Cử người giám hộ đối với trường hợp con trên 18 tuổi bị hạn chế hành vi dân sự thì trình tự thủ tục như nào?

Trường hợp con trên 18 tuổi bị hạn chế hành vi dân sự cần cử người giám hộ thì trình tự thủ tục như nào? Có cần phải được Tòa tuyên bị hạn chế xong rồi nộp hồ sơ cho Uỷ ban nhân dân xã để thực hiện thủ tục giám hộ không?

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 về công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

2. Thế nào là hạn chế năng lực hành vi dân sự?

cử người giám hộ

Pháp luật quy định, mọi cá nhân có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Tuy nhiên, năng lực hành vi cá nhân lại không giống nhau. Mỗi cá nhân có nhận thức khác nhau về hành động và hậu quả của hành vi mà họ làm. Khó có tiêu chí để xác định cụ thể khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mỗi cá nhân. Do đó, độ tuổi được xem là tiêu chí cốt lõi để phân biệt mức độ năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân.

Điều 20. Người thành niên
1. Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên.
2. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.”

Như vậy người đủ năng lực hành vi dân sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên (hay người thành niên). Trừ trường hợp bị tuyên bố mất năng lực hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Căn cứ Điều 24 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:

Điều 24. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Như vậy, tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và sẽ quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Tại Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người đại diện theo pháp luật như sau:

Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân

  1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
  2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
  3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
  4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định này thì Tòa án sẽ tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và chỉ định người đại diện theo pháp luật.

Quy định này không yêu cầu phải làm thêm thủ tục đăng ký làm người giám hộ với Uỷ ban nhân dân xã.

3. Thế nào là giám hộ?

Tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm giám hộ như sau:

Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ)

Như vậy, giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

4. Ai có thể được làm người được giám hộ?

Căn cứ Điều 48 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người giám hộ như sau:

Điều 48. Người giám hộ

  1. Cá nhân, pháp nhân có đủ điều kiện quy định tại Bộ luật này được làm người giám hộ.
  2. Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý. Việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.
  3. Một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.”

5. Những đối tượng cần Tòa án cử người người giám hộ?

Trong trường hợp vậy muốn làm giám hộ thủ tục bên Uỷ ban nhân dân thì thủ tục đăng ký giám hộ thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Luật Hộ tịch 2014. Tuy nhiên chỉ các đối tượng tại Điều 47 Bộ luật Dân sự 2015 mới có người giám hộ:

Điều 47. Người được giám hộ

1. Người được giám hộ bao gồm:

a) Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

b) Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

c) Người mất năng lực hành vi dân sự;

d) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

2. Một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu.”

6. Trường hợp con trên 18 tuổi bị hạn chế hành vi dân sự cần cử người giám hộ thì trình tự thủ tục thực hiện ra sao?

Về trình tự, hồ sơ theo Quyết định 1872/QĐ-BTP năm 2020 công bố thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực hộ tịch thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch trong nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tư pháp

Trình tự thực hiện cử người giám hộ như sau:

– Người có yêu cầu đăng ký giám hộ nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền.

– Người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra ngay toàn bộ hồ sơ, xác định tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; đối chiếu thông tin trong Tờ khai với giấy tờ trong hồ sơ.

– Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả; nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hoàn thiện thì hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn thiện theo quy định; trường hợp không thể bổ sung, hoàn thiện hồ sơ ngay thì phải lập thành văn bản hướng dẫn, trong đó nêu rõ loại giấy tờ, nội dung cần bổ sung, hoàn thiện, ký, ghi rõ họ, tên của người tiếp nhận.

– Sau khi nhận đủ hồ sơ, nếu thấy yêu cầu đăng ký giám hộ đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đồng ý giải quyết thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký giám hộ, hướng dẫn người yêu cầu đăng ký hộ tịch kiểm tra nội dung Trích lục đăng ký giám hộ và Sổ đăng ký giám hộ, cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp Trích lục đăng ký giám hộ cho người yêu cầu.

Thành phần hồ sơ:

* Giấy tờ phải xuất trình:

– Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký giám hộ.

– Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để xác định thẩm quyền đăng ký giám hộ (trong giai đoạn chuyển tiếp).

* Giấy tờ phải nộp

– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu.

– Văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ cử.

– Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên theo quy định của Bộ luật dân sự đối với trường hợp đăng ký giám hộ đương nhiên. Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

– Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký giám hộ. Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực.

* Lưu ý:

– Đối với giấy tờ nộp, xuất trình:

+ Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó, không được yêu cầu người đi đăng ký nộp bản sao giấy tờ đó.

+ Đối với giấy tờ xuất trình khi đăng ký hộ tịch, người tiếp nhận có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong tờ khai, chụp lại hoặc ghi lại thông tin để lưu trong hồ sơ và trả lại cho người xuất trình, không được yêu cầu nộp bản sao hoặc bản chụp giấy tờ đó.

+ Người tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận đúng, đủ hồ sơ đăng ký hộ tịch theo quy định của pháp luật hộ tịch, không được yêu cầu người đăng ký hộ tịch nộp thêm giấy tờ mà pháp luật hộ tịch không quy định phải nộp.

7. Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ thì có được thay đổi người giám hộ không?

Tại Điều 60 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về trường hợp thay đổi người giám hộ như sau:

(1) Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:

– Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật này;

– Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;

– Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;

– Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.

(2) Trường hợp thay đổi người giám hộ đương nhiên thì những người được quy định tại Điều 52 và Điều 53 của Bộ luật này là người giám hộ đương nhiên; nếu không có người giám hộ đương nhiên thì việc cử, chỉ định người giám hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Bộ luật này.

(3) Thủ tục thay đổi người giám hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Như vậy, trường hợp người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ thì có được thay đổi người giám hộ.

Chuyển giao giám hộ được thực hiện như thế nào?

Căn cứ Điều 61 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về chuyển giao giám hộ như sau:

Điều 61. Chuyển giao giám hộ

  1. Khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình.
  2. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.
  3. Trường hợp thay đổi người giám hộ quy định tại khoản 1 Điều 60 của Bộ luật này thì cơ quan cử, chỉ định người giám hộ lập biên bản, ghi rõ tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ, quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình thực hiện việc giám hộ để chuyển giao cho người giám hộ mới với sự chứng kiến của người giám sát việc giám hộ.

Như vậy, khi thay đổi người giám hộ thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có người giám hộ mới, người đã thực hiện việc giám hộ phải chuyển giao giám hộ cho người thay thế mình. Việc chuyển giao giám hộ phải được lập thành văn bản, trong đó ghi rõ lý do chuyển giao và tình trạng tài sản, vấn đề khác có liên quan của người được giám hộ tại thời điểm chuyển giao. Cơ quan cử, chỉ định người giám hộ, người giám sát việc giám hộ chứng kiến việc chuyển giao giám hộ.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Trường hợp con trên 18 tuổi bị hạn chế hành vi dân sự cần cử người giám hộ thì trình tự thủ tục như nào?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120