Danh mục: Pháp luật hình sự

  • Hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào theo pháp luật hiện hành 2022

    Hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào theo pháp luật hiện hành 2022

    Mạng xã hội với tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng đã trở thành một kênh hữu hiệu để chia sẻ thông tin. Nhưng chính đặc tính này của mạng xã hội đã bị một bộ phận người dùng “lợi dụng” để lan truyền những thông tin không chính xác, vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác. Mạng là ảo nhưng hậu quả là thật. Vậy hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội có thể bị xử lý như thế nào?

    1. Quy định về thông tin có nội dung làm nhục, vu khống trên mạng xã hội

    Việc làm nhục người khác trên mạng xã hội được thể hiện qua nhiều hình thức. Chúng có thể là những lời bình luận mang tính chất sỉ nhục, lăng mạ, chửi rủa hoặc những thông tin sai lệch, mang tính chất bêu xấu… được đăng tải trên mạng xã hội. Những hành vi này được thực hiện nhằm mục đích hạ thấp danh dự, nhân phẩm của người bị xúc phạm và khiến họ cảm thấy nhục nhã.

    Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 quy định thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm:

    • Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;
    • Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

    2. Quy định về quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm

    Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.

    Việc thực hiện hành vi bôi nhọ người khác trên mạng xã hội tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

    3. Hình thức xử lý đối với hành vi làm nhục, vu khống người khác trên mạng xã hội

    Xử phạt vi phạm hành chính

    Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử quy định:

    Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Người có hành vi bôi nhọ danh dự người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác, tội vu khống nếu thỏa mãn tất các yếu tố cấu thành của tội danh đó. Tội làm nhục người khác và Tội vu khống được lần lượt quy định tại Điều 155, 156 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

    Điều 155. Tội làm nhục người khác

    1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

    a) Phạm tội 02 lần trở lên;

    b) Đối với 02 người trở lên;

    c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    d) Đối với người đang thi hành công vụ;

    đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

    e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

    g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

    a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    b) Làm nạn nhân tự sát.

    4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Điều 156. Tội vu khống

    1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

    a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

    b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Đối với 02 người trở lên;

    d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

    đ) Đối với người đang thi hành công vụ;

    e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

    g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    a) Vì động cơ đê hèn;

    b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

    c) Làm nạn nhân tự sát.

    4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

    Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

    Ngoài bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi bôi nhọ người khác trên mạng xã hội nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho nạn nhân theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015:

    Những người sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

    Việc sử dụng mạng xã hội gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của nạn nhân phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân theo quy định tại Khoản 1 Điều 592 Bộ luật dân sự 2015:

    1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:

    a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;

    b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;

    c) Thiệt hại khác do luật quy định.

    2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

    Người thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác còn có thể bị yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần cho nạn nhân.

    Trên đây là nội dung phân tích của chúng tôi về chủ đề “Hành vi bôi nhọ danh dự người khác trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?”.

    Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

    CÔNG TY LUẬT PT

    Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

    Xin trân trọng cảm ơn!

  • Tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

    Tội trộm cắp tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

    1. Tội trộm cắp tài sản theo quy định của pháp luật

    Điều 173. Tội trộm cắp tài sản

    1.Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

    b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

    c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

    đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;

    đ) Hành hung để tẩu thoát;

    e) Tài sản là bảo vật quốc gia;

    g) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

    5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

    2. Dấu hiệu pháp lý của tội Trộm cắp tài sản

    Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người quản lý, tội Trộm cắp tài sản có những dấu hiệu pháp lý cơ bản sau:

    Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản a dấu hiệu hành vi chiếm đoạt cùng với hai dấu hệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt và tính chất của đối tượng chiếm đoạt: Dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có người quản lý.

