Việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thuộc trường hợp cấm kết hôn có thể bị xử phạt như thế nào? Ý nghĩa?

Công ty Luật TNHH PT Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Nghị định 82/2020/NĐ-CP

Những người có họ trong phạm vi ba đời?

Theo khoản 18 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ ha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Pháp luật cấm hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời?

Căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

Theo đó, những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời là một trong những hành vi bị cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình theo quy định cụ thể trên.

Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời

Việc nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo những điều kiện gì theo quy định pháp luật hiện hành?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, việc nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau:

– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

– Không bị mất năng lực hành vi dân sự và việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định, trong đó có hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thuộc trường hợp cấm kết hôn có thể bị xử phạt như thế nào?

Căn cứ vào điểm a khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

Theo đó, hành vi kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời có thể bị xử phạt với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời

Vì sao pháp luật lại cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời?

Trên mọi lĩnh vực, những quy định mà pháp luật cấm thực hiện thì đều dựa trên sự ảnh hưởng và hậu quả của hành vi đó gây ra. Việc kết hôn trong phạm vi 3 đời cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, và sẽ gây ra những hậu quả như con sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao, ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội, tăng áp lực và chi phí xã hội, cụ thể:

Con sinh ra có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh cao

Kết hôn trong phạm vi 3 đời là hôn nhân giữa những người có dòng máu trực hệ, cận huyết thống. Trẻ em sinh ra từ những người có dòng máu trực hệ, cận huyết thống sẽ rất dễ bị dị tật, các bệnh di truyền, tình trạng sức khỏe kém, thể chất và trí tuệ bị hạn chế. Thực tế y học đã chứng minh  hôn nhân cận huyết thống tạo cho những gen lặn bệnh lý ở chồng và vợ kết hợp với nhau sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh Thalas- semia…

Ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội

Đối với xã hội, hôn nhân cận huyết thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, gây suy giảm giống nòi.

Nếu pháp luật không có quy định cấm kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thì thế hệ trẻ tương lai có nguy cơ mắc các bệnh về dị tật cao hơn, chất lượng dân số đi xuống. Đặc biệt, ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa ít được tiếp cận đến các thông tin, nguồn nhân lực ở các vùng này sẽ ngày càng khan hiếm, đứng trước nguy cơ suy thoái giống nòi.

Tăng áp lực và chi phí xã hội

Với số lượng lớn những trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, Nhà nước phải tối đa nguồn bảo trợ xã hội đối với những trẻ em này nhằm bảo vệ quyền lợi cho họ, cũng như đảm bảo quyền lợi về an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn phải xây dựng những cơ sở riêng để chăm sóc, nuôi dưỡng những người là nạn nhân của việc kết hôn trực hệ cận huyết thống này.

Như vậy, có thể thấy hệ lụy mà việc kết hôn trong phạm vi ba đời đem đến là rất nặng nề, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình mà còn cả toàn xã hội. Do đó việc pháp luật cấm kết hôn trong phạm vi 3 đời là rất cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân nói riêng và xã hội nói chung.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Việc kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời thuộc trường hợp cấm kết hôn có thể bị xử phạt như thế nào?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120