Trước khi phiên xét xử diễn ra có được rút đơn ly hôn không?
Theo khoản 1 Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự như sau:
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.”
Bên cạnh đó, theo điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự như sau:
1. Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
…”
Ngoài ra, sau khi nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn rút đơn khởi kiện thì theo quy định tại khoản g Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện.”
Đối chiếu quy định trên, như vậy, sau khi Tòa án thụ lý yêu cầu ly hôn thì nguyên đơn có thể rút đơn xin ly hôn. Lúc này, thẩm phán sẽ trả lại đơn ly hôn và đình chỉ giải quyết vụ án.
Sau khi thụ lý vụ án có được rút đơn ly hôn không?
Theo Điều 244 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định việc xem xét việc thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu như sau:
1. Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu.
2. Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút.
Theo đó, nếu rút đơn yêu cầu ly hôn và xét thấy việc rút đơn là tự nguyện thì Hội đồng xét xử sẽ chấp nhận và đình chỉ xét xử với phần hoặc toàn bộ yêu cầu đã được rút. Khi đơn xin ly hôn được rút thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện và các chứng cứ kèm theo.
Rút đơn ly hôn có được lấy lại được tiền tạm ứng án phí không?
Căn cứ khoản 3 Điều 18 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định xử lý tạm ứng án phí, án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, lệ phí Tòa án như sau:
3. Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật tố tụng dân sự, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 472 của Bộ luật tố tụng dân sự hoặc đình chỉ giải quyết vụ án hành chính theo quy định tại điểm b, c, e, d, g và h khoản 1 Điều 143 của Luật tố tụng hành chính thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp.
Như vậy, số tiền tạm ứng án phí đã nộp sẽ chỉ được trả lại cho nguyên đơn nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của mình.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Rút đơn ly hôn
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!