Khái niệm, đặc điểm về bồi thường do xâm phạm sức khỏe, tính mạng

Khái niệm về thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng. Khái niệm, đặc điểm, ý nghĩa quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng. Công ty Luật TNHH PT chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này như sau:

Căn cứ pháp lý:

Bộ luật Dân sự năm 2015

Khái niệm, đặc điểm về bồi thường do xâm phạm sức khỏe, tính mạng

Khái niệm về thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng:

Dưới góc độ ngôn ngữ học, theo từ điển tiếng Việt: thiệt hại có nghĩa là “Bị mất mát về người, về của cải vật chất hoặc tinh thần”, dưới góc độ khoa học pháp lý, thiệt hại được hiểu là những tổn thất, mất mát về sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân; tài sản, danh dự, uy tín của pháp nhân hoặc chủ thể khác được pháp luật bảo vệ.

Theo giáo trình Luật dân sự 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội: “thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng,… của cá nhân”.

Như vậy từ các phân tích nêu trên chúng ta có thể đưa ra khái niệm: thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là những tổn hại, suy giảm về sức khỏe và mất mát về thể chất của con người do bị người khác hoặc tài sản mà họ đang quản lý xâm phạm.

Thiệt hại do xâm phạm sức khỏe và tính mạng có thể được chia làm hai phần đó là thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Theo quy định tại khoản 2 Điều 590 và khoản 2 Điều 591 Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015:

“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.”

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này”

Theo đó thiệt hại về vật chất là thiệt hại thực tế có thể trị giá được bằng tiền và có căn cứ để chứng minh về sự mất mát, giảm sút về lợi ích vật chất hay những chi phí ngăn chặn, khắc phục thiệt hại của người bị thiệt hại. Như vậy, trách nhiệm BTTH về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Thiệt hại về tinh thần là thiệt hại phi vật chất và khó đưa ra tính toán, cân đo, đong đếm được một cách chính xác. Về cơ bản, tổn thất về tinh thần được hiểu là sự suy sụp về tâm lý, sự đau đớn phải gánh chịu, hoang mang, lo lắng, đau thương,… đối với sự mất mát trên cơ thể mình hoặc cái chết đối với người bị thiệt hại.

Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.

Khái niệm về bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng:

Bồi thường thiệt hại là một trong những trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những hậu quả bất lợi về tài sản của người gây ra thiệt hại để bù đắp những thiệt hại mà họ đã gây ra cho người khác.

Khái niệm, đặc điểm về bồi thường do xâm phạm sức khỏe, tính mạng

Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng nói riêng được BLDS năm 2015 quy định tại chương XX về trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, chương XX không nêu rõ khái niệm trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng hay trách nhiệm BTTH do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là gì mà chỉ nêu lên căn cứ phát sinh trách nhiệm, nguyên tắc bồi thường, năng lực chịu trách nhiệm,…

Tiếp cận dưới góc độ khoa học pháp lý chúng ta thấy rằng, mỗi người sống trong xã hội đều phải tôn trọng quy tắc chung của xã hội, không thể vì lợi ích của mình mà xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Khi một người vi phạm nghĩa vụ pháp lý của mình gây tổn hại cho người khác thì chính người đó phải chịu bất lợi do hành vi của mình gây ra.

Sự gánh chịu một hậu quả bất lợi bằng việc bù đắp tổn thất cho người khác được hiểu là bồi thường thiệt hại. Như vậy trách nhiệm được hiểu là bổn phận của bên gây thiệt hại phải bồi thường cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường và từ nghĩa vụ phải BTTH tạo ra quan hệ nghĩa vụ tương ứng.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là loại trách nhiệm dân sự phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc hợp đồng mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng,… của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Như vậy, bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là quan hệ phát sinh từ hậu quả của hành vi trái pháp luật xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây ra thiệt hại phải bù đắp những tổn thất về vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại hoặc những người thân của họ.

Từ những phân tích ở trên, có thể đưa ra khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác như sau:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng là một loại trách nhiệm dân sự phát sinh khi một người có hành vi vi phạm pháp luật (kể cả vi phạm về quản lý để tài sản gây thiệt hại) xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác thì phải bồi thường thiệt hại.

Đặc điểm của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng:

Ngoài những đặc điểm của trách nhiệm pháp lý nói chung như do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng, áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật, luôn mang đến hậu quả bất lợi cho người bị áp dụng, được đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước… thì trách nhiệm BTTH do xâm phạm sức khỏe, tính mạng có những đặc điểm chung sau đây:

Về cơ sở pháp lý: Trách nhiệm BTTH là một loại trách nhiệm Dân sự và chịu sự điều chỉnh của pháp luật Dân sự. Khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì họ phải bồi thường thiệt hại và bồi thường thiệt hại chính là một quan hệ tài sản do Luật Dân sự điều chỉnh và được quy định trong BLDS năm 2015 ở Chương XX và các văn bản hướng dẫn thi hành BLDS.

