Chuyển tiền nhầm tài khoản, trường hợp éo le không ai muốn mình gặp phải. Bởi lẽ, dù người chuyển nhầm tiền có tra được thông tin người nhận số tiền đó nhưng nhiều trường hợp vẫn không thể lấy lại tiền.
Lý do chuyển khoản nhầm nhiều nhất chủ yếu đến từ việc bạn:
– Ghi sai tên người nhận hoặc sai số tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ người mắc phải trường hợp này là nhiều nhất, vì số tài khoản ngân hàng thường khá dài và khó nhớ. Lúc này nhân viên ngân hàng cũng không kiểm tra kỹ để hỏi lại khách hàng nên đã chuyển khoản nhầm.
– Chuyển khoản qua cây ATM hoặc APP: Với trường hợp này bạn ghi sai số tài khoản ngân hàng sau đó nhấn gửi mà không kiểm tra kỹ.
Vậy chuyển khoản nhầm có thể đòi lại được không? Nếu người nhận chuyển khoản nhầm không trả lại tiền có thể bị xử lý như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề trên.
1. Căn cứ pháp lý
Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017
2. Quyền đòi lại tiền của người chuyển tiền nhầm tài khoản được quy định thế nào?
Căn cứ Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền đòi lại tài sản như sau:
“Điều 166. Quyền đòi lại tài sản
1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.”
Theo Điều 159 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền khác đối với tài sản như sau:
“Điều 159. Quyền khác đối với tài sản
1. Quyền khác đối với tài sản là quyền của chủ thể trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác.
2. Quyền khác đối với tài sản bao gồm:
a) Quyền đối với bất động sản liền kề;
b) Quyền hưởng dụng;
c) Quyền bề mặt.”
Theo quy định trên, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
Tuy nhiên, chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó.
Như vậy, chủ tài khoản có quyền đòi lại số tiền chuyển khoản nhầm từ người được chuyển khoản nhầm (chiểm hữu tiền không có căn cứ pháp luật).
3. Cách lấy lại tiền khi chuyển nhầm tài khoản?
Nếu gặp trường hợp trên bạn đừng lo lắng bởi vì Ngân hàng Nhà nước và Luật đã quy định rõ ràng về quy trinh xử lý các trường hợp chuyển tiền nhầm vào tài khoản người khác cụ thể tại các điều 32, 33, 34 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định về việc quản lý, vận hành và sử dụng hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia. Khách hàng làm theo hướng dẫn dưới đây để có thể lấy lại số tiền nhanh nhất:
Trường hợp bạn chuyển tiền nhầm cùng một ngân hàng thì bước đầu tiên bạn liên hệ ngay với ngân hàng và thông báo cho họ biết sự cố của bạn việc chuyển nhầm tiền. Khách hàng có thể đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng của mình để làm giấy đề nghị hỗ trợ xem xét, rà soát giao dịch chuyển nhầm theo quy định
– Sau đó cung cấp thông tin giao dịch chuyển tiền nhầm cho ngân hàng và cung cấp các giấy tờ như: Chứng minh thư nhân dân, thẻ ngân hàng, chứng từ như hóa đơn chuyển tiền, thời gian chuyển tiền, số tài khoản và nội dung chuyển tiền để ngân hàng rà soát, kiểm tra lại giao dịch của khách hàng
– Sau khi hiểu được tình hình của khách hàng, ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện các phương án theo quy định của pháp luật bằng cách dựa vào những thông tin khách hàng cung cấp để kiểm tra và rà soát giao dịch
– Ngân hàng sẽ tiến hành xử lý trường hợp của bạn bằng cách báo cho chủ số tài khoản nhận nhầm tiền đó biết về việc bạn chuyển tiền nhầm, tiếp theo đó ngân hàng có thể tiến hành phong tỏa tài khoản của chủ tài khoản bị chuyển nhầm và chuyển trả lại số tiền đó nếu như trong tài khoản của người đó còn tiền trên cơ sở lệnh yêu cầu hờn trả lệnh Thanh toán.
