Kết hôn giả tạo theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014

Kết hôn giả tạo theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Anh Nam và chị Oanh học trung học cơ sở cùng nhau, anh Nam theo bố mẹ sang định cư tại Mỹ. Khi về thăm quê, anh Nam có gặp lại chị Oanh, từ đó cả hai nối lại tình bạn.

Sau một thời gian trao đổi, liên hệ với nhau qua điện thoại, mạng xã hội, chị Oanh tỏ ý muốn sang định cư tại Mỹ và nhờ anh Nam giúp đỡ bằng cách đồng ý kết hôn với chị. Hai bên sẽ ly hôn sau khi chị Oanh được nhập quốc tịch Mỹ.

Trường hợp kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh và nhập quốc tịch nước ngoài này pháp luật có nghiêm cấm không? Pháp luật quy định như thế nào về hành vi này?

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

1. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Kết hôn giả tạo:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:

11. Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”

Theo đó, việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch nước ngoài để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình là kết hôn giả tạo.

Hành vi kết hôn giả tạo là hành vi bị Luật Hôn nhân và gia đình nghiêm cấm tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014.

“Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1.Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng vớingười đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

2.Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3.Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.”

Cụ thể Điểm a Khoản 2 Điều này quy định rằng việc Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo là hành vi bị pháp luật cấm nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Việc chị Oanh tỏ ý muốn sang định cư tại Mỹ và nhờ anh Nam giúp đỡ bằng cách đồng ý kết hôn với chị, hai bên sẽ ly hôn sau khi chị Oanh được nhập quốc tịch Mỹ là hành vi lợi dụng kết hôn, nhập quốc tịch nước ngoài để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Do vậy hành vi của chị Oanh và anh Nam được coi là kết hôn giả tạo và hành vi này bị pháp luật nghiêm cấm.

2. Quy định về việc xử phạt:

Căn cứ theo quy định tại Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/07/2020 của Chính phủ về Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng:

“Điều 59. Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng

1.Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ hoặc giữa những người có họ trong phạm vi ba đời;

b) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi;

c) Cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; cưỡng ép ly hôn hoặc lừa dối ly hôn;

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;

đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân.

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 2 Điều này.”

Trong đó, Điểm d Khoản 2 Điều này có quy định như sau:

“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

d) Lợi dụng việc kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình;”

Theo đó, hành vi kết hôn giả tạo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, người có hành vi lợi dụng việc kết hôn nhằm mục đích xuất cảnh, nhập cảnh; nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Như vậy, thỏa thuận giữa chị Oanh và anh Nam là hành vi vi phạm pháp luật, bị coi là kết hôn giả tạo và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hôn nhân và gia đình hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120