Không đăng ký kết hôn, tranh chấp chia tài sản thế nào

 

Không đăng ký kết hôn được hiểu là nam, nữ đủ điều kiện đăng ký kết hôn nhưng không thực hiện việc đăng ký mà chỉ chung sống với nhau như vợ chồng. Vậy không đăng ký kết hôn, tranh chấp chia tài sản thế nào?

Công ty Luật TNHH PT Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý

Không đăng ký kết hôn, tranh chấp chia tài sản thế nào

Không đăng ký kết hôn, tranh chấp chia tài sản thế nào?

Việc đăng ký kết hôn được Nhà nước ta quy định từ Luật Hôn nhân gia đình năm 1959, Điều 11 của Luật này quy định Việc kết hôn phải được Uỷ ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc của bên người con gái công nhận và ghi vào sổ kết hôn. Luật Hôn nhân gia đình năm 1986 cũng quy định tại Điều 8 đó là việc kết hôn do Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của một trong hai người kết hôn thực hiện công nhận và ghi vào sổ kết hôn theo nghi thức do Nhà nước quy định….

Mọi nghi thức kết hôn khác sẽ đều không có giá trị pháp lý. Từ ngày Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 có hiệu lực (bắt đầu từ ngày 01/01/2001) và theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành (năm 2014), thì việc đăng ký kết hôn tại Cơ quan có thẩm quyền là phải bắt buộc. Nếu nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn thì hôn nhân không được pháp luật thừa nhận, việc kết hôn không có giá trị pháp lý.

 

Đăng ký kết hôn là một nghi thức bắt buộc, chỉ khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký về việc kết hôn cho họ thì giữa họ mới phát sinh quan hệ vợ chồng. Loại tranh chấp này là việc do một bên có yêu cầu Tòa án giải quyết đồng thời cả 3 mối quan hệ phát sinh từ quan hệ hôn nhân hợp pháp, đó chính là quan hệ về hôn nhân, quan hệ về nuôi con chung và quan hệ về chia tài sản. Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

 

Điều 14 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 chung sống với nhau như vợ chồng mà không tiến hành đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh những quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, đối với tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Cụ thể:

– Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được sẽ giải quyết theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.

– Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; nếu trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo các quy định của Bộ luật dân sự và những quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm được các quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác mà có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy, khi nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn (Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn) thì không được công nhận về quan hệ hôn nhân nhưng nếu có tranh chấp về chia tài sản chung, nuôi con chung thì sẽ thuộc trường hợp vụ án Hôn nhân và gia đình chứ không phải vụ án dân sự thông thường. Khi đó, tài sản sẽ giải quyết như sau:

– Thỏa thuận giữa các bên.

– Trong trường hợp không có thỏa thuận (có tranh chấp) thì chia tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Chia tài sản khi không đăng ký kết hôn theo quy định của Bộ luật dân sự

Như đã phân tích ở mục trên, nếu các bên (chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn) không thỏa thuận được việc phân chia tài sản (tức có tranh chấp về tài sản) thì sẽ chia tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Theo đó, tài sản được chia theo quy định của Bộ luật dân sự được quy định tại Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

 

 

 

– Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung  đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu như tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn hoặc theo quy định của luật thì cả hai bên hoặc một trong hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi đã hết thời hạn đó.

– Khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì có yêu cầu chia tài sản có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

– Trường hợp một trong hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn yêu cầu đối phương thực hiện nghĩa vụ thanh toán và người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu sẽ có quyền yêu cầu chia tài sản chung và tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ các trường hợp pháp luật có quy định khác.

– Nếu không thể chia phần quyền sở hữu bằng hiện vật hoặc việc chia này bị đối phương phản đối thì người có quyền có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ phải bán phần quyền sở hữu của mình để thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản khi không đăng ký kết hôn

Điều 28 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm có:

– Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi đã ly hôn.

– Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng ở trong thời kỳ hôn nhân.

– Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi đã ly hôn.

– Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc là xác định con cho cha, mẹ.

– Tranh chấp về cấp dưỡng.

– Tranh chấp về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.

– Tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật.

– Các tranh chấp khác về hôn nhân và gia đình, trừ các trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản khi không đăng ký kết hôn chính là Tòa án nhân dân.

Thêm nữa, Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Điều này quy định tranh chấp về nuôi con, chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn hoặc khi hủy kết hôn trái pháp luật là một trong những tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện.

Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được quy định tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp chia tài sản của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không thực hiện đăng ký kết hôn được giải quyết tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (trừ trường hợp hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng không thực hiện đăng ký kết hôn thỏa thuận nơi giải quyết là nơi nguyên đơn cư trú, làm việc).

Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp chia tài sản khi không đăng ký kết hôn theo thủ tục sơ thẩm chính là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (trừ trường hợp hai bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng thỏa thuận nơi giải quyết là nơi nguyên đơn cư trú, làm việc).

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Không đăng ký kết hôn, tranh chấp chia tài sản thế nào

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120