Trường hợp tài khoản người đó không đủ tiền do người đó đã rút với mục đích nào đó thì ngân hàng nơi bạn chuyển tiền nhầm đó sẽ yêu cầu người nhận tiền này nộp tiền vào tài khoản để thực hiện lệnh yêu cầu hoàn trả lệnh thanh toán, chuyển lại tiền cho Ngân hàng nơi bạn chuyển tiền đi.
Thậm chí có nhiều trường hợp bên chủ tài khoản nhận nhầm tiền của bạn không còn đủ tiền để thanh toán lại cho ngân hàng hoặc trường hợp không thể liên lạc được có thể thực hiện theo hướng sau đây
+ Sau khi biết được thông tin của người nhận số tiền nhầm đó, bạn thử liên hệ thương lượng và thuyết phục họ trả lại số tiền đã bị chuyển nhầm đó.Hoặc có thể liên lạc với địa phương hay thông báo qua ngân hàng khi không thể liên lạc được với họ
+ Nếu tiến hành liên lạc được nhưng thương lượng không thành thì chủ tài khoản chuyển nhầm có thể tình báo với cơ quan công an hoặc khởi kiện ra tòa hoặc có thể dùng cả hai cách này. Tuy nhiên những cách này đều mất rất nhiều thời gian, chi phí, thậm chí kết quả sẽ không được như bạn mong muốn. Nên bạn hãy cân nhắc kỹ lưỡng những cách này
Trường hợp bạn chuyển nhầm tiền khách ngân hàng thì ngân hàng của bạn sẽ liên lạc với ngân hàng bên chủ tài khoản nhận nhầm tiền kia để yêu cầu hỗ trợ với chủ tài khoản và thực hiện các bước như trên để giúp khách hàng nhận lại tiền.
Nhiều người hỏi mất bao lâu thì lấy lại được tiền chuyển nhầm thì cũng tùy vào việc liên hệ, kết nối với người nhận chuyển nhầm mà thời gian bạn lấy tiền chuyển nhầm nhanh hay chậm.
Với các trường hợp chuyển tiền nhầm vào tài khoản mà người nhận thiện chí chuyển tiền lại thì sẽ mất khoản 5 đến 7 ngày chủ tài khoản có thể nhận lại tiền của mình, ngược lại nếu chủ tài khoản không thiện trí trả mà cố tình chiếm đoạt thì chủ tài khoản chuyển nhầm buộc phải đưa vụ việc ra giải quyết tại tòa án ước tính phải mất vài tháng để có thể nhận lại tiền.
Với các trường hợp chuyển sai tên, sai số tài khoản thì cũng mất khoảng 7 ngày làm việc để ngân hàng rà soát giao dịch và chuyển trả lại tiền cho chủ tài khoản.
4. Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người không trả tiền chuyển khoản nhầm được quy định thế nào?
Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân khác
…
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
…
đ) Sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác;
e) Cưỡng đoạt tài sản nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 và các điểm a, b, c và đ khoản 2 Điều này;
b) Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d và đ khoản 2 Điều này;
b) Buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm đ và e khoản 2 Điều này;
c) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.”
Theo đó, người không trả tiền chuyển khoản nhầm có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi chiếm giữ tài sản của người khác.
Đồng thời còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng đối với hành vi vi phạm của mình như các quy định nêu trên.
5. Người không trả tiền chuyển khoản nhầm có phạm tội không?
Căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, điểm b khoản 3 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, nếu người không trả tiền chuyển khoản nhầm có giá trị sẽ phạm tội nếu tiền chuyển khoản nhầm đó trên 10 triệu đồng.
Cụ thể, nếu người chiếm đoạt tiền chuyển khoản nhầm có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nếu số tiền chiếm đoạt trị giá 200.000.000 đồng trở lên thì người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Chuyển tiền nhầm tài khoản có đòi lại được không? (2023)
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!