Trong cuộc sống hôn nhân phát sinh rất nhiều khoản vay phát sinh nghĩa vụ trả nợ chung của vợ chồng. Nếu chồng vay tiền để đánh bạc vợ có phải trả không? Công ty TNHH Luật PT xin giải đáp thắc mắc này như sau:
Nợ trong thời kỳ hôn nhân
Các khoản nợ của vợ hoặc chồng được chia làm 2 loại: Nợ chung và nợ riêng.
Nợ chung là những khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và những khoản nợ này phát sinh từ giao dịch hằng ngày do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm, hoặc nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình.
06 trường hợp được quy định tại Điều 37 Luật HN&GĐ 2014 được xem là nợ chung của vợ chồng:
– Thứ nhất, khoản nợ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận hay nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
– Thứ hai, khoản nợ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
– Thứ ba, khoản nợ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
– Thứ tư, nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
– Thứ năm, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; và
– Thứ sáu, nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Khoản tiền vay nợ để đánh bạc trong thời kỳ hôn nhân là nợ chung hay riêng?
Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình quy định nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Theo đó, hai vợ chồng có các nghĩa vụ đối với các trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm.
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình.
Pháp luật quy định rằng những nghĩa vụ phát sinh việc sử dụng tài sản riêng nhưng nhằm mục đích duy trì, phát triển nên khối tài sản chung của vợ chồng hay để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình thì vợ chồng cùng phải trả.
Vậy nên, vay tiền để đánh bạc không phải giao dịch do hai vợ chồng thỏa thuận thực hiện, cũng không phải là giao dịch để đáp ứng nhu cầu thiết yếu hay phát triển khối tài sản chung của gia đình. Do đó có thể xác định rằng khoản tiền mà chồng hoặc vợ vay để đánh bạc là nợ riêng, không phát sinh nghĩa vụ trả nợ chung của cả hai vợ chồng.
Ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì bị xử lý như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng như sau:
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
…
đ) Lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách, pháp luật về dân số hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích chấm dứt hôn nhân”
Theo đó, việc lợi dụng ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ được xem là hành vi ly hôn giả tạo. Tuy nhiên trên thực tế việc chứng minh hành vi ly hôn giả tạo rất khó khăn, do đó trường hợp các cá nhân cho cả vợ chồng mượn nợ trong trường hợp vừa nêu, khi phát hiện họ đang thực hiện thủ tục ly hôn tại tòa án, chủ nợ phải khẩn trương có đơn yêu cầu tòa án nơi đang thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng vay nợ giải quyết buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ chung đã mượn.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Chồng vay tiền đánh bạc vợ có phải trả không?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!