Căn cứ pháp lý
Hóa đơn giá trị gia tăng là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 51/2010/NĐ-CP, “hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa hoặc dịch vụ theo quy định của pháp luật” Bên cạnh đó, theo khoản 4 Điều 4 Nghị định này, hóa đơn hợp pháp là hóa đơn đảm bảo đúng và đầy đủ về hình thức, nội dung theo quy định.
Hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) là loại hóa đơn được sử dụng để ghi nhận thông tin về việc bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ, đồng thời thể hiện số thuế GTGT phải nộp cho ngân sách nhà nước. Loại hóa đơn này được áp dụng tại các tổ chức, cá nhân kinh doanh đang khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ.
Đặc điểm của hóa đơn GTGT là có màu đỏ đặc trưng (thường được gọi là hóa đơn đỏ) để giúp phân biệt với các loại hóa đơn khác. Hóa đơn phải được lập theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Các trường hợp phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về các loại hóa đơn như sau:
“(1) Hóa đơn GTGT là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được xem như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài.
(2) Hóa đơn bán hàng là hóa đơn dành cho các tổ chức, cá nhân như:
a. Tổ chức, cá nhân kê khai, tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được xem như xuất khẩu;
– Xuất khẩu hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài;
b. Tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ vào nội địa và khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan với nhau, xuất khẩu hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài và trên hóa đơn phải ghi rõ “Dành cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan”.
(3) Hóa đơn điện tử bán tài sản công được sử dụng khi bán các loại tài sản sau:
– Tài sản công tại cơ quan/tổ chức/đơn vị (gồm cả nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước);
– Tài sản kết cấu hạ tầng;
– Tài sản công được Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Tài sản của dự án sử dụng vốn Nhà nước;
– Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân;
– Tài sản công bị thu hồi theo quyết định của cơ quan hoặc người có thẩm quyền;
– Vật tư, vật liệu thu hồi được từ việc xử lý tài sản công.
(4) Hóa đơn điện tử bán hàng dự trữ quốc gia được sử dụng khi các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống cơ quan dự trữ Nhà nước bán hàng dự trữ quốc gia theo quy định.
(5) Các loại hóa đơn khác, cụ thể:
– Tem, vé, thẻ có hình thức và nội dung quy định tại Nghị định này;
– Phiếu thu tiền cước vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này có hình thức, nội dung được lập theo thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật liên quan;
(6) Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho gửi bán đại lý;
(7) Bộ Tài chính hướng dẫn mẫu hiển thị các loại hóa đơn để các đối tượng nêu tại Điều 2 Nghị định này tham khảo thực hiện.”
Như vậy, hóa đơn GTGT là hóa đơn dành cho các tổ chức khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được sử dụng cho các hoạt động:
– Bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ trong nội địa;
– Hoạt động vận tải quốc tế;
– Xuất vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu
– Xuất khẩu hàng hóa và cung cấp dịch vụ ra nước ngoài
Thời điểm lập hóa đơn GTGT
Theo quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng như sau:
– Thời điểm lập hóa đơn GTGT đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền;
– Thời điểm lập hóa đơn giá trị gia tăng đối với hoạt động cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu tiền;
– Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa và dịch vụ được giao tương ứng.
Ngoài ra, còn một số trường hợp cụ thể được quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Hóa đơn giá trị gia tăng?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!