Hoà giải ở cơ sở theo pháp luật hiện hành 2022

1. Căn cứ pháp lý

Luật Hoà giải ở cơ sở 2013

Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở

 2. Hoà giải ở cơ sở là gì?

hoà giải ở cơ sởTheo khoản 1 Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013:

Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này.

Trong đó:

  • Cơ sở là thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác (sau đây gọi chung là thôn, tổ dân phố)
  • Các bên là cá nhân, nhóm cá nhân, gia đình, nhóm gia đình, tổ chức có mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này
  • Hòa giải viên là người được công nhận theo quy định của Luật này để thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở

 3. Phạm vi hoà giải ở cơ sở

Điều 3 Luật Hoà giải ở cơ sở quy định việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp sau đây:

– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự không được hòa giải;

– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính;

– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở theo quy định pháp luật.

Cụ thể, khoản 1 Điều 5 Nghị định 15/2014/NĐ-CP quy định Hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật sau đây:

– Mâu thuẫn giữa các bên (do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn trong việc sử dụng lối đi qua nhà, lối đi chung, sử dụng điện, nước sinh hoạt, công trình phụ, giờ giấc sinh hoạt, gây mất vệ sinh chung hoặc các lý do khác);

Ví dụ: Nhà ông A và nhà bà B ở cạnh nhà nhau. Để phát triển kinh tế, bà A cải tạo 100 m2 vườn sau nhà làm chuồng nuôi heo, song chỉ làm bể chứa phân heo thủ công. Chính vì vậy, mùi hôi thối bốc lên rất khó chịu, nhất là những ngày nắng nóng. Mặc dù ông A đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng bà B không tiếp thu, không chịu xây dựng hệ thống xử lý chất thải hợp vệ sinh. Giữa hai bên thường xuyên to tiếng, cãi vã nhau vì chuyện này, gây mất trật tự trong thôn xóm.

– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ dân sự như tranh chấp về quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự, hợp đồng dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất;

Ví dụ: Cách đây 17 năm, do nhiều nguyên nhân nên ông C và bà V không duy trì được hôn nhân với nhau. Sau khi  ly hôn, bà V mang con gái chung bỏ làng ra đi và không để lại tin tức gì. Một năm sau, ông C kết hôn với một người con gái khác trong làng và có với nhau 03 người con.

Năm 2016, ông C mất đột ngột không để lại di chúc, tài sản của vợ chồng ông C do vợ ông tiếp tục quản lý. Vừa qua, sau nhiều năm lưu lạc nơi đất khách quê người, bà V đưa con gái về quê thăm họ hàng nội ngoại hai bên, đồng thời yêu cầu chia di sản thừa kế của ông C cho con gái của bà với ông C.

Vợ ông C, 03 người con của ông C và con gái bà V không thống nhất được việc chia tài sản thừa kế của C nên nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp.

– Tranh chấp phát sinh từ quan hệ hôn nhân và gia đình như tranh chấp phát sinh từ quan hệ giữa vợ, chồng; quan hệ giữa cha mẹ và con; quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa anh, chị, em và giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; ly hôn;

Ví dụ: Sau khi ly hôn, chị A được Tòa án giao nuôi con, anh B có nghĩa vụ hàng tháng cấp dưỡng tiền nuôi con là 3.000.000 đồng, anh B được quyền thăm nom con vào các ngày thường trong tuần không quá 30 phút, được đón con về chơi một ngày thứ bảy hoặc chủ nhật. Các nội dung trên được anh B, chị A thực hiện nghiêm chỉnh trong 5 tháng.

Từ tháng thứ sáu, do bị mất việc, lại phải chi tiêu nhiều cho gia đình mới nên anh B chậm chuyển tiền cấp dưỡng nuôi con. Mâu thuẫn hai bên trở nên gay gắt khi sau 3 tháng nhắc nhở anh B chuyển tiền không được, chị A tuyên bố không cho anh B được thăm nuôi con.

– Vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những việc vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính;

– Vi phạm pháp luật hình sự trong các trường hợp sau đây:

  • Không bị khởi tố vụ án theo quy định tại Điều 107 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  • Pháp luật quy định chỉ khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại, nhưng người bị hại không yêu cầu khởi tố theo quy định tại Khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  • Vụ án đã được khởi tố, nhưng sau đó có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng về đình chỉ điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự hoặc đình chỉ vụ án theo quy định tại Khoản 1 Điều 169 của Bộ luật tố tụng hình sự và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;
  • Vi phạm pháp luật bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Chương II Phần thứ năm của Luật xử lý vi phạm hành chính;
  • Những vụ, việc khác mà pháp luật không cấm.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định này quy định không hòa giải các trường hợp sau đây:

– Mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng;

– Vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình mà theo quy định của pháp luật phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết, giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội;

– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ các trường hợp quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;

– Vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính, trừ các trường hợp quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này;

– Mâu thuẫn, tranh chấp khác không được hòa giải ở cơ sở quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 3 của Luật hòa giải ở cơ sở, bao gồm:

  • Hòa giải tranh chấp về thương mại được thực hiện theo quy định của Luật thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành;
  • Hòa giải tranh chấp về lao động được thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở

Nguyên tắc tổ chức, hoạt động hòa giải ở cơ sở được quy định tại Điều 4 Luật Hoà giải ở cơ sở như sau:

– Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở.

