Đặt cọc theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015

Pháp luật Dân sự hiện hành quy định 09 biện pháp bảo đảm tại Điều 292 Bộ luật Dân sự 2015 bao gồm cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp và cầm giữ tài sản. Trong đó, đặt cọc là biện pháp nhằm bảo đảm cho các bên trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng và thực tế biện pháp này rất phổ biến trong quá trình các bên xác lập và thực hiện giao dịch dân sự, đặc biệt là những giao dịch có giá trị lớn như mua bán nhà ở, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Nghị định 21/2021/NĐ-CP

Thông tư 14/2017/TT-NHNN

2. Đặt cọc là gì?

Điều 328. Đặt cọc

  1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
  2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Hình thức của đặt cọc

Điều 328 Bộ luật Dân sự hiện hành không quy định hình thức bắt buộc của đặt cọc nên các bên có thể tự do tự thoả thuận về hình thức.

Hình thức phổ biến nhất hiện nay đó là văn bản, các bên có thể lập hợp đồng đặt cọc bằng văn bản độc lập hoặc lập điều khoản đưa vào nội dung của hợp đồng chính, miễn là việc đặt cọc được văn bản hoá và việc này trở lại tinh thần của Bộ luật Dân sự 2005, khoản 1 Điều 358 quy định:

Đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quí, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng dân sự. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản.”.

Việc xác lập giao dịch đặt cọc thành văn bản giúp các bên có cơ sở rõ ràng để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình và còn là bằng chứng mang tính pháp lý giúp Toà án giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ tranh chấp phát sinh từ đặt cọc.

3. Tài sản đặt cọc

Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rõ những tài sản được xem là tài sản đặt cọc, bao gồm một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.

Theo khoản 1, 2 Điều 3 Thông tư 14/2017/TT-NHNN ngày 01/8/2014 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phân loại, đóng gói, giao nhận kim khí quý, đá quý, kim khí quý bao gồm vàng, bạc, bạch kim và các loại kim loại quý khác; đá quý bao gồm kim cương (hạt xoàn), ruby (hồng ngọc), emorot (lục bảo ngọc), saphia (bích ngọc), ngọc trai (trân châu) và các loại đá quý khác.

Bộ luật Dân sự quy định tài sản đặt cọc còn có thể là “vật có giá trị khác”.

4. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong đặt cọc

Căn cứ: Điều 38 Nghị định 21/2021/NĐ-CP

Bên đặt cọc có quyền, nghĩa vụ:

  • Yêu cầu bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược ngừng việc khai thác, sử dụng hoặc xác lập giao dịch dân sự đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược; thực hiện việc bảo quản, giữ gìn để tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất giá trị hoặc giảm sút giá trị;
  • Trao đổi, thay thế tài sản đặt cọc, tài sản ký cược hoặc đưa tài sản đặt cọc, tài sản ký cược tham gia giao dịch dân sự khác trong trường hợp được bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược đồng ý;
  • Thanh toán cho bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược chi phí hợp lý để bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược.

Chi phí hợp lý quy định tại điểm này là khoản chi thực tế cần thiết, hợp pháp tại thời điểm chi mà trong điều kiện bình thường bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược phải thanh toán để đảm bảo tài sản đặt cọc, tài sản ký cược không bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng;

  • Thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật để bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược được sở hữu tài sản đặt cọc, tài sản ký cược quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Bên nhận đặt cọc có quyền, nghĩa vụ:

  • Yêu cầu bên đặt cọc, bên ký cược chấm dứt việc trao đổi, thay thế hoặc xác lập giao dịch dân sự khác đối với tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên nhận đặt cọc, bên nhận ký cược;
  • Sở hữu tài sản đặt cọc trong trường hợp bên đặt cọc vi phạm cam kết về giao kết, thực hiện hợp đồng; sở hữu tài sản ký cược trong trường hợp tài sản thuê không còn để trả lại cho bên nhận ký cược;
  • Bảo quản, giữ gìn tài sản đặt cọc, tài sản ký cược;
  • Không xác lập giao dịch dân sự, khai thác, sử dụng tài sản đặt cọc, tài sản ký cược khi chưa có sự đồng ý của bên đặt cọc, bên ký cược;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

5. Hậu quả pháp lý trường hợp vi phạm hợp đồng đặt cọc

Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Còn trong trường hợp thỏa thuận đặt cọc mà hai bên đã đồng ý có ghi các khoản liên quan đến phạt cọc nếu xảy ra vi phạm thì sẽ theo đó mà thực hiện. Theo quy định của pháp luật thì đối tượng của phạt cọc chỉ có thể là tiền, tương ứng với tiền cọc và mức phạt cọc mà các bên nếu có thỏa thuận. Mục đích của phạt cọc nhằm ổn định quan hệ dân sự, giảm thiểu việc lừa dối, chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp và đề cao trách nhiệm của mỗi bên trong quá trình thực hiện giao dịch.

Nhưng trong một số trường hợp người giao dịch thường nhầm lẫn việc đặt cọc với tiền trả trước mà hai cách thức này là khác nhau nên gây ra những hậu quả pháp lý hoàn toàn khác nhau nếu không xử lý đúng sẽ gây thiệt hại cho một trong các bên và làm trầm trọng thêm tranh chấp. Tiền trả trước là việc bền có nghĩa vụ trả tiền thực hiện trả một khoản tiền cho bên có quyền được hưởng.

Nó gây ra hậu quả pháp lý tương đối đơn giản là khi có bên vi phạm nghĩa vụ hay không tiến hành giao kết hợp đồng như ý chí ban đầu thì khoản tiền trả trước về nguyên tắc sẽ được hoàn trả lại cho bên đã trả và sẽ không chịu bất cứ khoản phạt cọc nào.

Nếu xảy ra tranh chấp giữa hai bên khi không xác định được khoản tiền mà mình đã đưa cho bên kia nhưng không nói rõ mục đích đó là tài sản đặt cọc hay tiền trả trước thì theo quy định của pháp luật thì coi đó là tiền trả trước, vì đó khi thực hiện giao dịch cần ghi rõ và đầy đủ thông tin liên quan đến tài sản đưa cho bên kia là để đặt cọc hay là số tiền trả trước.

Trên đây là nội dung tìm hiểu của chúng tôi về chủ đề Đặt cọc theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120