Về điều kiện phát sinh: trách nhiệm BTTH chỉ đặt ra khi thoả mãn các điều kiện nhất định đó là: Có thiệt hại xảy ra, có hành vi trái pháp luật, có mối nhân quả giữa hành vi trái pháp luật gây thiệt hại với thiệt hại xảy ra, có lỗi của người gây thiệt hại (không phải là điều kiện bắt buộc). Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm của một người phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt trách nhiệm BTTH có thể phát sinh khi không có đủ các điều kiện trên điển hình là các trường hợp bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Về hậu quả: trách nhiệm BTTH luôn mang đến một hậu quả bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Bởi lẽ, khi một người gây ra tổn thất cho người khác thì tổn thất đó phải tính toán được bằng tiền hoặc phải được pháp luật quy định là một đại lượng vật chất nhất định nếu không sẽ không thể thực hiện được việc bồi thường.

Do đó, những thiệt hại về tinh thần mặc dù không thể tính toán được nhưng cũng sẽ được xác định theo quy định của pháp luật để bù đắp lại tổn thất cho người bị thiệt hại. Và cũng chính vì vậy, thực hiện trách nhiệm bồi thường sẽ giúp khôi phục lại thiệt hại cho người bị thiệt hại.

Về chủ thể bị áp dụng trách nhiệm: Ngoài người trực tiếp có hành vi gây thiệt hại thì trách nhiệm BTTH còn được áp dụng cả đối với những chủ thể khác đó là cha, mẹ của người chưa thành niên, người giám hộ của người được giám hộ, pháp nhân đối với người của pháp nhân gây ra thiệt hại, trường học, bệnh viện trong trường hợp người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại hoặc tổ chức khác như cơ sở dạy nghề…

Ngoài những đặc điểm chung của TNBTTH ngoài hợp đồng, TNBTTH do xâm phạm sức khỏe, tính mạng cũng có những đặc điểm riêng biệt sau:

Thứ nhất, chỉ phát sinh khi có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của con người.

Có nhiều loại trách nhiệm phát sinh ngay khi có hành vi vi phạm xảy ra, mặc dù hành vi đó chưa gây ra hậu quả (ví dụ hành vi trộm cắp nhưng chưa đưa được tài sản ra ngoài phạm vi nhà của bị hại). Còn đối với trách nhiệm BTTH do xâm phạm sức khỏe, tính mạng chỉ phát sinh nếu đã có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng đối với một chủ thể nhất định.

Tức là sự vi phạm phải gây ra thiệt hại về mặt sức khỏe hoặc tính mạng cho người bị vi phạm. Nếu chỉ có hành vi vi phạm pháp luật nhưng không có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng sẽ không đặt ra.

Thứ hai, lỗi không phải là điều kiện bắt buộc phải chứng minh.

Đối với trường hợp bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, người bị thiệt hại không cần phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại. Thực tế cho thấy, lỗi là yếu tố gắn liền với hành vi trái pháp luật và có ý thức của con người.

Do đó, trong trường hợp tài sản gây thiệt hại thì bản thân tài sản không thể bị coi là có lỗi, bởi vì hoạt động gây thiệt hại của tài sản không thể coi là một hành vi có ý thức. Chính vì vậy lỗi không phải là điều kiện bắt buộc phải chứng minh của người bị thiệt hại.

Thứ ba, Thiệt hại xảy ra khi bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe bao gồm cả thiệt hại vật chất và thiệt hại về tinh thần.

Khác với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khác, người gây thiệt hại thường chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác phải chịu trách nhiệm cả vật chất lẫn tinh thần, cả thiệt hại trực tiếp dẫn gián tiếp.

Thứ tư, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe không phát sinh đối với chủ thể là pháp nhân.

Điều này xuất phát từ các đặc điểm bản chất của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người nên trong quan hệ này, chủ thể là pháp nhân chỉ có thể đóng vai trò là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không thể là chủ thể được bồi thường thiệt hại.

Ý nghĩa của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm sức khỏe, tính mạng:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về về sức khỏe, tính mạng là chế định quan trọng nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người. Hiến pháp và các văn bản pháp luật khác luôn ghi nhận và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các chủ thể là cá nhân trong đó có quyền được bảo đảm về sức khỏe và tính mạng.

Thông qua việc quy định căn cứ phát sinh, nguyên tắc bồi thường, cách xác định trách nhiệm và mức bồi thường. thì chế định bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của con người.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng góp phần đảm bảo công bằng xã hội. Bằng việc buộc người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do có sự xâm phạm đến sức khỏe và tính mạng của người khác, chế định này đã cụ thể hóa và thể hiện rất rõ nguyên tắc công bằng trong bồi thường thiệt hại, góp phần bảo đảm công bằng xã hội. Đây cũng là nguyên tắc, là mục tiêu mà pháp luật đặt ra.

Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng là chế định góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, gây thiệt hại trái pháp luật nói riêng. Thông qua chế định bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cùng với việc vận dụng chế định này để giải quyết các tranh chấp liên quan giúp cho những người có thể sẽ vi phạm phải cẩn trọng hơn trong việc thực hiện các hành vi của mình, không còn tình trạng sử dụng vũ lực để xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác một cách tùy tiện.

Đối với chúng ta hiện nay, sức khỏe con người luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Qua đó bằng các biện pháp răn đe, giáo dục, xử phạt người vi phạm sẽ góp phần hạn chế được những vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của người dân. Đồng thời, giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác, phòng ngừa các hành vi vi phạm khác.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Khái niệm, đặc điểm về bồi thường do xâm phạm sức khỏe, tính mạng

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120