Việc đăng ký chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan năm 2023 được quy định thế nào?
Luật sư cho tôi hỏi, năm 2023, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như thế nào? Căn cứ vào văn bản pháp luật nào? Trong trường hợp được chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan? Hợp đồng chuyển nhượng được quy định như thế nào?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
A. Việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan năm 2023 được quy định thế nào?
1. Quy định về việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan năm 2023
Căn cứ theo quy định tại Điều 49 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 quy định về Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan:
“Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
…
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 49 … như sau:
“Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan
1. Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
2. Việc nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
4. Tổ chức, cá nhân phải nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan về cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
5. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.”
Theo đó, pháp luật quy định đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
Bên cạnh đó, việc nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
Đối với tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
Lưu ý: Tổ chức, cá nhân phải nộp phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan về cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như thế nào?
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được quy định tại Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 bao gồm:
(1) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh; thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có), cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai.
Tờ khai do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
(2) 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
(3) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
(4) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao quyền;
(5) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
(6) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.
Lưu ý: Tài liệu (3), (4), (5) và (6) nêu trên phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt.
Ngoài ra, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.
3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
Hiện nay, theo Điều 51 Luật Thương mại 2005 được hướng dẫn bởi Điều 35 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định:- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Bản quyền tác giả) có thẩm quyền cấp, cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều 51 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được cấp theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được cấp lại trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất hoặc rách nát.
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan được cấp đổi trong trường hợp thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc thay đổi thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
– Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị hủy bỏ hiệu lực trong các trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 55 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
– Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định các mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả, Tờ khai đăng ký quyền liên quan, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 50 và khoản 4 Điều 51 Luật Sở hữu trí tuệ 2005.
B. Việc chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan năm 2023 được quy định thế nào?
1. Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền sau đây cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan:
(1) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);
(2) Các quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);
(3) Quyền tài sản của người biểu diễn quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);
(4) Các quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình quy định tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022);
(5) Các quyền của tổ chức phát sóng quy định tại Điều 31 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 9 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022).
Lưu ý:
Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu;
Trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.
(Khoản 3 Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
-
Các trường hợp không được chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan?
Căn cứ theo quy định tạin Điều 45 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về Quy định chung về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan:
“Điều 45. Quy định chung về chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan
- Chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan là việc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chuyển giao quyền sở hữu đối với các quyền quy định tại khoản 3 Điều19, Điều20, khoản 3 Điều 29, Điều 30 và Điều 31 của Luật này cho tổ chức, cá nhân khác theo hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản2 Điều 29 của Luật này.
- Trong trường hợp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có đồng chủ sở hữu thì việc chuyển nhượng phải có sự thoả thuận của tất cả các đồng chủ sở hữu; trong trường hợp có đồng chủ sở hữu nhưng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có các phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập thì chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có quyền chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan đối với phần riêng biệt của mình cho tổ chức, cá nhân khác.”
Theo đó, Khoản 2 Điều này quy định tác giả không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19, trừ quyền công bố tác phẩm; người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật này.
Như vậy, theo quy định nói trên thì tác giả không được chuyển nhượng các quyền sau đây:
– Đặt tên cho tác phẩm;
– Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Người biểu diễn không được chuyển nhượng các quyền sau đây:
– Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
– Bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
-
Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như thế nào?
Hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan phải được lập thành văn bản gồm những nội dung chủ yếu quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sau đây:
– Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
– Căn cứ chuyển nhượng;
– Giá, phương thức thanh toán;
– Quyền và nghĩa vụ của các bên;
– Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Việc thực hiện, sửa đổi, chấm dứt, huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, quyền liên quan được áp dụng theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (khoản 2 Điều 46 Luật Sở hữu trí tuệ 2005).
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực sở hữu trí tuệ hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120