Ly thân là gì? Pháp luật hiện hành 2022 có thừa nhận ly thân không? Ly thân có được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con hay không?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
1. Ly thân là gì? Ly thân có làm chấm dứt quan hệ vợ chồng?
Hiện nay, trong tất cả các văn bản pháp luật về hôn nhân và gia đình không có khái niệm ly thân. Đây chỉ là cách gọi thông thường và là sự hiểu nhầm của các cặp vợ chồng.
Theo đó, ly thân được hiểu là việc hai vợ chồng không sống chung với nhau khi quan hệ tình cảm có rạn nứt nhưng chưa thực hiện các thủ tục ly hôn.
Căn cứ theo quy định tại Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về định nghĩa ly hôn:
“14. Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”
Theo đó, quan hệ vợ chồng chỉ chấm dứt bằng bản án hoặc quyết định của Toà án khi thực hiện thủ tục ly hôn (theo yêu cầu của một bên hoặc do hai bên thoả thuận với nhau).
Do đó, ly thân không phải sự kiện pháp lý làm chấm dứt quan hệ hôn nhân hợp pháp. Đây chỉ là trạng thái mà hai vợ chồng không còn sống chung với nhau nữa khi không còn tình cảm vợ chồng và chưa thực hiện thủ tục ly hôn theo quy định tại Toà án cơ thẩm quyền.
Đồng nghĩa, ly thân không phải ly hôn và không được pháp luật công nhận. Do đó, hai vợ chồng dù ly thân thì quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn còn tồn tại, hai người vẫn là vợ, chồng hợp pháp và có đầy đủ quyền cũng như phải thực hiện mọi nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
2. Quyền, nghĩa vụ vợ chồng khi ly thân
Như phân tích ở trên, ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng nên mọi quyền và nghĩa vụ khi vợ chồng ly thân vẫn phải được đảm bảo như khi hai người chưa ly thân.
Theo đó, vợ chồng có quyền và phải thực hiện nghĩa vụ sau đây:
Quyền của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
– Được bảo vệ quyền về nhân thân.
– Bình đẳng với nhau, có quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình, khi thực hiện các quyền của công dân.
– Được thoả thuận chọn nơi cư trú.
– Được đối phương tôn trọng, gìn giữ và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Nghĩa vụ của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
– Thương yêu, chung thuỷ, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, chia sẻ và cùng thực hiện các công việc trong gia đình.
– Sống chung với nhau trừ trường hợp có thoả thuận hoặc có lý do khác (nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…);
– Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Quyền với tài sản chung vợ chồng
Mặc dù ly thân (không sống chung với nhau nữa) nhưng quan hệ hôn nhân giữa 02 người vẫn được pháp luật công nhận. Do đó, vợ chồng vẫn có quyền ngang nhau trong việc định đoạt, sử dụng tài sản chung.
Đồng thời, dù ly thân, vợ chồng cũng vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản khi cùng thực hiện hoặc khi một trong hai người thực hiện vì nhu cầu thiết yếu của gia đình…
Quyền, nghĩa vụ với con cái
– Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con, chăm lo việc học tập, giáo dục con.
– Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
– Không được phân biệt đối xử giữa các con, không được bắt con phải làm việc nặng quá sức, không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái đạo đức, trái pháp luật…
Nói tóm lại, ly thân không phải là ly hôn, không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng hợp pháp, không được pháp luật thừa nhận. Do đó, dù ly thân, hai vợ chồng vẫn phải thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình với đối phương, với con cái.
3. Ly thân có được yêu cầu cấp dưỡng nuôi con?
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột với cháu ruột; giữa vợ và chồng.
Riêng nghĩa vụ cấp dưỡng giữa cha, mẹ và con được nêu tại Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.”
Như vậy, việc yêu cầu cấp dưỡng chỉ xảy ra giữa cha, mẹ và con trong trường hợp:
– Cha mẹ không sống chung với con;
– Sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Đồng thời, cha mẹ chỉ phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi sống bản thân.
Do đó, khi không sống chung với con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì cha, mẹ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Mặt khác, căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:
“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.”
Theo đó, pháp luật quy định rõ, sau khi ly hôn cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con
Như vậy, có thể thấy, chỉ cần cha, mẹ không sống chung với con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình thì đều phải cấp dưỡng nên dù ly hôn hay ly thân thì chỉ cần không sống cùng con đều phải thực hiện cấp dưỡng trong các trường hợp trên.
Khi đó, việc cấp dưỡng có thể thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần với mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
4. Ly thân và ly hôn có điểm gì giống và khác nhau ?
Ly thân và ly hôn có nhiều điểm tương đồng, về biểu hiện của việc không còn chung sống với nhau, không có đời sống kinh tế chung, không có đời sống tinh thần chung, con cái cũng chia nhau nuôi… Nhưng bên cạnh đó vẫn có những điểm khác biệt, phân biệt với ly hôn, cụ thể như sau:
· Điểm giống nhau:
Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.
Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống không còn tôn trọng nhau và không muốn sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.
· Điểm khác nhau:
Về mặt nhân thân: Ly thân không được pháp luật quy định, không được tòa án chấp thuận khi giải quyết đơn ky thân Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…
Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.
Như vậy, khi vợ chồng không còn muốn tiếp tục chung sống với nhau thì không cần phải viết đơn xin ly thân cũng như thực hiện thủ tục xin ly thân như khi yêu cầu giải quyết ly hôn và quan hệ hôn nhân giữa họ cũng không chấm dứt như khi giải quyết ly hôn.
5. Chia tài sản trong thời kì ly thân
Dưới góc độ pháp lý việc ly thân không làm chấm dứt mối quan hệ vợ chồng nhưng nếu trong thời kì ly thân mà muốn chia tài sản thì pháp luật sẽ chia theo tài sản chung như khi ly hôn Điều 38 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
- Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
- Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”
“Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
- Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp:
– Việc chia tài sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
– Việc chia tài nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây: Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
– Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
– Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ
Như vậy, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc chia tài sản nếu không thuộc các trường hợp không được phép chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân theo quy định của pháp luật.
Nội dung của văn bản thỏa thuận bao gồm các thông tin cơ bản như: tên, tuổi, nơi ở của 2 vợ chồng, tài sản được chia, thỏa thuận chia, quyền và nghĩa vụ của các bên, thời điểm việc chia tài sản có hiệu lực, các thỏa thuận khác và phải có chữ ký của hai vợ chồng.
Việc chia tài sản phải lập thành văn bản phải được công chứng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hai vợ chồng không thỏa thuận được về việc chia tài sản chung, thì bên nguyên đơn có thể làm đơn yêu cầu phân chia tài sản chung gửi đến tòa án cấp quận, huyện nơi bị đơn đang cư trú để giải quyết việc phân chia tài sản theo đúng quy định pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hôn nhân và gia đình hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120