Tên thương mại và nhãn hiệu đều là hai đối tượng của Sở hữu công nghiệp nói riêng là lĩnh vực Sở hữu trí tuệ nói chung.
Tuy nhiên, thực chất đây là hai khái niệm khác nhau về bản chất. Trên thực tế, tên thương mại và nhãn hiệu của hàng hóa, dịch vụ có thể trùng nhau, vì vậy rất dễ gây nhầm lẫn. Điều này dẫn đến việc lầm tưởng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chính là bảo hộ tên thương mại và dẫn đến những hậu quả đối với chủ sở hữu. Bài viết dưới đây sẽ phân biệt và làm rõ vấn đề này dựa trên một số nội dung cụ thể.
Quy định về khái niệm giữa tên thương mại và nhãn hiệu
Khoản 21 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về khái niệm tên thương mại:
“Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.”
Khoản 16 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về khái niệm nhãn hiệu:
“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ các tổ chức, cá nhân khác nhau.”
Chức năng của tên thương mại và nhãn hiệu
Tên thương mại dùng để phân biệt các chủ thể kinh doanh này với các chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh và khu vực kinh doanh.
Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Thành phần, cấu tạo của tên thương mại và nhãn hiệu
Nhãn hiệu có thành phần cấu tạo là chữ (chữ viết hoặc chữ số) hoặc hình (hình vẽ hoặc hình chụp); hoặc là sự kết hợp giữa chữ và hình.
Còn tên thương mại chỉ có một thành phần cấu tạo duy nhất đó là chữ
Căn cứ bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu
Nhãn hiệu được bảo hộ khi đáp ứng các quy định về tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu. Được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bởi Cục SHTT.
Còn tên thương mại không cần thực hiện việc đăng ký tại Cục SHTT và căn cứ bảo hộ dựa trên việc sử dụng hợp pháp, lâu dài và ổn định. Ngoài ra, khi có tranh chấp, việc chứng minh sử dụng dựa trên các căn cứ như: số năm công ty hoạt động, thị phần trên thị trường hoặc độ phổ biến trong một khu vực, số lượng người tiêu dùng biết đến,…
Về điều kiện bảo hộ tên thương mại và nhãn hiệu
Đối với điều kiện bảo hộ của nhãn hiệu, Luật sở hữu trí tuệ hiện hành cũng đã quy định cụ thể:
Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình ảnh, hình vẽ, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó. thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc tạo thành một tổng thể hoàn chỉnh dễ nhận biết, dễ ghi nhớ.
Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được sử dụng hoặc đã đăng ký trước đó.
Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác ( Theo điều 74 Luật SHTT hiện hành).
Đối với điều kiện bảo hộ tên thương mại:
Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ:
-
- Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng.
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
- Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác. Hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng
- Không phải tên của cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội hoặc chủ thể khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Về thời hạn bảo hộ của tên thương mại và nhãn hiệu
Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu là 10 năm và không giới hạn số lần gia hạn, mỗi lần gia hạn 10 năm.
Còn thời hạn bảo hộ của tên thương mại thì không hạn chế, không xác định thời hạn bảo hộ và chỉ chấm dứt bảo hộ khi không sử dụng.
Phạm vi bảo hộ
Nhãn hiệu khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thì nhãn hiệu đó được bảo hộ trên toàn quốc.
Tên thương mại khi sử dụng hợp pháp được bảo hộ trên một địa bàn, trên một lĩnh vực và khu vực kinh doanh.
Về chuyển giao/ chuyển nhượng tên thương mại và nhãn hiệu
Đối với nhãn hiệu sẽ thực hiện thủ tục chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.
Còn thủ tục đối với tên thương mại là chuyển giao toàn bộ cơ sở, hoạt động kinh doanh.
Tóm lại, việc phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu với nhau cũng như phân biệt với các đối tượng sở hữu trí tuệ khác là điều quan trọng, từ đó việc xác lập và sử dụng quyền sẽ đạt được hiệu quả nhất. Vì vậy, việc cần một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ được ghi nhận bởi Cục Sở hữu trí tuệ trong việc đại diện thực hiện đăng ký và thực hiện các thủ tục để bảo vệ các đối tượng sở hữu trí tuệ sao cho đúng pháp luật là điều thật sự rất cần thiết.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Phân biệt tên thương mại và nhãn hiệu?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!