Trường hợp nào chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại theo quy định pháp luật hiện hành năm 2022?
Trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của người bị hại. Vậy, những trường hợp chỉ được khởi tố theo yêu cầu của bị hại là gì?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
1. Căn cứ để khởi tố vụ án hình sự:
Khởi tố là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự thể hiện qua quyết định khởi tố. Việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được thực hiện khi có dấu hiệu của tội phạm.
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về Căn cứ khởi tố vụ án hình sự:
“Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
- Tố giác của cá nhân;
- Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
- Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
- Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
- Người phạm tội tự thú.”
Theo đó, pháp luật quy định chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ nêu trên.
-
Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
Căn cứ theo Điều 153 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự như sau:
“Điều 153. Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự
- Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 của Bộ luật này.
- Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
a) Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
b) Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
c) Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
4. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.”
Theo đó, pháp luật quy định:
– Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết quy định.
– Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp quy định tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
“Điều 164. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
- Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực và địa bàn quản lý của mình thì các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lý lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tiến hành điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
2. Trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, ngoài các Cơ quan điều tra quy định tại Điều 163 của Bộ luật này, các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong khi làm nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện sự việc có dấu hiệu tội phạm thì có quyền khởi tố vụ án hình sự, tiến hành hoạt động điều tra ban đầu và chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.
3. Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 39 và Điều 40 của Bộ luật này và thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tố tụng đối với hoạt động điều tra do Bộ luật này quy định. Viện kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra của các cơ quan này.
4. Thẩm quyền điều tra cụ thể của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự.”
Bao gồm:
Các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và cơ quan khác của Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
– Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp:
+ Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
+ Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
+ Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.
– Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.
3. Quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi 2021) quy định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau:
“Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
- Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 156 của Bộ Luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
- Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
- Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.”.
4. Những trường hợp nào chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại?
Trong một số trường hợp, cơ quan có thẩm quyền chỉ được khởi tố vụ án hình sự khi có yêu cầu của bị hại. Cụ thể, theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi 2021.
Theo đó, chỉ được khởi tố vụ án hình sự tại khoản 1 các tội sau đây khi có yêu cầu của bị hại:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh;
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;
– Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính;
– Tội hiếp dâm;
– Tội cưỡng dâm;
– Tội làm nhục người khác;
– Tội vu khống.
Với các tội danh khác, chỉ cần có dấu hiệu tội phạm thì các cơ quan có thẩm quyền (cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án) hoàn toàn có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Ngoài ra, trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do: Bị ép buộc, cưỡng bức…
Cụ thể:
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;
Hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
– Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
– Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
– Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
– Có tổ chức;
– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
– Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
– Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
– Có tính chất côn đồ;
– Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Theo khoản 1 Điều 135 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó;
Hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội
Theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ tội phạm như sau:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
Hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
Theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức của người khác như sau:
Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
Theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau:
Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội hiếp dâm
Theo khoản 1 Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về tội hiếp dâm như sau:
Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội cưỡng dâm
Theo khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội cưỡng dâm như sau:
Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội làm nhục người khác
Theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội làm nhục người khác như sau:
Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Trường hợp chỉ khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại về tội vu khống
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
– Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
– Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự chỉ được khởi tố nếu có yêu cầu của bị hại nếu thuộc các trường hợp theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực hình sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120