Tranh chấp tài sản sau ly hôn là gì?
Tranh chấp tài sản sau ly hôn là việc tranh chấp các vấn đề liên quan đến tài sản của vợ chồng mà tại thời điểm khi ly hôn không yêu cầu Tòa án giải quyết. Đó thường là các tranh chấp chia tài sản là bất động sản.
Trong trường hợp nếu đã áp dụng nhiều biện pháp để thỏa thuận như thương lượng, hòa giải giữa hai vợ chồng mà tài sản chung của vợ chồng vẫn không phân chia được thì một trong hai bên có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để đề nghị Tòa án giải quyết tranh chấp tài sản sau ly hôn.
Các loại tranh chấp tài sản sau ly hôn
1. Tranh chấp xác định tài sản riêng của vợ hoặc chồng
Đối với những tài sản mà một bên cho rằng đó là tài sản riêng của bên nào thì phải có nghĩa vụ chứng minh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 33 Luật hôn nhân gia đình 2014 thì: “Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Như vậy đối với những tranh chấp trong đó có việc xác định tài sản riêng của vợ/chồng thì vợ/chồng cần phải đưa các chứng cứ chứng minh rằng tài sản đó thuộc sở hữu riêng hợp pháp của mình, nếu không chứng minh được thì đương nhiên đó là tài sản chung và chia theo nguyên tắc chung.
2. Tranh chấp chia tài sản chung vợ chồng
Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn gồm có:
– Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung, được tặng cho chung, tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
– Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn, trừ các tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc tài sản phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản vợ, chồng đang tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Tranh chấp tài sản chung sau ly hôn của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố khác như:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
– Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Việc tranh chấp tài sản sau ly hôn của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
3. Tranh chấp về việc xác định nghĩa vụ tài sản
Đối với các cặp vợ, chồng áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản được xác định dựa vào sự thỏa thuận của hai bên thể hiện trong văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ, chồng. Chỉ trong trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận về nghĩa vụ tài sản hoặc thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng dẫn đến không thực hiện được trên thực tế thì khi đó nghĩa vụ chung, nghĩa vụ riêng về tài sản lại được thực hiện theo các quy định tương ứng trong chế độ tài sản theo luật định.
Tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn sẽ tồn tại những loại tranh chấp trên. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần đều là những tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi có bất động sản khác với nơi bị đơn cư trú
Trong trường hợp này, cần phải nhận định đúng bản chất của vụ án để từ đó có thể xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Trong thực tế, hiện có 02 ý kiến sau:
– Đối với tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn mà đối tượng tranh chấp là bất động sản: căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định rằng đối tượng tranh chấp là bất động sản thì Tòa án nơi có bất động sản sẽ có thẩm quyền giải quyết.
– Đối với tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn mà đối tượng tranh chấp là bất động sản: về mặt bản chất, đây vẫn là tranh chấp thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Vì vậy, Tòa án nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết
Để tránh mâu thuẫn trong việc hiểu rõ bản chất của vụ tranh chấp, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử, trong đó có đề cập đến trường hợp nơi có bất động sản – đối tượng tranh chấp sau khi ly hôn và nơi cư trú của bị đơn khác nhau.
Theo đó, tại Điều 7 Mục III Công văn số 212/TANDTC-PC quy định rằng:
“7. Trường hợp vụ án tranh chấp chia tài sản là bất động sản sau khi ly hôn mà nơi cư trú của bị đơn và nơi có bất động sản tranh chấp khác nhau thì Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tranh chấp chia tài sản sau khi ly hôn là tranh chấp về hôn nhân và gia đình.
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: “Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này”.
Trường hợp này, quan hệ hôn nhân chấm dứt do vợ chồng đã ly hôn, nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 28 của Bộ luật Tố tụng dân sự, nên căn cứ các quy định nêu trên thì Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc có thẩm quyền giải quyết.”
Đối với trường hợp tranh chấp này, mặc dù quan hệ hôn nhân đã chấm dứt do vợ chồng ly hôn nhưng tranh chấp tài sản sau ly hôn vẫn là tranh chấp hôn nhân và gia đình. Cho nên theo quy định tại Điều 28 và Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án nơi bị đơn cư trú sẽ có thẩm quyền giải quyết.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Tranh chấp tài sản là bất động sản sau ly hôn mà nơi có bất động sản khác với nơi cư trú (2023)
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!