Tôi đi du học và quen một anh người Hàn, chúng tôi tiến đến hôn nhân sau khi tôi sang được 4 năm. Nhưng sau một thời gian chung sống, tôi thấy không còn như ban đầu và hai người thường xuyên cãi vã. Cuối cùng chúng tôi quyết định ly hôn, tôi quay về ở Hà Tĩnh.
Tôi có một thắc mắc muốn được giải đáp, nếu tôi kết hôn với một người khác ở Việt Nam thì có cân phải ghi chú đã ly hôn với người nước ngoài hay không? Mong sớm nhận được phản hồi từ các luật sư!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chúng tôi, thắc mắc của bạn sẽ được giải đáp dưới đây, bên cạnh đó chúng tôi sẽ cung cấp thêm một số thông tin để bạn tham khảo!
Khi ly hôn tại nước ngoài và về Việt Nam kết hôn cùng người mới thì có cần ghi chú ly hôn vào Sổ hổ tịch việc ly hôn không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định cụ thể là:
Điều 37. Ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy việc kết hôn
…
2. Công dân Việt Nam đã ly hôn, hủy việc kết hôn ở nước ngoài, sau đó về nước thường trú hoặc làm thủ tục đăng ký kết hôn mới tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thì phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài (sau đây gọi là ghi chú ly hôn). Trường hợp đã nhiều lần ly hôn hoặc hủy việc kết hôn thì chỉ làm thủ tục ghi chú ly hôn gần nhất.
Như vậy, đối với câu hỏi của bạn, khi bạn ly hôn chồng bên nước ngoài (Hàn Quốc) và về Việt Nam (Hà Tĩnh) sinh sống, kết hôn cùng người mới tại Việt Nam thì bạn phải ghi vào Sổ hộ tịch việc ly hôn, hủy kết hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền ghi chú ly hôn
Căn cứ theo Điều 38 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về thẩm quyền ghi chú ly hôn cụ thể như sau:
Thẩm quyền ghi chú ly hôn được xác định theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
2. Công dân Việt Nam từ nước ngoài về thường trú tại Việt Nam có yêu cầu ghi chú ly hôn mà việc kết hôn trước đây được đăng ký tại cơ quan đại diện hoặc tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì việc ghi chú ly hôn do Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi công dân Việt Nam thường trú thực hiện.
Vậy thẩm quyền ghi chú ly hôn sẽ thuộc về Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi bạn thường trú thực hiện.
Hồ sơ ghi chú ly hôn
Tại khoản 1 Điều 39 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định về hồ sơ ghi chú ly hôn cụ thể như sau:
Điều 39. Thủ tục ghi chú ly hôn
1. Hồ sơ ghi chú ly hôn gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Bản sao giấy tờ ly hôn đã có hiệu lực pháp luật.
Thủ tục ghi chú ly hôn
Căn cứ theo khoản 2 Điều 39 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định cụ thể về thủ tục ly hôn cụ thể như sau:
Điều 39. Thủ tục ghi chú ly hôn
…
2. Thủ tục ghi chú ly hôn được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 50 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều này, công chức làm công tác hộ tịch của Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu việc ghi chú ly hôn không vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc không thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp ghi vào sổ và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người yêu cầu.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
b) Nếu yêu cầu ghi chú ly hôn vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều 37 hoặc thuộc trường hợp được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 của Nghị định này thì Trưởng phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để từ chối.
c) Nếu việc kết hôn trước đây được đăng ký tại Ủy ban nhân dân Cấp xã hoặc Sở Tư pháp thì sau khi ghi chú ly hôn, Phòng Tư pháp gửi thông báo kèm theo bản sao trích lục hộ tịch cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Sở Tư pháp để ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch; nếu được đăng ký tại cơ quan đại diện thì gửi Bộ Ngoại giao để thông báo cho cơ quan đại diện ghi chú tiếp vào Sổ hộ tịch.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Ghi chú ly hôn vào Sổ hộ tịch
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!