Đất nông nghiệp bỏ hoang có được chuyển thành đất thổ cư? Chi phí chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư 2023 là bao nhiêu?

1. Căn cứ pháp lý

Luật Đất đai 2013

Nghị định 45/2014/NĐ-CP Quy định về thu tiền sử dụng đất

Nghị định 91/2019/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai

Nghị định 126/2020/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế

2. Khi nào được đất nông nghiệp thành đất thổ cư?

đất thổ cưĐất nông nghiệp bị bỏ hoang hoặc không đủ điều kiện để canh tác, sử dụng theo đúng mục đích khá phổ biến. Vậy, trong trường hợp đất nông nghiệp bỏ hoang có được chuyển thành đất thổ cư hay không?

Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân muốn chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư (đất ở) phải được phép của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương).

Mặc dù Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân nhưng không phải “toàn quyền” quyết định mà phải căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất được thể hiện trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất (sẽ thẩm định sau khi nhận hồ sơ).

Tóm lại, người dân chỉ được chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư khi có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền (quyết định có dấu đỏ) cho dù đất nông nghiệp đó bị “bỏ hoang” hoặc không đủ điều kiện canh tác hoặc canh tác không hiệu quả như thiếu nước, không màu mỡ,…

3. 4 bước để chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định

Để được chuyển sang đất thổ cư thì hộ gia đình, cá nhân cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ, gồm các giấy tờ như sau:

– Đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất theo Mẫu số 01.

– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Sổ hồng, Sổ đỏ đã cấp).

Bước 2. Nộp hồ sơ

Cách 1: Địa phương đã thành lập bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp tại bộ phận một cửa cấp huyện.

Cách 2: Địa phương chưa thành lập bộ phận một cửa thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.

Bước 3: Xử lý, giải quyết yêu cầu

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện những nhiệm vụ sau:

– Thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích.

– Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định (nếu được chuyển mục đích sử dụng đất thì người dân sẽ nhận được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước – trong đó nêu rõ số tiền và hạn nộp).

– Trình Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng.

– Chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Bước 4: Trả kết quả

– Phòng Tài nguyên và Môi trường trao quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sau khi hộ gia đình, cá nhân nộp tiền theo thông báo của cơ quan thuế (xuất trình biên lai đã nộp tiền khi nhận quyết định).

– Thời gian thực hiện thủ tục: Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (không kể thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất); không quá 25 ngày đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

4. Mức phạt khi “bỏ hoang đất” đất nông nghiệp

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định người sử dụng đất có hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì bị xử phạt vi phạm hành chính (phạt tiền và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả).

Hình thức và mức phạt được quy định như sau:

TT Diện tích đất “bỏ hoang” Mức phạt tiền
1 Dưới 0,5 héc ta Từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng
2 Từ 0,5 đến dưới 03 héc ta Từ 01 – 03 triệu đồng
3 Từ 03 đến dưới 10 héc ta Từ 03 – 05 triệu đồng
4 Từ 10 héc ta trở lên Từ 05 – 10 triệu đồng
Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính (mức phạt tối đa là 20 triệu đồng).

Bên cạnh việc bị phạt tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:

“Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.”.

Theo đó, ngoài việc bị phạt tiền thì người vi phạm buộc phải đưa đất vào sử dụng theo quy định, nếu không đưa đất vào sử dụng sẽ bị thu hồi.

5. Chi phí chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư 2023 là bao nhiêu?

Nếu biết được việc chuyển đất nông nghiệp sang đất ở mất bao nhiêu tiền sẽ giúp người dân chủ động hơn về kinh phí, đồng thời cũng tránh tình trạng chậm nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Khi nhận được thông báo nộp tiền vào ngân sách nhà nước của cơ quan thuế người dân có trách nhiệm nộp đúng số tiền và đúng hạn theo thông báo; nếu cần đối chiếu với thông báo nộp tiền, người dân có thể tự mình thực hiện theo cách tính dưới đây:

6. Chi phí chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư

* Tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất là khoản tiền nhiều nhất khi chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư (đất ở).

Trường hợp 1: Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở (đất ở và đất nông nghiệp xen lẫn với nhau trong cùng thửa đất)

Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:

“Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở t

hì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.”

Như vậy, 02 trường hợp sau sẽ nộp tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích:

– Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở.

– Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Tóm lại, nếu thuộc trường hợp trên thì tiền sử dụng đất tính theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)

Trường hợp 2: Chuyển từ đất nông nghiệp được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở (xem trong phần nguồn gốc sử dụng đất tại trang 2 của Giấy chứng nhận sẽ biết khi nào là đất nông nghiệp được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất).

Điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định như sau:

“Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Theo đó, tiền sử dụng đất trong trường hợp này được tính theo công thức sau:

Tiền sử dụng đất phải nộp = (Tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp)

Để tính được số tiền sử dụng đất phải nộp cần theo 03 bước sau:

Bước 1: Xác định tiền sử dụng đất theo giá đất ở

– Để xác định cần biết vị trí thửa đất: Tên đường, vị trí thửa đất gồm vị trí 1, 2, 3, 4 hay vị trí còn lại (vị trí 1, 2, 3,… xác định theo chiều sâu của thửa đất so với mặt tiền – càng lùi sâu giá càng thấp).

– Xác định giá đất trong bảng giá đất (xem tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành).

Bước 2: Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp (xác định như bước 1).

Bước 3: Lấy tiền sử dụng đất theo giá đất ở – Tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp

Mặc dù có công thức như vậy nhưng để tính tiền sử dụng đất cho 01 thửa đất cụ thể khá phức tạp, để dễ hiểu hơn bạn đọc hãy xem qua ví dụ sau:

Ông A có 01 thửa đất trồng cây hàng năm khác với diện tích là 1000m2, vì con ông A lập gia đình và có nhu cầu ở riêng nhưng không có đất ở nên ông A muốn chuyển 100m2 đất trồng cây hàng năm khác sang đất ở. Tiền sử dụng đất được tính như sau:

Bước 1: Xác định tiền sử dụng đất theo giá đất ở

Thửa đất của ông A thuộc vị trí 1 (vị trí tiếp giáp đường) có giá đất ở trong bảng giá đất là: 01 triệu đồng/m2.

Bước 2: Xác định tiền sử dụng đất theo giá đất nông nghiệp

Cũng vị trí đó giá đất nông nghiệp theo bảng giá đất là 250.000 đồng/m2.

Bước 3: Tiền sử dụng đất phải nộp của 01m2 là 750.000 đồng (01 triệu đồng – 250.000 đồng).

Tổng tiền sử dụng đất mà ông A phải nộp khi xin chuyển 100m2 sang đất ở là 75 triệu đồng.

Lưu ý: Riêng đối với đất có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng hợp pháp thì căn cứ vào nguồn gốc đất đó để thu tiền sử dụng đất, cụ thể:

– Đất có nguồn gốc là đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

– Đất nhận chuyển nhượng có nguồn gốc là đất nông nghiệp được giao trong hạn mức sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp.

* Lệ phí cấp Giấy chứng nhận

– Đối tượng áp dụng: Nộp lệ phí trước bạ khi được cấp Giấy chứng nhận mới.

– Mức nộp: Từ 100.000 đồng trở xuống/lần cấp.

* Lệ phí trước bạ

– Đối tượng phải nộp: Đa số các trường hợp không phải nộp, chỉ áp dụng đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận mà được miễn lệ phí trước bạ, sau đó được chuyển mục đích sử dụng đất mà thuộc diện phải nộp lệ phí.

– Cách tính lệ phí trước bạ:

Lệ phí trước bạ = (Giá đất tại bảng giá đất x Diện tích) x 0.5%

* Phí thẩm định hồ sơ

Phí thẩm định hồ sơ do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định nên:

– Không phải tỉnh thành nào cũng thu loại phí này.

– Nếu có thu thì mức thu giữa các tỉnh thành là không giống nhau.

7. Thời hạn nộp các khoản tiền vào ngân sách

Căn cứ khoản 4 và khoản 8 Điều 18 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, thời hạn nộp tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ như sau:

* Tiền sử dụng đất

– Chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất theo thông báo.

– Chậm nhất là 90 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền sử dụng đất còn lại theo thông báo.

* Lệ phí trước bạ: Thời hạn nộp lệ phí trước bạ chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày ban hành thông báo, trừ trường hợp người nộp thuế được ghi nợ lệ phí trước bạ.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Đất nông nghiệp bỏ hoang có được chuyển thành đất thổ cư? Chi phí chuyển đất nông nghiệp sang đất thổ cư 2023 là bao nhiêu?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120