Hồ sơ và thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp 2023

Hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần những giấy tờ gì? 2023

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

thủ tục đăng ký kiểu dáng

Quy trình đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phải trải qua nhiều giai đoạn thẩm định kỹ càng với những yêu cầu khắt khe về thành phần hồ sơ và điều kiện đăng ký.

1.      Quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Trước khi tìm hiểu quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp thì phải tìm hiểu đối tượng được quyền nộp đơn đăng ký. Theo đó, tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định tại Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 25 Điều 1 Luật 2022 (có hiệu lực từ 01/01/2023) cụ thể:

“Điều 86. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

  1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.”

– Tác giả hoặc người thừa kế hợp pháp của tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng chính công sức, chi phí của mình;

– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả với hình thức giao việc, thuê việc trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Ngoài ra, đối tượng khác có thể ký với tác giả thông qua văn bản chuyển giao quyền nộp đơn cũng có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp kể cả khi đơn đã nộp.

Lưu ý:

Trước khi nộp đơn đăng ký bảo hộ, chủ kiểu dáng công nghiệp cần tra cứu kiểu dáng công nghiệp để kiểm tra khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.

 

2.      Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Sau khi tra cứu khả năng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp thực hiện quy trình đăng ký kiểu dáng công nghiệp như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

– Hai tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp: Nhiều người sở hữu chung kiểu dáng công nghiệp, đánh dấu x vào nội dung yêu cầu cấp phó văn bằng bảo hộ cho các chủ đơn khác trên Tờ khai.

– Một bản mô tả kiểu dáng công nghiệp (bao gồm cả hình vẽ, nếu có): Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp phải trình bày đầy đủ, rõ ràng bản chất của kiểu dáng công nghiệp; phù hợp với bộ ảnh chụp hoặc bộ hình vẽ và gồm các nội dung sau:

  • Tên sản phẩm/bộ phận sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
  • Chỉ số phân loại kiểu dáng công nghiệp quốc tế (theo Thoả ước Locarno);
  • Lĩnh vực sử dụng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp;
  • Các kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết;
  • Ảnh chụp hoặc hình vẽ.
  • Bản chất và đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ khác biệt với kiểu dáng công nghiệp tương tự đã biết.

– Bốn bộ ảnh chụp/bản vẽ:

  • Phải rõ ràng và sắc nét. Không được lẫn các sản phẩm khác với sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ.
  • Phải theo cùng một tỉ lệ.
  • Kích thước mỗi ảnh chụp/hình vẽ không được nhỏ hơn (90 x 120) mm và không được lớn hơn (210 x 297) mm.
  • Phải thể hiện đầy đủ bản chất của kiểu dáng công nghiệp như đã được mô tả nhằm xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó.

– Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu đơn nộp thông qua đại diện.

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký (nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác); quyền ưu tiên (nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

– Chứng từ nộp phí, lệ phí (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Để nộp hồ sơ, người nộp đơn có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 02 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng theo địa chỉ sau đây:

Cục Sở hữu trí tuệ: Số 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội;

Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, số 17 – 19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP. Hồ Chí Minh;

Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Bước 3: Xử lý hồ sơ tại Cục Sở hữu trí tuệ

  1. Thẩm định hình thức đơn

Kiểm tra tính hợp lệ của đơn theo các yêu cầu về hình thức, về đối tượng loại trừ, về quyền nộp đơn… để từ đó đưa ra kết luận đơn hợp lệ hay không.

– Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;

– Trường hợp đơn không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn trong đó nêu rõ các lý do, thiếu sót khiến cho đơn có thể bị từ chối chấp nhận và ấn định thời hạn 2 tháng để người nộp đơn có ý kiến hoặc sửa chữa thiếu sót.

Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót/sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu/không có ý kiến phản đối/ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn

Thời gian thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

  1. Công bố đơn

Sau khi có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 2 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Nội dung công bố đơn đăng ký kiều dáng công nghiệp là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.

  1. Thẩm định nội dung đơn

Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ (có tính mới, có tính sáng tạo, có khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó xác định phạm vi bảo hộ tương ứng.

Thời hạn thẩm định nội dung: 07 tháng kể từ ngày công bố đơn.

Bước 4: Ra Quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ

– Nếu đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;

– Nếu đối tượng nêu trong đơn đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, và người nộp đơn nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.

3.      Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm những gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 100, Điều 108 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 7, Điều 33 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN, sửa bởi Thông tư 16/2016/TT-BKHCN

“Điều 107. Uỷ quyền đại diện trong các thủ tục liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp

  1. Việc uỷ quyền tiến hành các thủ tục liên quan đến việc xác lập, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ phải được lập thành giấy uỷ quyền.
  2. Giấy uỷ quyền phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ đầy đủ của bên uỷ quyền và bên được uỷ quyền;

b) Phạm vi uỷ quyền;

c) Thời hạn uỷ quyền;

d) Ngày lập giấy uỷ quyền;

đ) Chữ ký, con dấu (nếu có) của bên uỷ quyền.

