Hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (2023)

Lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định như thế nào? Cấu thành tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự? Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng trên 20%/năm có phạm luật? Các vấn đề pháp lý trên sẽ được làm rõ trong bài viết này.

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

Thông tư số 18/2019/TT-NHNN

2. Lãi suất trong hợp đồng vay dân sự

cho vay nặng lãiĐiều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về lãi suất trong hợp đồng vay dân sự như sau:

Điều 468. Lãi suất

1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy, lãi suất giới hạn trong hợp đồng vay dân sự là không được vượt quá 20%/năm (tức 1,67%/tháng) của khoản tiền vay.

3. Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự

Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

Điều 201. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

  1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  2. Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Các yếu tố cấu thành tội phạm.

Khách thể

Khách thể của tội phạm này là trật tự quản lý kinh tế mà cụ thể là trật tự  trong lĩnh vực kinh doanh tiền tệ.

Mặt khách quan

Hành vi khách quan: Hành vi của người phạm tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là hành vi cho người khác vay tiền với lãi suất cao gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự 2015.

Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

“Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”.

Theo đó, lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 20%/năm. Như vậy, lãi suất gấp 05 lần trở lên lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự là 100%/năm trở lên.

Thủ đoạn mà người phạm tội cho vay lãi nặng thường là lợi dụng những người gặp hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bị thiên tai, bệnh tật hoặc những khó khăn khác cần gấp một số tiền lớn mà không có khả năng vay được chỗ nào khác để “ép” người vay phải chịu lãi suất cao.

Hậu quả: Hậu quả là điều kiện bắt buộc của tội phạm này. Hậu quả của tội cho vay nặng lãi là gây thiệt hại về tài sản cho người vay. Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì người cho vay phải thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi từ 30.000.000 đồng trở lên mới phạm tội.

Số tiền từ 300.000.000 đồng trở lên không bắt buộc là từ một người vay hay nhiều người vay, chỉ cần người cho vay thu lợi bất chính từ việc cho vay lãi nặng 300.000.000 đồng là đã thỏa mãn dấu hiệu về tội này.

Ngoài ra, trong trường hợp người có hành vi cho vay lãi nặng thu lợi bất chính dưới 30.000.000 đồng nhưng người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính về tội cho vay lãi nặng hoặc đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.

Mối quan hệ nhân quả: Mối quan hệ nhân quả là điều kiện bắt buộc của mọi tội phạm, nguyên nhân dẫn đến hậu quả phải là hành vi khách quan của tội phạm. Thiệt hại về tài sản của người vay phải từ hành vi cho vay nặng lãi gây ra chứ không phải từ nguyên nhân nào khác.

Chủ thể

Chủ thể của tội cho vay lãi nặng là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự. Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, bất cứ ai nếu thoả mãn các điều kiện quy định của pháp luật dều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên, tội phạm này là tội phạm ít nghiêm trọng, nên người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này

Mặt chủ quan

Phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp là trường hợp người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra.

Mục đích của người phạm tội là thu lợi bất chính từ việc cho vay nặng lãi, mục đích này luôn được đặt ra từ trước khi người phạm tội bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, tội phạm luôn nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình là sai trái và mong muốn hậu quả xảy ra để đạt được mục đích của mình.

Các khung hình phạt

–  Khung cơ bản: bị phạt tiền từ 50.000.000 đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

–  Khung tăng nặng thứ nhất: bị phạt tiền từ 200.000.000 đến 1.000.0000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

–  Hình phạt bổ sung : Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm.

4. Làm sao để kiện người cho vay nặng lãi?

Theo phân tích ở trên, nếu cho vay với số lãi vượt quá 20%/năm thì số lãi vượt quá đó sẽ không có hiệu lực. Do đó, bên vay có thể làm đơn khởi kiện, yêu cầu Tòa án tuyên bố phần lãi suất vượt quá vô hiệu.

Để khởi kiện bên cho vay, người vay phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau:

– Đơn khởi kiện;

– Bản sao hợp đồng vay tiền, giấy vay tiền…

– Bản sao chứng thực giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, căn cước công dân, sổ hộ khẩu… của người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan…

– Các tài liệu, chứng cứ khác.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên, người khởi kiện có thể nộp đến Tòa án có thẩm quyền thông qua cách nộp trực tiếp tại Tòa, gửi theo đường bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử thông qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

5. Các công ty tài chính cho vay tiêu dùng trên 20%/năm có phạm luật?

Như đã phân tích, lãi suất giới hạn trong hợp đồng vay dân sự là không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Tuy quy định này thường chỉ áp dụng với các cá nhân, tổ chức không phải ngân hàng hay tổ chức tín dụng. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng là những đối tượng đặc biệt chịu sự điều chỉnh của các luật chuyên ngành.

Cụ thể, lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính được quy định tại Điều 9 Thông tư 43, sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 12 Điều 1 Thông tư số 18/2019/TT-NHNN như sau:

1. Lãi suất cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

2. Công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất cho vay tiêu dùng áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống trong từng thời kỳ, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng.

3. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung khung lãi suất cho vay tiêu dùng, công ty tài chính phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi công ty tài chính đặt trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ báo cáo về khung lãi suất cho vay tiêu dùng theo Phụ lục số 04 ban hành kèm theo Thông tư này.

Pháp luật không có quy định cụ thể mức lãi suất trần và mức lãi suất tối đa của hình thức cho vay tiêu dùng qua các công ty tài chính. Tuy nhiên, lãi suất cho vay tiêu dùng do Công ty tài chính tự điều chỉnh phải được Ngân hàng Nhà nước thông qua và cho phép áp dụng.

Như vậy, mặc dù trên thực tế các công ty tài chính thường cho vay tiêu dùng với lãi suất khá cao, trên mức lãi suất tối đa Bộ luật Dân sự quy định là 20%/năm nhưng điều đó được coi không vi phạm pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? (2023)

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120