Ly hôn và chia tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Ly hôn và chia tài sản theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như thế nào? Thẩm quyền giải quyết lý hôn?

Năm 2000, ông Tình và bà Soa kết hôn. Sau một thời gian chung sống, ông Tình tới tỉnh A và chung sống như vợ chồng với chị Thư. Trong khoảng thời gian này, ông Tình tạo lập được với chị Thư 01 mảnh đất trị giá 900 triệu đồng.

Năm 2017, bà Soa vay 100 triệu đồng của người quen biết cùng với số tiền kinh doanh (trong thời gian ông Tình bỏ đi) mua được căn nhà tại thành phố H trị giá 600 triệu đồng. Đầu năm 2018, bà Soa vay thêm 300 triệu để sản xuất, kinh doanh.

 Đến tháng 11/2018, ông Tình trở về và yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn và chia tài sản là căn nhà tại thành phố H. Ông Tình cho rằng mình không có trách nhiệm gì với bất cứ khoản nợ nào của bà Soa do bà Soa tự xác lập mà không có sự thỏa thuận hay đồng ý của ông Tình.

Luật sư cho tôi hỏi, trong trường hợp này cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết các yêu cầu của ông Tình như thế nào?.

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

ly hôn chia tài sản

  1. Căn cứ pháp lý:

  • Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014;
  • Khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
  • Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014;
  • Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
  1. Định nghĩa về Ly hôn:

Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

  1. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:

“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn

  1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
  2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
  3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.”

Theo đó, pháp luật quy định người có quyền yêu cầu ly hôn là vợ, chồng hoặc cả hai người. Thậm chí trong một số trường hợp sau đây, cha, mẹ, người thân thích khác cũng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn:

Một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình và là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

Tuy vậy, nếu vợ đang có thai, sinh con hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không được yêu cầu ly hôn.

Trong trường hợp này, bà Soa hiện không có thai, không sinh con và không nuôi con dưới 12 tháng tuổi nên ông Tình có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

  1. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

Căn cứ theo quy định tại Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn:

“Điều 53. Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

  1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
  2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Theo đó, pháp luật quy định Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật.

  1. Hòa giải tại Tòa án

Căn cứ theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về Hòa giải tại Tòa án:

“Điều 54. Hòa giải tại Tòa án
Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”

Theo đó, Tòa án có thẩm quyền thụ lý vụ việc và giải quyết theo quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự.

ly hôn

  1. Liên hệ tình huống:

Các tài sản chung của ông Tình và bà Soa được tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định:

  • Căn nhà tại thành phố H trị giá 600 triệu đồng;
  • Mảnh đất trị giá 900 triệu đồng ông Tình tạo lập được với chị Thư sẽ được chia đôi, ông Tình hưởng một phần trị giá 450 triệu. Do trong thời kỳ hôn nhân với bà Soa nên phần tài sản của ông Tình sẽ được tính vào tài sản chung của bà Soa và ông Tình.
  • Nghĩa vụ về tài sản là số tiền 300 triệu đồng.

Trường hợp trên nếu ông Tình và bà Soa thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung thì tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên.

Trong trường hợp ông Tình và bà Soa không thỏa thuận được với nhau hoặc việc thỏa thuận không đầy đủ hoặc không rõ ràng về việc chia tài sản chung thì việc chia tài sản tuân thủ giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn theo quy định tại các điều từ Điều 59 đến Điều 64 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và các quy định về chia tài sản Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn:

“Điều 59. Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn

  1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
    Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.
  2. Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

3. Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

5. Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

6. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

7. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn Điều này.”

Theo đó, vì sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố được liệt kê tại Khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bao gồm: Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung, Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng,…

Có thể thấy đối với tài sản chung là căn nhà trị giá 600 triệu của bà Soa thì công sức đóng góp của bà Soa là nhiều hơn, tương tự với phần tài sản ông Tình tạo lập được với chị Thư thì công sức của ông Tình nhiều hơn.

Về nghĩa vụ về tài sản, số tiền 100 triệu đồng bà Soa vay để mua căn nhà trên là nghĩa vụ chung của cả ông Tình và bà Soa do số tiền này góp phần tạo lập nên tài sản chung. Do đó, ông Tình có trách nhiệm cùng bà Soa liên đới chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ về tài sản này. Việc ông Tình cho rằng mình không có trách nhiệm gì với bất cứ khoản nợ nào là không chính xác.

Còn số tiền 200 triệu đồng mà bà Soa vay để kinh doanh riêng không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng.

  1. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng được pháp luật quy định cụ thể tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng
Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Vì vậy, bà Soa phải tự chịu trách nhiệm với phần nghĩa vụ tài sản này.

  1. Các hình thức ly hôn:

Về các hình thức ly hôn, hiện Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định có 02 cách để yêu cầu ly hôn:

Về thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn nếu hai vợ chồng cùng yêu cầu; thật sự tự nguyện; thỏa thuận được về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái… bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con;

Ly hôn đơn phương (hay còn gọi là ly hôn theo yêu cầu của một bên) được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau: Là một bên vợ hoặc chồng yêu cầy ly hôn, không hòa giải được. Tòa án chấp nhận giải quyết ly hôn trong trường hợp này nếu có các căn cứ sau:

– Vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình;

– Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn;

– Có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia;

– Vợ chồng vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được. Để hướng dẫn cụ thể căn cứ này, điểm a Mục 8 Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP nêu rõ:

Quan hệ hôn nhân trầm trọng: Đã được nhắc nhở, hòa giải nhiều lần nhưng vẫn vi phạm:

– Vợ, chồng không thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau: Mỗi người chỉ biết bổn phận của người đó, bỏ mặc người còn lại…

– Vợ hoặc chồng luôn ngược đãi, hành hạ nhau: Thường xuyên đánh đập, hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín của nhau,…

– Vợ chồng không chung thuỷ với nhau: Ngoại tình, đã được người vợ hoặc người chồng hoặc bà con thân thích của họ hoặc cơ quan, tổ chức, nhắc nhở, khuyên bảo nhưng vẫn tiếp tục có quan hệ ngoại tình…

Đời sống chung của vợ chồng không thể kéo dài: Sau khi được nhắc nhở, khuyên bảo nhiều lần nhưng không cải thiện tình trạng hôn nhân thì đây có thể là căn cứ cho rằng đời sống vợ chồng không thể kéo dài.

Mục đích của hôn nhân không đạt được: Hôn nhân là quan hệ giữa vợ, chồng sau khi kết hôn. Theo đó, khi kết hôn, hai vợ chồng phải:

– Bình đẳng về quyền, nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt trong gia đình;

– Có tình nghĩa vợ chồng như: Yêu thương nhau, chung thủy, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của nhau; tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau…

Có thể thấy, nếu cuộc hôn nhân của hai vợ chồng lâm vào tình trạng như đã phân tích ở trên thì Tòa án sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để quyết định giải quyết yêu cầu ly hôn.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hôn nhân và gia đình hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120