuyển quyền sở hữu đối với tài sản từ bên cho vay sang bên vay, khi bên vay nhận tài sản. Vì vậy, bên vay có toàn quyền đối với tài sản vay, trừ trường hợp vay có điều kiện sử dụng.
-
Ý nghĩa của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là quan hệ tương đối phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Nó có tác dụng giúp cho bên vay giải quyết những khó khăn kinh tế trước mắt; giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn khi thiếu vốn để sản xuất và lưu thông hàng hoá, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của con người, nhu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hợp đồng vay tài sản trong nhân dân thường mang tính chất tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết những khó khăn tạm thời trong cuộc sống, trong sản xuất, kinh doanh.
7. Đối tượng của hợp đồng vay tài sản:
Thông thường, đối tượng của hợp đồng vay tài sản là một khoản tiền. Tuy nhiên, trong thực tế, đối tượng của hợp đồng cho vay có thể là vàng, kim khí, đá quý hoặc một số lượng tài sản khác.
Đối tượng của hợp đồng vay tài sản được chuyển từ bên cho vay sang bên vay làm sở hữu. Bên vay có quyền định đoạt đối với tài sản vay.
Khi hết hạn của hợp đồng vay tài sản, bên vay có nghĩa vụ trả cho bên kia một tài sản khác cùng loại với tài sản đã vay hoặc số tiền đã vay.
-
Kì hạn của hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản có thể có hoặc không có kì hạn (xác định, không xác định).
Nếu hợp đồng vay tài sản không thoả thuận về kì hạn thì hợp đồng vay tài sản được coi là không có kì hạn. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay phải thực hiện hợp đồng bất cứ thời điểm nào.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho bên vay chuẩn bị tiền hoặc tài sản khi trả, bên cho vay phải báo cho bên vay một thời gian hợp lí để thực hiện hợp đồng. Hết thời gian đó, bên vay buộc phải thực hiện nghĩa vụ của mình (Điều 469 Bộ luật dân sự năm 2015).
Nếu hợp đồng không có kì hạn thì bên vay có thể thực hiện hợp đồng vào bất cứ thời gian nào, bên cho vay không được từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ của bên vay.
Xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng vay có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định ttách nhiệm dân sự của các bên và thời hiệu của hợp đồng.
Đối với hợp đồng vay có kì hạn, không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ khi nào, còn bên cho vay chỉ được đòi tài sản trước thời hạn nếu bên vay đồng ý.
Trường hợp vay có kì hạn và có lãi bên vay phải trả tài sản và lãi đúng thời hạn. Nếu bên vay trả tài sản trước thời hạn thì phải trả toàn bộ lãi theo kì hạn đã thoả thuận.
9. Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản
Lãi suất trong hợp đồng vay tài sản là tỉ lệ nhất định mà bên vay phải trả thêm vào số tài sản hoặc số tiền đã vay tính theo đơn vị thời gian. Căn cứ vào lãi suất, số tiền vay và thời gian vay mà bên vay phải trả một số tiền nhất định (tiền lãi), số tiền này tỉ lệ thuận với lãi suất, số tiền đã vay và thời gian vay.
Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định lãi suất giới hạn là 20%/năm của khoản vay. Trường hợp các bên cho vay vượt quá lãi suất quy định thì phần vượt quá không có hiệu lực, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác (Luật các tổ chức tín dụng). Trường hợp các bên có thoả thuận về lãi suất nhưng không cụ thể, nếu có tranh chấp thì tính bằng 10%/năm của khoản tiền vay tương ứng với thời hạn vay.
-
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
Căn cứ theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 về Nghĩa vụ trả nợ của bên vay:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
- Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
- Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, Khoản 1 Điều này có quy định bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Trong trường hợp bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên cho vay. Bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ, nếu cố tình không thực hiện thì bên cho vay có quyền gửi đơn đến tòa án nhân dân có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Như vậy, trả nợ khi đến hạn là nghĩa vụ của bên vay. Nếu đến hạn trả nợ nhưng bên vay không trả, có 02 trường hợp xảy ra như sau:
Trường hợp 1: Bên vay không trả nợ do không có khả năng chi trả và không có dấu hiệu bỏ trốn hay dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản thì đây sẽ là tranh chấp dân sự. Để đòi lại được tiền, bên cho vay có thể đến Tòa án dân sự để thực hiện thủ tục kiện đòi tài sản.
Trường hợp 2: Nếu bên vay có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
-
Kết luận:
Như vậy, khi bên cho vay tài sản mà không đòi được thì bên cho vay có thể tiến hành khởi kiện tại tòa án. Để khởi kiện, bên cho vay cần phải chứng minh được việc cho vay tài sản được thể hiện qua lời nói bằng bản ghi âm hoặc có sự xác nhận từ người đi vay qua email, tin nhắn điện thoại, phương tiện điện tử khác… đây sẽ là căn cứ quan trọng để Tòa án ra phán quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120