Hôn nhân đồng giới có được pháp luật Việt Nam thừa nhận không? (2022)

Hôn nhân đồng giới là hôn nhân giữa những người có cùng giới tính về sinh học. Đó có thể là cuộc sống chung giữa hai người là đồng tính nam hoặc đồng tính nữ với nhau. Hôn nhân giữa những người này xuất phát từ tình yêu đồng tính. Họ tìm thấy ở những người cùng giới tính như mình sự yêu thương, sự đồng cảm, ấm áp và mong muốn cùng nhau về chung một nhà.

1. Căn cứ pháp lý

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

2. Hôn nhân đồng giới có được pháp luật Việt Nam thừa nhận không?

hôn nhân đồng giớiCăn cứ theo quy định tại Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 như sau:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.

Như vậy, thấy rằng hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Và kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng để tạo nên một gia đình. Trong đó, một cuộc hôn nhân hợp pháp là phải kết hôn theo đúng quy định của pháp luật và được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền.

Đặc biệt, cũng tại điều luật này, Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Do đó, các cặp đôi đồng tính hiện nay vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận là một cuộc hôn nhân hợp pháp.

Khi đó, hôn nhân giữa hai người có cùng giới tính sẽ không tồn tại và không được pháp luật thừa nhận nên không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; cấp dưỡng; thừa kế; tài sản chung vợ chồng…

– Về nhân thân: Giữa hai người đồng tính không có ràng buộc về mặt pháp lý, không được cấp đăng ký kết hôn, không được công nhận là vợ, chồng hợp pháp. Bởi vậy, con cái, cấp dưỡng, quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng… không tồn tại;

– Về quan hệ tài sản: Vì không có quan hệ vợ chồng nên không áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng được quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Nếu phát sinh tranh chấp, tài sản không được chia theo nguyên tắc chung về tài sản chung vợ, chồng.

3. Hôn nhân đồng giới có còn bị pháp luật nghiêm cấm hay không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

Điều 5. Bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2. Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình.”

Như vậy, theo quy định trên hiện nay thì pháp luật không nghiêm cấm hôn nhân đồng tính, pháp luật chỉ không thừa nhận mà thôi.

4. Đi chuyển đổi giới tính thì có được kết hôn với người có cùng giới tính trước khi chuyển giới hay không?

Theo Nghị định 88/2008/NĐ-CP về xác định lại giới tính ngày 05/08/2008 quy định việc xác định lại giới tính đối với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác.

Đặc biệt văn bản này cũng xác định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể trong nội dung Điều 4. Hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện các nội dung sau đây: “1. Thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; 2. Thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Điều 8 Nghị định này; 3. Tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác; 4. Phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính”.

Tuy nhiên cho đến khi Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực thì đã thừa nhận quyền xác định lại giới tính và chuyển đổi giới tính. Đây được xem là nội dung quan trọng đối với nhóm cộng đồng người đồng tính và quy định cụ thể tại Điều 36 Bộ luật dân sự năm 2015 về quyền xác định lại giới tính.

Ngoài ra trong Bộ luật dân sự năm 2015 cũng xác định rõ về nội dung chuyển đổi giới tính, nội dung cụ thể được quy định tại Điều 37. Chuyển đổi giới tính, theo đó “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Theo khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Căn cứ quy định này, sau khi chuyển đổi giới tính, cá nhân phải đăng ký thay đổi hộ tịch. Sau đó, người này sẽ có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi. Một trong số các quyền nhân thân là quyền đăng ký kết hôn.

Như vậy, sau khi chuyển giới, đăng ký thay đổi hộ tịch thì người chuyển giới được quyền đăng ký kết hôn với người khác giới tính đã chuyển và quan hệ hôn nhân này sẽ được pháp luật công nhận.

5. Pháp luật Việt Nam có công nhận quyết định kết hôn đồng giới của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài không?

Căn cứ Điều 423 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam được quy định như sau:

Điều 423. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:

a) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài được quy định tại điều ước quốc tế mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

b) Bản án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hình sự, hành chính của Tòa án nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chưa cùng là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về công nhận và cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại;

c) Bản án, quyết định dân sự khác của Tòa án nước ngoài được pháp luật Việt Nam quy định công nhận và cho thi hành.

2. Quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài cũng được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này.

Theo đó, quyết định về nhân thân, hôn nhân và gia đình của các quan có thẩm quyền của nước ngoài sẽ được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt nam.

Căn cứ Điều 425 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài như sau:

Điều 425. Quyền yêu cầu công nhận và cho thi hành hoặc không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài; công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài

1. Người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài, nếu cá nhân phải thi hành cư trú, làm việc tại Việt Nam hoặc cơ quan, tổ chức phải thi hành có trụ sở chính tại Việt Nam hoặc tài sản liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài có tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu.

2. Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài.

3. Đương sự, người có quyền, lợi ích hợp pháp liên quan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án Việt Nam không công nhận bản án, quyết định dân sự của của Tòa án nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam.

Theo đó, người được thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền yêu cầu Tòa án công nhận quyết định của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài có hiệu lực tại Việt Nam

Căn cứ 439 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như sau:

Điều 439. Những bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam

1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài không đáp ứng được một trong các điều kiện để được công nhận quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.

3. Người phải thi hành hoặc người đại diện hợp pháp của người đó đã vắng mặt tại phiên tòa của Tòa án nước ngoài do không được triệu tập hợp lệ hoặc văn bản của Tòa án nước ngoài không được tống đạt cho họ trong một thời hạn hợp lý theo quy định của pháp luật của nước có Tòa án nước ngoài đó để họ thực hiện quyền tự bảo vệ.

4. Tòa án nước đã ra bản án, quyết định không có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự đó theo quy định tại Điều 440 của Bộ luật này.

5. Vụ việc dân sự này đã có bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam hoặc trước khi cơ quan xét xử của nước ngoài thụ lý vụ việc, Tòa án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ việc hoặc đã có bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước thứ ba đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành.

6. Đã hết thời hiệu thi hành án theo pháp luật của nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định dân sự đó hoặc theo pháp luật thi hành án dân sự của Việt Nam.

7. Việc thi hành bản án, quyết định đã bị hủy bỏ hoặc đình chỉ thi hành tại nước có Tòa án đã ra bản án, quyết định đó.

8. Việc công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo khoản 8 Điều này, nếu bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì bản án, quyết định này sẽ không được công nhận.

Như vậy, quyết định kết hôn thuộc đối tượng được xem xét công nhận tại Việt Nam nhưng hôn nhân đồng giới không được pháp luật Việt Nam công nhận.

Do đó, căn cứ theo quy định nêu trên thì Tòa án Việt Nam sẽ không công nhận quyết định kết hôn đồng giới của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hôn nhân đồng giới có được pháp luật Việt Nam thừa nhận không? (2022)

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120