Chào các luật sư. Tôi có vấn đề cần tư vấn như sau: Tôi và vợ kết hôn năm 2015 nhưng trong quá trình chung sống hai bên có nhiều mâu thuẫn nên đã ly thân từ tháng 5 năm 2022. Hiện tại, tôi đang làm việc ở Nhật Bản nên chưa về làm thủ tục ly hôn được.
Trong quá trình chung sống, 2 vợ chồng tôi có một số tài sản chung bao gồm 2 mảnh đất và 1 xe ô tô. Chúng tôi có thể phân chia tài sản trước khi ly hôn được không? Nếu có thì cần làm những thủ tục nào? Xin cảm ơn luật sư!
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật PT. Nội dung câu hỏi của bạn Chúng tôi xin tư vấn như sau:
1. Căn cứ pháp lý
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
2. Quy định về chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Trường hợp của bạn, nếu hai vợ chồng bạn chưa ly hôn nhưng muốn thỏa thuận phân chia tài sản thì thực hiện thủ tục chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân theo quy định tại Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“Điều 38. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
1. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Luật này; nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Trong trường hợp vợ, chồng có yêu cầu thì Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật này.”
Như vậy, các bạn có quyền thoả thuận chia tài sản chung kể cả khi chưa ly hôn. Về nguyên tắc, tài sản chung của vợ chồng được chia như sau: Vợ, chồng tự thỏa thuận phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung hoặc Vợ, chồng yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ các trường hợp quy định tại Điều 42 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, cụ thể:
“Điều 42. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu
Việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân bị vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;
2. Nhằm trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
a) Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng;
b) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại;
c) Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản;
d) Nghĩa vụ trả nợ cho cá nhân, tổ chức;
đ) Nghĩa vụ nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước;
e) Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.”
Điều kiện chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
Điều kiện tiên quyết cần phải có để đạt được mục đích chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là phải có quan hệ hôn nhân, và trong thời kỳ hôn nhân vợ, chồng có tạo lập tài sản chung hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Điều kiện về tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định rõ tại Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật hôn nhân và gia đình 2014:
“1. Tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định tại Điều 34 của Luật Hôn nhân và gia đình bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.
2. Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ, chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.
3. Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng
thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung”
Hậu quả pháp lý chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân
Hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được quy định rõ tại Điều 14 Nghị định 126/2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân và gia đình:
“Điều 14. Hậu quả của việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân
1. Việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân không làm chấm dứt chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định.
2. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu vợ chồng không có thỏa thuận khác thì phần tài sản được chia; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó; hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng khác của vợ, chồng là tài sản riêng của vợ, chồng.
3. Từ thời điểm việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực, nếu tài sản có được từ việc khai thác tài sản riêng của vợ, chồng mà không xác định được đó là thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh của vợ, chồng hay là hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng đó thì thuộc sở hữu chung của vợ chồng.”
3. Thủ tục phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân
3.1. Chia tài sản chung theo thoả thuận của các bên
Về mặt thủ tục, các bạn cần chú ý thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, đối với văn bản được soạn thảo sẵn, việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo Điều 40 Luật Công chứng 2014:
“Điều 40. Công chứng hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn
1. Hồ sơ yêu cầu công chứng được lập thành một bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
a) Phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo; tên tổ chức hành nghề công chứng, họ tên người tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng, thời điểm tiếp nhận hồ sơ;
b) Dự thảo hợp đồng, giao dịch;
c) Bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng;
d) Bản sao giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản đó;
đ) Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có.
2. Bản sao quy định tại khoản 1 Điều này là bản chụp, bản in hoặc bản đánh máy có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải chứng thực.
3. Công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
4. Công chứng viên hướng dẫn người yêu cầu công chứng tuân thủ đúng các quy định về thủ tục công chứng và các quy định pháp luật có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng, giao dịch; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc tham gia hợp đồng, giao dịch.
5. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng, giao dịch có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc đối tượng của hợp đồng, giao dịch chưa được mô tả cụ thể thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.
6. Công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng, giao dịch; nếu trong dự thảo hợp đồng, giao dịch có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng, giao dịch không phù hợp với quy định của pháp luật thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.
Trường hợp người yêu cầu công chứng không sửa chữa thì công chứng viên có quyền từ chối công chứng.
7. Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng, giao dịch hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe theo đề nghị của người yêu cầu công chứng.
8. Người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng, giao dịch thì ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch. Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.”
Bước 1: Hai bên chuẩn bị hồ sơ:
– Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản có thể hai bên tự lập và thể hiện ra văn bản cụ thể trước khi đến văn phòng công chứng (hoặc có thể sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng tại văn phòng công chứng)
– Giấy chứng nhận quyền tài sản: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; giấy chứng nhận đăng ký xe;…
– Giấy đăng ký kết hôn
– Giấy tờ chứng minh nhân thân
– Sổ hộ khẩu
Bước 2: Hai bên đến phòng công chứng nơi có đất nếu tài sản phân chia là đất đai, hoặc văn phòng công chứng nơi cư trú của một trong các bên nếu là tài sản khác và thực hiện theo hướng dẫn của công chứng viên
3.2. Vợ, chồng yêu cầu Toà án giải quyết việc chia tài sản chung
Nếu các bên không thể thỏa thuận được thì việc phân chia tài sản sẽ được giải quyết tại Tòa án nếu một trong các bên có yêu cầu. Khi đó, Tòa án sẽ phân chia tài sản của các bên như giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Một trong các bên sẽ nộp đơn khởi kiện phân chia tài sản hoặc cả hai bên làm đơn yêu cầu phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. Nộp tiền án phí, lệ phí theo yêu cầu để được thụ lý hồ sơ.
Bước 2: Sau khi tiến hành thụ lý hồ sơ, tòa án sẽ căn cứ vào các yếu tố sau để tiến hành giải quyết phân chia tài sản:
a) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
b) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
c) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
d) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.
Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của bạn.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!