1. Căn cứ pháp lý
2. Khái niệm hợp đồng thuê tài sản
“Điều 472. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
3. Đặc điểm của hợp đồng thuê tài sản
- Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng song vụ: Từ thời điểm có hiệu lực, các bên trong hợp đồng thuê tài sản đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Bên thuê tài sản có nghĩa vụ trả lại tài sản thuê và tiền thuê như đã thoả thuận. Bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê giao tài sản để sử dụng. Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê sử dụng tài sản thuê đúng mục đích, công dụng, thời hạn, phương thức và trả lại tài sản thuê, tiền thuê.
- Hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng có đền bù: Mục đích của bên thuê là nhằm được sử dụng tài sản của người khác trong một thời hạn nhất định, ngược lại, bên cho thuê hướng tới việc thu được một khoản tiền khi cho người khác sử dụng tài sản của mình. Khoản tiền mà bên thuê tài sản phải trả cho bên có tài sản cho thuê là khoản đền bù. Khoản tiền thuê tài sản nhiều hay ít do sự thỏa thuận của các bên và thường dựa trên căn cứ thời hạn thuê, vật thuê và giá trị sử dụng của vật.
- Hợp đồng thuê tài sản có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế: Do pháp luật hiện hành không có quy định khác về thời điểm có hiệu lực của các hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản, đồng thời qua tính chất của hợp đồng thuê tài sản nên có thể nói rằng, tùy từng trường hợp mà hợp đồng thuê tài sản là hợp đồng ưng thuận hay hợp đồng thực tế.
Nếu các bên không có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực thì hợp đồng thuê tài sản là một hợp đồng ưng thuận bởi tại thời điểm giao kết, hợp đồng đã phát sinh hiệu lực dù tài sản thuê chưa được chuyển giao thực tế. Nếu các bên đã thỏa thuận hợp đồng chỉ có hiệu lực khi bên cho thuê đã chuyển giao tài sản thuê cho bên thuê thì hợp đồng đó là một hợp đồng thực tế.
4. Ý nghĩa của hợp đồng thuê tài sản
- Là căn cứ pháp lý phát sinh quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản của bên thuê. Thông qua HĐ thuê tài sản, chủ sở hữu tài sản cho thuê đã thực hiện quyền năng sử dụng tài sản của mình thông qua hành vi của người thuê
- Là căn cứ hợp pháp cho các bên khai thác triệt để tư liệu sản xuất, tư liệu tiêu dùng chưa khai thác hết tiềm năng, công suất, tránh lãng phí.
- Là phương tiện pháp lý nhằm khắc phục tình trạng nhà sản xuất kinh doanh không có đủ tư liệu sản xuất vẫn có thể tiến hành sản xuất, kinh doanh qua việc sử dụng tài sản thuê.
5. Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản
Khái niệm tài sản được hiểu theo nghĩa rộng, đó là vật chất (tài sản hữu hình, vô hình) dùng để thoả mãn nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng, sản xuất của cá nhân và các tổ chức. Do vậy, đối tượng của hợp đồng thuê tài sản là tư liệu sản xuất hoặc tư liệu tiêu dùng. Quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, công nghệ… cũng có thể là đối tượng của hợp đồng cho thuê.
Hợp đồng thuê tài sản thường được sử dụng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong hợp đồng thuê tài sản, bên cho thuê chuyển quyền sử dụng tài sản cho bên thuê trong một thời gian nhất định. Hết hạn của hợp đồng, bên thuê phải trả lại tài sản mà mình đã thuê. Vì vậy, đối tượng của hợp đồng thuê tài sản phải là vật đặc định, không tiêu hao.
Hợp đồng thuê nhà ở, thuê khoán tư liệu sản xuất cũng là một loại hợp đồng thuê tài sản nhưng đối tượng của nó là bất động sản, cho nên khi chuyển cho chủ thể khác, Nhà nước kiểm soát việc chuyển dịch đó. Việc cho thuê nhà ở, thuê khoán tư liệu sản xuất không những phải tuân theo các quy định về cho thuê tài sản mà còn phải tuân thủ các quy định riêng của từng loại hợp đồng đó.
6. Hình thức của hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản có thể được xác lập dưới hình thức văn bản, lời nói hoặc hành vi cụ thể. Phụ thuộc vào đối tượng của hợp đồng là động sản hay bất động sản mà hình thức của hợp đồng phải tuân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng, các bên nên lựa chọn hình thức văn bản để đảm bảo tối ưu quyền và lợi ích của mình, cũng như là chứng cứ quan trọng nếu xảy ra tranh chấp.
- Nếu đối tượng của hợp đồng là tài sản mà nhà nước không kiểm soát khi chuyển nhượng hoặc tài sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng thuê tài sản phải được lập thành văn bản nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Văn bản do các bên viết tay hoặc đánh máy và có chữ ký của hai bên. Văn bản còn có thể là hóa đơn cho thuê ( nếu thuê lại cửa hàng có đăng ký kinh doanh). Tùy thuộc vào mối quan hệ giữa bên cho thuê và bên thuê, vào thời gian dài hay ngắn mà các bên có thể thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản
- Nếu đối tượng của hợp đồng là bất động sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu và pháp luật có quy định hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký hoặc phải xin phép thì các bên trong HĐ thuê tài sản phải tuân theo quy định này.
- Việc thuê quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định của luật đất đai.
7. Giá thuê
Giá thuê do các bên thoả thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng thuê.
