Chế độ hôn nhân một vợ một chồng là chế độ được nhà nước tôn trọng và quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay cho thấy nhiều cuộc hôn nhân chỉ diễn ra tốt đẹp trong thời gian đầu nhưng sau đó hôn nhân lại rơi vào tình trạng rạn nứt không thể hàn gắn. Vì lý do đó mà nhiều người đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng để thoả mãn nhu cầu cá nhân.
Một trong số những hành vi vi phạm chế độ này là hành vi ngoại tình của vợ hoặc chồng hoặc cả hai người. Theo đó, mọi hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng đều được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trong trường hợp chồng có hành vi ngoại tình thì khởi kiện ở đâu? Thủ tục tố cáo ngoại tình được thực hiện như thế nào?
Công ty Luật TNHH PT xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình 2014
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;
- Luật Tố cáo năm 2018;
- Nghị định 110/2013/NĐ-CP
- Nghị định 82/2020/NĐ-CP
Ngoại tình có phải là hành vi vi phạm pháp luật không?
– Ngoại tình được hiểu là mối quan hệ tình cảm ngoài hôn nhân. Cụ thể là khi một người đã có vợ hoặc có chồng theo quy định của pháp luật nhưng lại có quan hệ tình cảm ngoài luồng hôn nhân với một người khác ở bên ngoài thì được gọi là ngoại tình.
Ngoại tình có thể được thực hiện qua các tin nhắn thân mật, hẹn hò và thậm chí là chung sống với nhau như vợ chồng.
– Căn cứ theo quy định tại Điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, hôn nhân một vợ, một chồng bình đẳng được công nhận là một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình.
Bên cạnh đó, pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành cũng quy định cấm hành vi chung sống như vợ chồng đối với trường hợp: Người đang có vợ hoặc có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người đang có vợ, có chồng.
Theo những quy định trên thì hành vi ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật bởi ngoại tình đã xâm phạm đến quan hệ hôn nhân hợp pháp được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.
Khởi kiện chồng ngoại tình ở đâu?
Việc tố cáo chồng ngoại tình khi phát hiện hành vi ngoại tình của chồng và có đầy đủ căn cứ để chứng minh hành vi ngoại tình của chồng được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền như Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn hoặc nộp trực tiếp lên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn hoặc Cơ quan Công an có thẩm quyền…
Việc tố cáo chồng ngoại tình phải được thực hiện bằng đơn tố cáo và kèm theo tài liệu chứng cứ chứng minh đối với hành vi đó để đảm bảo tính xác thực.
Thủ tục tố cáo ngoại tình được thực hiện như thế nào?
Thủ tục tố cáo ngoại tình cũng được thực hiện như những thủ tục tố cáo khác. Theo đó, để tố cáo chồng ngoại tình, người tố cáo phải thực hiện theo quy trình, thủ tục sau:
Bước 1: Người tố cáo ngoại tình có thể tố cáo trực tiếp hoặc gửi đơn tố cáo đến cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
– Trong trường hợp người tố cáo trực tiếp tố cáo lên cá nhân hoặc cơ quan có thẩm quyền thì cán bộ nhận thông tin có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc cán bộ tiếp nhận trực tiếp ghi nhận việc tố cáo của người tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ để xác nhận nội dung văn bản;
– Trong trường hợp người tố cáo gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền thì cần lưu ý một số nội dung trong đơn tố cáo như sau: thời gian tố cáo; thông tin của người tố cáo; nội dung tố cáo; chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo;
– Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn được quy định ở một số cơ quan như: Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường hoặc Cơ quan Công an có thẩm quyền giải quyết…
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn tố cáo hoặc thông tin tố cáo có trách nhiệm kiểm tra, xem xét và giải quyết theo quy định của Luật Tố cáo.
Theo đó, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn phải xác minh nội dung tố cáo và có kết luận rõ ràng về nội dung tố cáo và xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố tố cáo.
Theo đó, sau khi nhận đơn tố cáo, cá nhân hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kết quả tố cáo trong thời gian quy định là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn tố cáo. Tuy nhiên trong một số trường hợp đặc biệt có thể gia hạn thêm thời gian giải quyết tố cáo:
– Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xét thấy vụ việc có tính chất phức tạp thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày so với quy định;
– Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xét thấy vụ việc có tính chất đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày so với quy định;
Theo đó, cá nhân hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải có quyết định bằng văn bản về việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Xử lý vi phạm đối với hành vi ngoại tình:
Ngoại tình là hành vi vi phạm pháp luật nên khi có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Tuỳ từng hành vi cụ thể, tuỳ tính chất mà mức độ mà quyết định hình thức xử phạt đối với người có hành vi ngoại tình. Theo đó, các hình thức xử phạt bao gồm: xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và một số hình thức khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi ngoại tình:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì người nào ngoại tình, tức vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định này, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người khác như vợ chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống với người mà mình biết rõ là đang có vợ, có chồng thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Theo đó có thể thấy hành vi ngoại tình của người chồng hoặc người vợ có thể phải chịu mức xử phạt cao nhất lên đến 5 triệu đồng. Mức xử phạt này đã được tăng lên so với quy định trước kia cụ thể là Nghị định 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với người có hành vi ngoại tình nêu trên chỉ từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Như vậy, việc tăng mức tiền xử phạt cho thấy thái độ khắt khe, nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi ngoại tình.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi ngoại tình:
Khi hành vi ngoại tình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân và xét thấy cần phải nghiêm khắc răn đe hơn nữa đối với hành vi ngoại tình thì người ngoại tình sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể như sau:
Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thì bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Những trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm:
– Làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên rơi vào tình trạng nghiêm trọng và dẫn đến ly hôn;
– Đã bị xử phạt vi phạm hành chính trước đây về hành vi ngoại tình nhưng vẫn tái phạm.
Như vậy, nếu có hành vi ngoại tình xét thấy thuộc các trường hợp nêu trên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù tối đa là 01 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Khởi kiện chồng ngoại tình ở đâu? Thủ tục tố cáo ngoại tình?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!