Công ty Luật TNHH PT chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý
Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Livestream bán hàng có phải nộp thuế hay không?
Hình thức livestream là một trong những hình thức quảng cáo sản phẩm và bán hàng. Những tính năng nổi bật của hình thức này như tiếng động, hình ảnh, hoạt động giao tiếp trực tiếp giữa người bán và người mua qua mạng internet nhằm mục đích quảng cáo, tăng hiệu ứng từ người xem, người mua hàng. Trong thời gian gần đây các hình thức livestream được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng khá phổ biến và rộng rãi để hỗ trợ cho việc kinh doanh.
Theo Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC (sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 119/2014/TT-BTC) có quy định về người nộp thuế như sau:
Người nộp thuế là cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 2 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Nghị định số 65/2013/NĐ-CP), có thu nhập chịu thuế theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP.
Phạm vi xác định thu nhập chịu thuế của người nộp thuế như sau:
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
Bên cạnh đó, tại Điều 2 Thông tư 40/2021/TT-BTC có quy định Đối tượng áp dụng như sau:
1. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật, bao gồm cả một số trường hợp sau:
đ) Hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử.
Hoạt động livestream bán hàng được xem là hoạt động thương mại điện tử, cá nhân livestream bán hàng là cá nhân cư trú hoặc không cư trú theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 tạo ra thu nhập từ sản phẩm, tạo ra nội dung thông tin số theo quy định pháp luật về thương mại điện tử là đối tượng nộp thuế.
Như vậy, đối với tổ chức (trong các phiên livestream được gọi là nhãn hàng) có doanh thu từ hoạt động livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Còn các cá nhân (hay được hiểu là cá nhân kinh doanh) livestream bán hàng có phát sinh doanh thu, phát sinh thu nhập (kể cả thu nhập được chi trả từ nước ngoài) thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Livestream bán hàng đạt doanh thu bao nhiêu thì phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân?
Hiện nay, thu nhập của KOL, KOC trong mỗi phiên livestream bán hàng là % hoa hồng bán được từ các sản phẩm gắn dưới dạng link affiliate. Ngoài ra, một vài KOL, KOC có thể chọn không gắn affiliate để tính % hoa hồng mà thay vào đó là nhận luôn một khoản chi phí livestream thỏa thuận với nhãn hàng, tương tự như hợp đồng booking quảng cáo. Nhãn hàng trả tiền và người KOL, KOC có nhiệm vụ livestream.
Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc thu nhập chịu thuế như sau:
Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.
Theo đó, KOL và KOC có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hoạt động livestream bán hàng thuộc đối tượng phải nộp thuế TNCN.
Bên cạnh đó, căn cứ tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định nguyên tắc tính thuế như sau:
Điều 4. Nguyên tắc tính thuế
2. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Như vậy, KOL và KOC livestream bán hàng đạt doanh thu từ trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Phương pháp tính thuế TNCN đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh quy định như thế nào?
Tại Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định.
Điều 6. Phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
1. Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại Thông tư này…
2. Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm:
a) Cá nhân kinh doanh lưu động;
b) Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;
c) Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;
d) Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
Theo đó, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.
Người livestream bán hàng không nộp hồ sơ khai thuế bị phạt bao nhiêu tiền?
Theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
Điều 13. Xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
4. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp;
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này trong trường hợp người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế dẫn đến chậm nộp tiền thuế;
b) Buộc nộp hồ sơ khai thuế, phụ lục kèm theo hồ sơ khai thuế đối với hành vi quy định tại điểm c, d khoản 4 Điều này.
Theo Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP cũng quy định xử phạt hành vi trốn thuế như sau:
Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế
1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định này;
2. Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
3. Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.
4. Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có hai tình tiết tăng nặng.
5. Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Trường hợp hành vi trốn thuế theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 ,4, 5 Điều này đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước theo thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.
b) Buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có) đối với hành vi quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5 Điều này.
Như vậy, người livestream bán hàng không nộp hồ sơ khai thuế nhưng không phát sinh số thuế phải nộp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền chậm nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước và buộc nộp hồ sơ khai thuế.
Trường hợp người livestream bán hàng không nộp hồ sơ khai thuế có phát sinh số thuế phải nộp thì mức xử phạt hành chính được xác định như sau:
Nếu người livestream bán hàng không nộp hồ sơ khai thuế mà có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên thì bị phạt tiền 1 lần số thuế trốn.
Nếu không nộp hồ sơ khai thuế mà có một tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền 2 lần số thuế trốn.
Nếu không nộp hồ sơ khai thuế mà có hai tình tiết tăng nặng thì bị phạt tiền 2,5 lần số thuế trốn.
Nếu không nộp hồ sơ khai thuế mà có ba tình tiết tăng nặng trở lên thì bị phạt tiền 3 lần số thuế trốn.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Livestream bán hàng đạt doanh thu bao nhiêu thì phải nộp thuế? Người livestream bán hàng không nộp hồ sơ khai thuế bị phạt bao nhiêu tiền?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!