8. Thời hạn thuê
Thời hạn thuê do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì được xác định theo mục đích thuê.
Trường hợp các bên không thoả thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý.
9. Giao tài sản thuê
Bên cho thuê phải giao tài sản cho bên thuê đúng số lượng, chất lượng, chủng loại, tình trạng, thời điểm, địa điểm đã thoả thuận và cung cấp thông tin cần thiết về việc sử dụng tài sản đó.
Trường hợp bên cho thuê chậm giao tài sản thì bên thuê có thể gia hạn giao tài sản hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại; nếu tài sản thuê không đúng chất lượng như thoả thuận thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê sửa chữa, giảm giá thuê hoặc hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
“Điều 477. Nghĩa vụ bảo đảm giá trị sử dụng của tài sản thuê
1. Bên cho thuê phải bảo đảm tài sản thuê trong tình trạng như đã thoả thuận, phù hợp với mục đích thuê trong suốt thời gian cho thuê; phải sửa chữa những hư hỏng, khuyết tật của tài sản thuê, trừ hư hỏng nhỏ mà theo tập quán bên thuê phải tự sửa chữa.
2. Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:
a) Sửa chữa tài sản;
b) Giảm giá thuê;
c) Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.
3. Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.”
10. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng
Quyền của bên cho thuê
Bên cho thuê phải là chủ sở hữu của tài sản hoặc có quyền cho thuê.
Bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên thuê sử dụng tài sản không đúng mục đích, không đúng công dụng.
Bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê phải trả tiền thuê đúng thời hạn đã thỏa thuận và có thể yêu cầu ký cược thế chấp. Nếu các bên không thỏa thuận – được thời hạn trả tiền thì thời hạn đó được xác định theo mục đích thuê.
Bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng trong trường hợp các bên có thỏa thuận việc trả tiền thuê theo kỳ hạn mà bên thuê không trả tiền trong ba kỳ liên tiếp trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác
Hết hạn của hợp đồng, bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê phải trả lại đúng tài sản đã thuê trong tình trạng như khi nhận. Nếu các bên có thỏa thuận về tỉ lệ hao mòn thì tài sản phải trong tình trạng như đã thỏa thuận. Trường hợp bên thuê làm mất, hư hỏng tài sản thuê thì phải bồi thường thiệt hại.
Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê hoàn trả tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thỏa thuận.
Nghĩa vụ của bên cho thuê
Bên cho thuê có nghĩa vụ giao tài sản cho bên thuê đúng thời hạn, địa điểm.
Phải bảo đảm tài sản cho thuê trong tình trạng như đã thỏa thuận, phù hợp với mục đích cho thuê. Trường hợp tài sản thuê bị hư hỏng mà không phải do lỗi của bên thuê thì bên cho thuê phải sửa chữa, đổi tài sản khác hoặc phải bồi thường thiệt hại cho bên thuê. Trong trường hợp bên thuê đã thông báo việc hư hỏng của tài sản và yêu cầu bên cho thuê sửa chữa nhưng bên cho thuê không thực hiện yêu cầu đó, nếu bên thuê phải tự mình sửa chữa hư hỏng thì bên cho thuê phải chịu chi phí.
Bên cho thuê có nghĩa vụ bảo đảm quyền sử dụng tài sản ổn định cho bên thuê trong suốt thời gian thuê. Khi có tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản thuê mà bên thuê không được sử dụng tài sản ổn định thì bên thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, do lỗi của bên cho thuê nên bên thuê không sử dụng tài sản hết thời hạn của hợp đồng và có thể bị ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của mình.
Trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm hoàn trả tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên thuê phải hoàn trả gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê nếu không có thỏa thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
Quyền của bên thuê
Bên thuê có quyền cho thuê lại tài sản mà mình đã thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý.
Trường hợp tài sản thuê bị giảm sút giá trị sử dụng mà không do lỗi của bên thuê thì bên thuê có quyền yêu cầu bên cho thuê thực hiện một hoặc một số biện pháp sau đây:
- Sửa chữa tài sản;
- Giảm giá thuê;
- Đổi tài sản khác hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại, nếu tài sản thuê có khuyết tật mà bên thuê không biết hoặc tài sản thuê không thể sửa chữa được mà do đó mục đích thuê không đạt được.
Trường hợp bên cho thuê đã được thông báo mà không sửa chữa hoặc sửa chữa không kịp thời thì bên thuê có quyền tự sửa chữa tài sản thuê với chi phí hợp lý, nhưng phải báo cho bên cho thuê và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí sửa chữa.
Nghĩa vụ của bên thuê
Bên thuê tài sản có nghĩa vụ trả tiền thuê như đã thỏa thuận, phải bảo quản tài sản thuê, sử dụng tài sản thuê cẩn thận như của mình, đúng với công suất, tính năng tác dụng của tài sản. Nếu trong thời gian sử dụng tài sản bị hư hỏng nhỏ thì phải tự mình sửa chữa. Khi cho thuê lại tài sản, mọi sự hư hỏng, mất tài sản do người thuê lại gây ra thì bên thuê phải chịu trách nhiệm với bên cho thuê.
Khi hết hạn của hợp đồng thuê tài sản, bên thuê phải trả lại tài sản trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên. Chất lượng của tài sản bị hao hụt đi phụ thuộc vào thời gian sử dụng. Nếu thời gian sử dụng lâu, sự hao mòn càng lớn, giá trị của tài sản còn lại được trừ đi phần khấu hao khi sử dụng.
Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hợp đồng thuê tài sản theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!