Công ty Luật TNHH PT xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:
Căn cứ pháp lý
Lãi suất nợ quá hạn là gì?
Hiện nay, pháp luật không có quy định nào giải thích cụ thể về lãi suất nợ quá hạn. Tuy nhiên căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 thì có thể hiểu rằng lãi suất nợ quá hạn là khoản tiền lãi phát sinh trên khoản nợ gốc quá hạn chưa trả tương ứng với thời gian chậm trả mà người vay phải trả cho bên cho vay tính đến thời điểm trả nợ.
Lãi suất nợ quá hạn là tỷ lệ phần trăm nhất định sinh ra từ giao dịch cho vay giữa các bên khi bên vay chưa trả được nợ cho bên cho vay. Cụ thể, lãi suất sẽ được tính theo tỷ lệ phần trăm nhân với số tiền gốc chưa trả trong thời gian quá hạn mà chưa trả.
Mức lãi suất nợ quá hạn tối đa hiện nay là bao nhiêu?
Căn cứ tại khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
[…]
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ
Như vậy, từ các quy định trên, mức lãi suất nợ quá hạn tối đa hiện nay được xác định theo các trường hợp như sau:
– Lãi suất nợ quá hạn do các bên tự thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất nợ quá hạn tối đa là 10%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp các bên không có sự thỏa thuận thì lãi suất quá hạn được tính bằng 150% tương đương 1,5 lãi suất vay theo hợp đồng vay.
*Lưu ý rằng: Theo quy định tại Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP, các tổ chức tín dụng không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự 2015. Do đó, lãi suất nợ quá hạn mà các tổ chức tín dụng ấn định có thể vượt quá 20%/năm.
Chậm trả nợ cho ngân hàng thì lãi suất được tính như thế nào?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
+ Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
+ Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
+ Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Lãi suất nợ quá hạn là gì? Mức lãi suất nợ quá hạn tối đa hiện nay là bao nhiêu?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!