– Bảo đảm phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ và cộng đồng dân cư; quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật và người cao tuổi.

– Khách quan, công bằng, kịp thời, có lý, có tình; giữ bí mật thông tin đời tư của các bên, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 10 của Luật này.

– Tôn trọng ý chí, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng.

– Bảo đảm bình đẳng giới trong tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở.

– Không lợi dụng hòa giải ở cơ sở để ngăn cản các bên liên quan bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật hoặc trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính, xử lý về hình sự.

5. Căn cứ tiến hành hòa giải

Hòa giải ở cơ sở được tiến hành khi có một trong các căn cứ sau đây:

– Một bên hoặc các bên yêu cầu hòa giải;

– Hòa giải viên chứng kiến hoặc biết vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải;

– Theo phân công của tổ trưởng tổ hòa giải hoặc đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

6. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hòa giải

– Lựa chọn, đề xuất hòa giải viên, địa điểm, thời gian để tiến hành hòa giải.

– Đồng ý hoặc từ chối hòa giải; yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt hòa giải.

– Yêu cầu việc hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai.

– Được bày tỏ ý chí và quyết định về nội dung giải quyết hòa giải.

– Trình bày đúng sự thật các tình tiết của vụ, việc; cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan.

– Tôn trọng hòa giải viên, quyền của các bên có liên quan.

– Không gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự tại địa điểm hòa giải.

7. Địa điểm, thời gian hòa giải

– Địa điểm hòa giải là nơi xảy ra vụ việc hoặc nơi do các bên hoặc hòa giải viên lựa chọn, bảo đảm thuận lợi cho các bên.

– Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày được phân công, hòa giải viên bắt đầu tiến hành hòa giải, trừ trường hợp cần thiết phải hòa giải ngay khi chứng kiến vụ, việc hoặc các bên có thỏa thuận khác về thời gian hòa giải.

8. Trình tự, thủ tục tiến hành hòa giải ở cơ sở

Hòa giải ở cơ sở được tiến hành theo trình tự, thủ tục như sau:

8.1. Phân công hòa giải viên

– Tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải trong trường hợp các bên không lựa chọn hòa giải viên.

– Tổ trưởng tổ hòa giải không phân công hòa giải viên tiến hành hòa giải nếu có căn cứ cho rằng hòa giải viên có quyền, lợi ích, nghĩa vụ liên quan đến vụ, việc hòa giải hoặc có lý do khác dẫn đến không thể bảo đảm khách quan, công bằng trong hòa giải.

– Trong quá trình hòa giải, nếu hòa giải viên vi phạm nguyên tắc hoạt động hòa giải hoặc nghĩa vụ khác của hòa giải viên thì tổ trưởng tổ hòa giải phân công hòa giải viên khác thực hiện việc hòa giải.

 8.2. Tiến hành hòa giải

– Hòa giải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói với sự có mặt của các bên. Trong trường hợp các bên có người khuyết tật thì có sự hỗ trợ phù hợp để có thể tham gia hòa giải.

– Hòa giải được tiến hành công khai hoặc không công khai theo ý kiến thống nhất của các bên.

– Tùy thuộc vào vụ, việc cụ thể, trên cơ sở quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân, hòa giải viên áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm giúp các bên hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mỗi bên trong vụ, việc để các bên thỏa thuận việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp và tự nguyện thực hiện thỏa thuận đó.

Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, hòa giải viên hướng dẫn các bên đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

– Hòa giải viên có trách nhiệm ghi nội dung vụ, việc hòa giải vào Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trường hợp các bên đồng ý thì lập văn bản hòa giải thành theo quy định.

Lưu ý: Trong quá trình hòa giải, nếu thấy cần thiết, hòa giải viên và một trong các bên khi được sự đồng ý của bên kia có thể mời người có uy tín trong dòng họ, ở nơi sinh sống, nơi làm việc; người có trình độ pháp lý, có kiến thức xã hội; già làng, chức sắc tôn giáo, người biết rõ vụ việc; đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc người có uy tín khác tham gia hòa giải.

8.3. Kết thúc hòa giải

Hòa giải được kết thúc khi thuộc một trong các trường hợp sau:

– Các bên đạt được thỏa thuận.

– Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải.

Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả. Trong trường hợp này, hòa giải viên cần hướng dẫn các bên liên hệ, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Đồng thời tuyên truyền, vận động các bên chấp hành chính sách pháp luật, không được xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhau, hoặc gây mất an ninh trật tự.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hoà giải ở cơ sở theo pháp luật hiện hành 2022.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120