    • Dấu hiệu chiếm đoạt được hiểu là hành vi chiếm đoạt được tài sản như vậy tội trộm cắp tài sản chỉ được coi hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Điều này thể hiện ở đặc điểm vị trí tài sản bị chiếm đoạt: Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người; Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi là chiếm đoạt được khi đã mang rả khỏi khu vực bảo vệ, bảo quản; Nếu vật chiếm đoạt là tài sản ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản, bảo vệ riêng thì được coi là chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản đó khỏi vị trí ban đầu.
    • Lén lút là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản, dấu hiệu này vừa chỉ đặc điểm khách quan của hành vi chiếm đoạt vừa chỉ ý thức chủ quan của người phạm tội. Hành vi chiếm đoạt tài sản được coi là lén lút nếu được thực hiện bằng hình thức mà hình thức đó có khả năng không cho phép chủ tài sản biết có hành vi chiếm đoạt khi hành vi này xảy ra. Ý thức của người phạm tội là lén lút, việc che giấu này chỉ đòi hỏi che giấu với chủ tài sản.
    • Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có người quản lý. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có người người quản lý. Hành vi lấy tài sản của mình hoặc đang do mình quản lý hoặc tìa sản không có hoặc chưa có người quản lý đều không phải trộm cắp tài sản.
  • Tội cướp tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

    Tội cướp tài sản theo quy định của Bộ luật hình sự 2015

    Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

    1. Tội cướp tài sản theo quy định pháp luật

    Điều 168. Tội cướp tài sản

    1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Có tính chất chuyên nghiệp;

    c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

    d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

    đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

    e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

    g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

    h) Tái phạm nguy hiểm.

    3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

    4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

    a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

    c) Làm chết người;

    d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

    5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

    6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản

     Như vậy tội cướp tài sản được hiểu là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lầm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi cướp tài sản đồng thời xâm hại hai quan hệ được luật hình sự bảo vệ đó là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Người phạm tội cướp tài sản trước hết xâm phạm đến thân thể, tự do của con người qua đó xâm phạm được sở hữu.

    2.Dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản

    • Dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm: Tôi cướp tài sản có ba dạng hành vi khách quan: Hành vi dùng vũ lực: đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự.
    • Hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh (có hoặc không có công cụ, phương tiện phạm tội) tác động vào người khác nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người này chống lại việc chiếm đoạt. Người bị tấn công ở đây có thể là chủ tài sản, người được chủ tài sản giao quản lý trực tiếp tài sản nhưng cũng có thể là bất kỳ người nào khác mà người phạm tội cho rằng người này đã hoặc có khả năng sẽ ngăn cản việc chiếm đoạt tài sản của mình.
    • Dạng hành vi thứ hai của tội cướp tài sản là hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là trường hợp người phạm tội bằng lời nói hoặc bằng cử chỉ hoặc cả hai dọa sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu chống lại việc chiếm đoạt. Ngay tức khắc ở đây có nghĩa là nhanh chóng về mặt thời gian, ở đây có ý nghĩa để phân biệt hành vi đe dọa dùng vũ lực ở tội cướp tài sản với hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực ở tội cưỡng đoạt tài sản.
    • Dạng hành vi khách quan thứ ba là  hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được được như hành vi dùng thuốc mê, hành vi đầu độc…
    • Dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm:
    • Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, cả ba dạng hành vi khách quan của tội phạm đều thể hiện lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp. Khi thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội biết mình có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, người phạm tội mong muốn hành vi được thực hiện nhằm đè bẹp hoặc làm tê liệt sự chống cự của người bị tấn công.
    • Mục đích phạm tội là mục đích chiếm đoạt tài sản. Khi thực hiện các hành vi ở mặt khách quan người phạm tội có mục đích chiếm đoạt tài sản
    • Khách thể:
    • Hành vi nêu trên xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước của tô chức và công dân.
    • Ngoài ra còn xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của chủ tài sản, ngưòi quản lý tài sản hoặc người (bất cứ người nào) cản trở việc thực hiện tội phạm của kẻ phạm tội.
    • Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự