Khi nào một người bị tuyên bố mất tích theo Bộ luật Dân sự 2015?
Luật sư cho tôi hỏi, theo quy định hiện hành, khi nào một người bị tuyên bố mất tích? Sau khi tuyên bố mất tích, tài sản của người đó quản lý thế nào?
Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:
1. Khi nào một người bị tuyên bố mất tích?
Căn cứ theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 về Tuyên bố mất tích:
“Điều 68. Tuyên bố mất tích
- Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định đ ược ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.
- Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
- Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Theo đó, pháp luật quy định Tòa án tuyên bố một người mất tích khi có các điều kiện sau:
Điều kiện về thời gian biệt tích: Cá nhân đã biệt tích hai năm liền trở lên và không có một tin tức nào về người đó còn sống hay đã chết. Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Thời hạn 02 năm này phải có tính liên tục, không bị ngắt quãng, gián đoạn.
Có nghĩa là nếu một người vắng mặt tại nơi cư trú khoảng 1 năm sau đó có một tin tức rằng người đó vẫn sống tại một nơi khác rồi sau đó lại biệt tích 1 năm nữa thì không thể tính cộng hai khoảng thời gian đó lại thành 2 năm được.
Về cách tính thời hạn như sau: Trước tiên, thời hạn 2 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó. Việc xác định thời hạn này được tính trên cơ sở người có quyền, lợi ích liên quan hoặc những người thân thích của người biệt tích nhớ rõ và có bằng chứng chứng minh đúng ngày tháng năm có tin tức của người biệt tích. Khi không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức.
Nếu không xác định được tháng thì sẽ tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Những người có quyền và lợi ích liên quan có phải đưa ra các bằng chứng tùy theo từng trường hợp cụ thể để chứng minh rằng vào những thời điểm nói trên (ngày có tin tức cuối cùng, tháng, năm…) có chứng cớ xác định rằng có tin tức của người biệt tích vào thời điểm đó, và đó là thời điểm để xác định thời hạn của người biệt tích.
Các bằng chứng có thể là các loại giấy tờ, văn bản, thư từ hoặc người làm chứng. Trên cơ sở đó, Tòa án mới xem xét và xác định tính xác thực của các bằng chứng để xác định thời hạn cho từng trường hợp cụ thể và thực hiện các thủ tục cần thiết để tuyên bố một người bị mất tích.
Điều kiện có đơn yêu cầu tuyên bố cá nhân mất tích: Người có quyền, lợi ích liên quan có đơn yêu cầu gửi đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu tuyên bô cá nhân đó bị mất tích. Trên cơ sở đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan này, Toà án sẽ xem xét và ra tuyên bố phù hợp.
Người có quyền và lợi ích liên quan có thể là những chủ thể có liên quan đến các lợi ích vật chất, điển hình là tài sản đối với cá nhân mất tích hoặc liên quan đến nhân thân (đặc biệt trong quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng).
Sau khi đáp ứng được thời gian biệt tích luật định, người có quyền, lợi ích liên quan mới có quyền gửi đơn yêu cầu đến toà án có thẩm quyền và đương nhiên phải có các bằng chứng chứng minh thời gian biệt tích này.
Điều kiện về thông báo tìm kiếm thông tin: Trên cơ sở đơn yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan tuyên bố một cá nhân mất tích, Toà án có thẩm quyền tiến hành thủ tục tìm kiếm thông tin. Thủ tục này nhằm mục đích đảm bảo cá nhân đó thực sự bị biệt tích và không có ai có thông tin xác thực về nơi cá nhân này đang sinh sống.
Đồng thời, quy trình tìm kiếm thông tin cũng giúp chính cá nhân đang được yêu cầu tuyên bố mất tích có điều kiện nắm bắt được nhu cầu của các chủ thể có quyền, lợi ích liên quan tìm kiếm mình. Pháp luật hiện hành quy định, việc tìm kiếm thông tin cá nhân đang được yêu cầu tuyên bố mất tích này phải được đăng trên các kênh thông tin quốc gia trong ba số liên tiếp.
Điều kiện có tuyên bố của Toà án về cá nhân mất tích: Khi thoả mãn các điều kiện nêu trên, Toà án xem xét và ra quyết định tuyên bố cá nhân được yêu cầu có mất tích hay không.
Nếu Toà án ra quyết định tuyên bố cá nhân đó mất tích thì lúc đó, cá nhân mới chính thức trở thành người bị tuyên bố mất tích và dẫn đến một số hậu quả pháp lý nhất định như về quản lý tài sản, quan hệ hôn nhân hoặc tư cách chủ thể. Trường hợp nếu đã có quyết định trước đó của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sau quyết định đó.
2. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Căn cứ theo quy định tại Điều 69 Bộ luật Dân sự 2015 về Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích:
“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích
Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Theo đó, pháp luật quy định người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 Bộ luật Dân sự 2015.
Trong đó, Điều 65 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:
“Điều 65. Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
- Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý:
a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;
b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;
c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.
2. Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”
Điều 66 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
“Điều 66. Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
- Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.
- Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.
- Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.
- Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.”
Điều 66 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về NQuyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:
“Điều 67. Quyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú
- Quản lý tài sản của người vắng mặt.
- Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.
- Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt.”
Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.
3. Trường hợp hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích
Trường hợp hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích quy định tại Điều 70 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
– Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.
– Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.
– Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.
– Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
4. Khi nào một người bị tuyên bố là đã chết
Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
– Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
– Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
– Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
– Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015.
Căn cứ vào các trường hợp quy định nêu trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.
Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Hotline: 0888181120