Công ty Luật TNHH PT chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và gia đình 2014
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn
Theo định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Theo đó, cha/mẹ không thực hiện việc nuôi con khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trừ trường hợp người trực tiếp nuôi con tự nguyện không yêu cầu bên còn lại cấp dưỡng nuôi con và họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng, việc cấp dưỡng chỉ đặt ra với trường hợp khi ly hôn mà con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là bao nhiêu?
Tại Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 mức cấp dưỡng được quy định như sau:
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Theo đó, tiền cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn do hai bên tự thỏa thuận hoặc do Tòa án quyết định.
Trường hợp do hai bên thỏa thuận:
Hai bên cha mẹ có thể thỏa thuận với nhau về số tiền cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn. Việc thỏa thuận này phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người thực hiện cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của con để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của con.
Trường hợp Tòa án xác định:
Trong trường hợp hai bên không thể thỏa thuận được thì các bên yêu cầu Tòa án xác định mức cấp dưỡng cho con khi ly hôn.
Ngoài ra, tại Điều 7 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP, mức cấp dưỡng sẽ do các bên thỏa thuận gồm toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con. Nếu không thỏa thuận được thì do Tòa án quyết định. Mức tối thiểu do Tòa án quy định sẽ không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng nơi người cấp dưỡng đang cư trú mỗi tháng với mỗi người con.
Trong đó, mức lương tối thiểu vùng đang được quy định tại Nghị định 74/2024/NĐ-CP. Do đó, mức cấp dưỡng tối thiểu của các vùng như sau:
Vùng |
Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) |
Mức cấp dưỡng tối thiểu không thấp hơn (Đơn vị: đồng/tháng) |
Vùng I |
4.960.000 |
2.480.000 |
Vùng II |
4.410.000 |
2.205.000 |
Vùng III |
3.860.000 |
1.930.000 |
Vùng IV |
3.450.000 |
1.725.000 |
Đặc biệt, khoản 2 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình khẳng định:
Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do đó, pháp luật không có quy định giới hạn mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà hoàn toàn dựa vào thỏa thuận của các bên hoặc dựa vào thu nhập, điều kiện, nhu cầu của các bên. Hiện nay, thông thường Tòa án sẽ ấn định mức cấp dưỡng là khoảng 15-30% mức thu nhập của người cấp dưỡng.
Cấp dưỡng nuôi con theo phương thức nào?
Theo quy định tại điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Phương thức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn thực hiện ra sao cũng do vợ chồng thỏa thuận.
Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án xem xét điều kiện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng để quyết định phương thức cấp dưỡng nuôi con cho phù hợp. Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì các bên thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng và tạm ngừng cấp dưỡng.
Cha, mẹ sau ly hôn phải cấp dưỡng cho con tới năm bao nhiêu tuổi?
Căn cứ theo Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
– Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
– Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
– Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
– Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
– Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
– Trường hợp khác theo quy định của luật.
Như vậy, sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi con đủ mười tám tuổi trở lên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!