Hình thức xử lý đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan theo pháp luật hiện hành 2022.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng. Người dân Việt Nam có truyền thống sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng từ lâu đời. Các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có những tín ngưỡng riêng gắn liền với đời sống kinh tế và tâm linh của mình. Nhiều người đã lợi dụng niềm tin vào tâm linh, sự nhẹ dạ cả tin để thực hiện những hành vi phi pháp, “mua thần bán thánh” để thu lợi nhuận.

Trong vài năm trở lại đây, chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hình ảnh, có thể coi là những chỉ báo xã hội rất cụ thể, cho thấy nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân tăng cao, chẳng hạn như cách các gia đình sửa soạn đồ lễ tươm tất, chăm sóc hương hỏa chu đáo hay cảnh người dân tấp nập ở các lễ hội, di tích….

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Hình sự 2015

Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo

2. Hoạt động mê tín dị đoan là gì?

Hoạt động mê tín dị đoan

Mê tín được hiểu là có niềm tin mãnh liệt vào những điều phù phiếm, mơ hồ, không có căn cứ nào để chứng minh. Mê tín dị đoan tin vào những điều mơ hồ, nhảm nhí, không phù hợp với lẽ tự nhiên (tin vào bói toán, chữa bệnh bằng phù phép…) dẫn tới hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khoẻ, thời gian, tài sản, tính mạng.

Hoạt động mê tín dị đoan bao gồm dùng bói toán, đồng bóng, ông đồng, bà cốt, tin xin xăm bói quẻ, tin ngày lành tháng dữ, tin số mệnh sang hèn, tin coi tay xem tướng, tin cúng sao, cúng hạn, cúng kem, tin thầy bùa thầy chú, tin cầu cúng tai qua nạn khỏi, hoặc các hình thức mê tín, dị đoan không có cơ sở khoa học khác để trục lợi.

Hệ luỵ của hoạt động mê tín, dị đoan

  • Hệ lụy đầu tiên cần phải nhắc tới đó là người mê tín dị đoan vừa bị mất tiền bạc mà vẫn không giải quyết được các vấn đề đang gặp phải. Tiền bạc đối với những người giàu sang thì không thành vấn đề đáng lo ngại, nhưng có những người, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng tham gia bỏ một số tiền lớn cho những hoạt động mê tín dị đoan như là tiền mua đồ lễ lạt, dâng cúng giải hạn, … vô hình chung lại biến cuộc sống khó càng thêm khó, kiệt quệ kinh tế, gia đình bế tắc.
  • Không chỉ tiền bị mất mà còn lãng phí thời gian vào những việc không đâu, ảnh hưởng đến việc chăm sóc gia đình và công việc hàng ngày.
  • Sức khỏe, tinh thần cũng bị ảnh hưởng do khi có niềm tin vào những điều hoang đường một cách mù quáng thì sẽ bất chấp mọi lời khuyên ngăn của người thân, bạn bè và chỉ tập trung vào việc đi lễ bái tứ phương mà bỏ bê sức khỏe. Hoặc khi đi xem bói toán, thầy cúng nói những điều tốt đẹp trong tương lai nhưng sau đó không như mong đợi hay thầy cúng nói những thứ xui xẻo sắp xảy ra với bản thân và gia đình thì tâm trạng, tinh thần cũng trở nên bất an vì phải lo nghĩ nhiều về những vấn đề thầy cúng đã đề cập tới.
  • Không chỉ thế, ở mức độ nguy hiểm hơn thì đã có không ít trường hợp từng có nhiều người bị mắc bệnh nhưng lại tin vào thầy cúng rằng chỉ làm lễ để cúng bái thì có thể chữa khỏi bệnh. Điều này dẫn tới bệnh tình ngày càng nặng hơn, khi tới bệnh viện thì đã không kịp để điều trị, cứu chữa nữa và bị mất mạng.
  • Bên cạnh đó, những người mê tín dị đoan còn lôi kéo bạn bè, người thân, những người xung quanh tham gia vào những hoạt động mê tín của mình ảnh hưởng tới trật tự xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc ta.
  • Trong lĩnh vực kinh tế, mê tín dị đoan làm người ta mất đi động lực hoặc gây trì trệ cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh. có những cơ quan, xí nghiệp do thủ trưởng quan niệm ngày tốt, ngày xấu, giờ “hoàng đạo”, giờ “hắc đạo” mà làm lỡ dịp ký kết hoặc thực hiện hợp đồng kinh tế.

3. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan

Điểm b khoản 4, điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau:

  • Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.
  • Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 7 (tổ chức hoạt động mê tín dị đoan)

4. Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi hành nghề mê tín, dị đoan

Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

Điều 320. Tội hành nghề mê tín, dị đoan

1. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết người;

b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Hoạt động mê tín dị đoan có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Và cần chú ý xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả tác hại xảy ra.

Cấu thành tội phạm của tội hành nghề mê tín, dị đoan

Mặt khách quan của tội hành nghề mê tín, dị đoan

+ Người phạm tội có hành vi bói toán, bói toán là đoán những việc của quá khứ, hiện tại và tương lai của một người, việc đoán này là không có căn cứ khoa học.

+ Người phạm tội  có hành vi đồng bóng, đồng bóng là một hình thức lừa bịp bằng cách lên đồng (giả vờ được thánh thần, ma quỷ nhập vào mình mà phán bảo những điều nhảm nhí khiến cho người bị hại tin theo).

+ Người phạm tội có hành vi dùng hình thức mê tín, dị đoan khác. Được hiểu là các hành vi như cúng ma, yểm bùa, gọi hồn…

+ Những hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng: Gây mất trật tự công cộng, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác. Nếu người thực hiện một trong các hành vi trên nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Mặt chủ quan của tội hành nghề mê tín, dị đoan

Người thực hiện hành vi hành nghề mê tín dị đoan là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật , thấy trước được hậu quả của của hành vi hành nghề mê tín dị đoan và mong muốn cho hậu quả xảy ra.

Chủ thể của tội hành nghề mê tín, dị đoan

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Luật Hình sự họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.Chủ thể của tội phạm này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật Hình sự. Người phạm tội có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên. Trong trường hợp này, chủ thế thường mượn danh những cô đồng, bà đồng, sau đó tiến hành các hoạt động bói toán, mê tín dị đoan.

Khách thể của tội hành nghề mê tín, dị đoan

Khách thể bị xâm phạm trong trường hợp này là trật tự quản lý nhà nước về các hoạt động tâm linh. Làm ảnh hưởng đến nét văn hóa, thuần phong  mỹ tục của Việt Nam. Làm lãng phí, tiêu hao tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí là tính mạng của người khác.

Khung hình phạt của tội hành nghề mê tín, dị đoan

Khung 1: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung 2: Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

  1. a) Làm chết người;
  2. b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
  3. c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

5. Biện pháp để phòng chống hoạt động mê tín dị đoan

  • Mỗi người nên phân biệt giữa mê tín và tín ngưỡng. Dù ranh giới này có mong manh nhưng nếu đủ tỉnh táo và hiệu biết thì chúng ta vẫn có thể thực hiện được. Tôn giáo hay tín ngưỡng nào cũng dạy con người ta phải nghĩ tốt, sống tốt, làm điều tốt đẹp cho người khác. Khi chúng ta làm được những điều đó thì xã hội hẳn nhiên sẽ được tốt đẹp. Thêm vào đó, khi chúng ta thực hành tôn giáo, tín ngưỡng đúng đắn, chúng ta sẽ tạo ra gia phong, lối sống tôn trọng truyền thống trong gia đình.
  • Sinh hoạt tín ngưỡng lành mạnh, tuyên truyền bài trừ tệ nạn mê tín, những yếu tố khác, không có căn cứ khoa học, không có ý nghĩa tinh thần, không phải là bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng, góp phần gìn giữ những nét đẹp truyền thống và môi trường lành mạnh cho thế hệ sau của mình.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí, đời sống tinh thần cũng là cách triệt mọi đường sống của những tệ nạn mê tín dị đoan.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về Hình thức xử lý đối với hành vi hành nghề mê tín dị đoan theo pháp luật hiện hành 2022.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120