Đất không có sổ đỏ có phải di sản thừa kế hay không? (2022)

Chào công ty Luật PT. Tôi có câu hỏi xin được tư vấn như sau: Bố mẹ tôi mất sớm, từ nhỏ tôi sống với ông nội. Ông tôi trước khi mất có trăn trối để lại cho tôi một mảnh đất không có sổ đỏ. Tôi muốn hỏi xem mảnh đất này có được công nhận là di sản thừa kế hay không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật PT. Nội dung câu hỏi của bạn Chúng tôi xin tư vấn như sau:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Đất đai 2013

Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP

Đất không có sổ đỏ có phải di sản thừa kế không?

Theo Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác” và theo khoản 1 Điều 105 Luật này thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Như vậy, quyền sử dụng đất là một trong các tài sản được coi là di sản.

Điều kiện thực hiện quyền thừa kế quyền sử dụng đất được quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, bao gồm:

  • Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
  • Đất không có tranh chấp;
  • Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
  • Trong thời hạn sử dụng đất.

Về nguyên tắc, chỉ khi có Giấy chứng nhận người sử dụng đất mới có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, trong đó bao gồm quyền để lại di sản thừa kế. Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất không có sổ đỏ, Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành thì xác định quyền sử dụng đất là di sản như sau:

Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng có di sản là nhà ở, vật kiến trúc khác gắn liền với đất đó mà có yêu cầu chia di sản thừa kế, thì cần phân biệt các trường hợp sau:

  • Trong trường hợp đương sự có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng chưa kịp cấp Giấy chứng nhận (đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận) thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất đó.
  • Trong trường hợp đương sự không có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền xác nhận việc sử dụng đất đó là hợp pháp, nhưng có văn bản của UBND cấp có thẩm quyền cho biết rõ là việc sử dụng đất đó không vi phạm quy hoạch và có thể được xem xét để giao quyền sử dụng đất thì Toà án giải quyết yêu cầu chia di sản là tài sản gắn liền với đất.

Đồng thời phải xác định ranh giới, tạm giao quyền sử dụng đất đó cho đương sự để UBND cấp có thẩm quyền tiến hành các thủ tục giao quyền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận cho đương sự theo quy định của pháp luật về đất đai.

  • Trong trường hợp UBND cấp có thẩm quyền có văn bản cho biết rõ việc sử dụng đất đó là không hợp pháp, di sản là tài sản gắn liền với đất không được phép tồn tại trên đất đó thì Toà án chỉ giải quyết tranh chấp về di sản là tài sản trên đất đó.

Trường hợp người chết để lại quyền sử dụng đất mà đất đó không Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất và cũng không có di sản là tài sản gắn liền với đất, nếu có tranh chấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND theo quy định của pháp luật về đất đai.

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán, khi quyền sử dụng đất được xác định là di sản thì sẽ được chia di sản thừa kế.

Liên quan đến nội dung này, bạn có thể tìm hiểu thêm bài viết về Thủ tục đăng ký nhận thừa kế quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn. 

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120