  1. Giấy uỷ quyền không có thời hạn uỷ quyền được coi là có hiệu lực vô thời hạn và chỉ chấm dứt hiệu lực khi bên uỷ quyền tuyên bố chấm dứt uỷ quyền.”

 

“Điều 108. Tiếp nhận đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, ngày nộp đơn

  1. Đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận nếu có ít nhất các thông tin và tài liệu sau đây:

a) Tờ khai đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, trong đó có đủ thông tin để xác định người nộp đơn và mẫu nhãn hiệu, danh mục sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu đối với đơn đăng ký nhãn hiệu;

b) Bản mô tả, trong đó có phạm vi bảo hộ đối với đơn đăng ký sáng chế; bộ ảnh chụp, bản vẽ, bản mô tả đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp; bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đối với đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý;

c) Chứng từ nộp lệ phí nộp đơn.

2. Ngày nộp đơn là ngày đơn được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp nhận hoặc là ngày nộp đơn quốc tế đối với đơn nộp theo điều ước quốc tế.”

Theo đó, pháp luật quy định các tài liệu bắt buộc phải có để đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được tiếp nhận gồm:

Stt Hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm Yêu cầu đối với từng giấy tờ
1 Tờ khai đăng ký theo mẫu 03-KDCN tại Thông tư 16/2016/TT-BKHCN – 02 bản.

– Trong tờ khai phải nêu chỉ số phân loại quốc tế kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ phù hợp với Bảng phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (theo Thoả ước Locarno).

2 Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp – 01 bản mô tả kiểu dáng công nghiệp gồm:

+ Tên kiểu dáng công nghiệp.

+ Lĩnh vực sử dụng kiểu dáng công nghiệp.

+ Kiểu dáng công nghiệp tương tự gần nhất.

+ Liệt kê ảnh chụp hoặc bản vẽ.

+ Phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.

+ Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

– 04 bộ ảnh chụp hoặc 04 bộ bản vẽ in hoặc gắn trên giấy khổ A4 không đóng khung:

+ Ảnh chụp, bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét.

+ Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước không được nhỏ hơn 90mm x 120mm và không được lớn hơn 190mm x 277mm.

+ Ảnh chụp, bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và được đánh số lần lượt theo thứ tự.

+ Ảnh chụp hoặc hình chiếu tương tự hoặc đối xứng với ảnh chụp hoặc hình chiếu đã có, ảnh chụp mặt đáy của các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn, ảnh chụp hoặc hình chiếu bề mặt có chiều dày quá mỏng của kiểu dáng công nghiệp không cần phải có trong đơn, với điều kiện phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.

+ Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm có thể khai triển được dưới dạng mặt phẳng (ví dụ hộp đựng, đồ bao gói…), các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp ở trạng thái đã khai triển.

+ Tùy thuộc vào mức độ phức tạp của kiểu dáng công nghiệp, có thể cần phải có thêm ảnh chụp, bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to bộ phận,…

+ Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm lắp ráp hoặc hợp thành từ nhiều bộ phận khác nhau, các ảnh chụp hoặc bản vẽ của từng bộ phận này có thể được cung cấp nhưng chỉ nhằm mục đích minh họa mà không dùng để xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp của bộ phận đó.

+ Các ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp ở cùng một trạng thái sử dụng được chọn; ảnh chụp hoặc bản vẽ thể hiện các trạng thái khác có thể được cung cấp để làm rõ bản chất của kiểu dáng công nghiệp.

+ Đối với đơn có nhiều phương án, phương án cơ bản phải được thể hiện đầu tiên. Mỗi phương án của kiểu dáng công nghiệp phải được thể hiện bằng bộ ảnh chụp, bản vẽ đầy đủ theo quy định tại điểm này.

+  Đối với bộ sản phẩm phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp, bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ đó theo quy định tại điểm này.

3 Giấy ủy quyền nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp nếu đơn nộp thông qua đại diện
4 Tài liệu chứng minh quyền đăng ký, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác
5 Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên
6 Chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua bưu điện hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ)

 

4.      Chi phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bao nhiêu?

Căn cứ biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 263/2016/TT-BTC, cá nhân, tổ chức đăng ký kiểu sáng công nghiệp sẽ phải trả các khoản phí, lệ phí sau:

STT Danh mục phí, lệ phí Mức thu (đồng)
1 Lệ phí nộp đơn 150.000
2 Lệ phí cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp 120.000
3 Phí thẩm định đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp 700.000
4 Phí phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp (mỗi phân nhóm)

Áp dụng trong trường hợp: Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cần được phân loại quốc tế về kiểu dáng công nghiệp mà người nộp đơn không phân loại hoặc phân loại không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành phân loại.

100.000
5 Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (mỗi đơn/yêu cầu) 600.000
6 Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ việc thẩm định, giải quyết khiếu nại và các công việc khác 480.000
7 Phí công bố đơn 120.000
8 Phí đăng bạ 120.000
Lưu ý: Ngoài chi phí trên, cá nhân, tổ chức không tự mình thực hiện thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp mà thuê cá nhân, tổ chức khác thực hiện thì còn mất thêm phí “dịch vụ”.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực sở hữu trí tuệ hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120