Con cái có nghĩa vụ trả nợ thay cha mẹ hay không? (2023)

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật Dân sự 2015

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014

2. Quy định về nghĩa vụ trả nợ thay cha mẹ của con cái

trả nợ thayTheo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, không có căn cứ nào quy định về nghĩa vụ trả nợ thay của con cái đối với cha mẹ.

Tại Điều 463, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản là sự tự “thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi tới hạn trả, bên vay phải trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng và chỉ phải trả lãi nếu có.

Điều 463. Hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Trường hợp, gia đình mất khả năng chi trả mà có tài sản thế chấp thì dùng tài sản thế chấp để giải quyết nợ. Trường hợp, mất khả năng cũng như không có tài sản thế chấp

(nhà, đất…) thì bên cho vay có thể phải chịu rủi ro không đòi lại được số tiền.

Bên cạnh đó, Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của con như sau:

Được cha mẹ thương yêu, tôn trọng, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của pháp luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức.

Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc.

Con chưa thành niên tham gia công việc gia đình phù hợp với lứa tuổi và không trái với quy định của pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình. Khi sống cùng với cha mẹ, con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

Được hưởng quyền về tài sản tương xứng với công sức đóng góp vào tài sản của gia đình.

Do đó, theo quy định của pháp luật hiện nay thì chưa có quy định nào về việc trả nợ là nghĩa vụ bắt buộc của con cái. Việc con cái trả nợ cho cha mẹ là dựa trên sự tự nguyện trừ trường hợp con cái bảo lãnh khoản vay của cha mẹ và thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.

3. Các trường hợp con cái phải trả nợ thay cha mẹ

Trong 02 trường hợp sau đây, người con phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho cha mẹ:

Trường hợp 1: Khi con cái là người bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ.

Căn cứ theo Điều 335 Bộ luật Dân sự 2015 thì Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với người cho vay sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay nếu đến thời hạn mà bên vay không thực hiện được hoặc thực hiện không đúng.

Như vậy, nếu người con bảo lãnh cho khoản vay của cha mẹ thì khi đến thời hạn thỏa thuận mà cha mẹ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ thì người con sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay.

Trường hợp 2: Con trả nợ thay nếu nhận di sản thừa kế từ cha mẹ

Căn cứ Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như sau:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

 3. Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

 4. Trường hợp người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Nếu bố mẹ qua đời, để lại di sản cho những người hưởng di sản thừa kế, thì những người này phải thực hiện các nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Đồng nghĩa với việc khi cha mẹ mất thì những khoản nợ ngân hàng khi còn sống của họ, con cái có nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản do người chết để lại, nếu như không có thỏa thuận gì khác về vấn đề này.

Khi đó, người con sẽ dùng chính di sản thừa kế mà mình được hưởng từ cha, mẹ để trả nợ. Tuy nhiên, người con chỉ phải trả nợ trong phạm vi giá trị tài sản được nhận thừa kế. Trường hợp cha mẹ chết không có bất cứ di sản nào để lại, thì con cái không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ đó.

4. Không nhận thừa kế, có phải trả nợ thay cha mẹ đã chết?

Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho đến thời điểm hiện tại pháp luật không hề có điều luật nào quy định việc vay nợ của người này mà người khác phải gánh vác hay trả nợ thay.

Pháp luật dân sự quy định về trường hợp con cái không được nhận thừa kế từ cha mẹ khi con cái từ chối nhận di sản quy định tại Điều 620 Bộ luật Dân sự hiện hành:

– Con cái có quyền từ chối nhận di sản;

– Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản và gửi đến người quản lý di sản, những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản để biết;

– Việc từ chối nhận di sản phải được thể hiện trước thời điểm phân chia di sản.

Và tại Điều 621 Bộ luật Dân sự quy định người không được quyền hưởng di sản:

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

– Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

– Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

– Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu cha mẹ để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Vậy, khi không nhận di sản thừa kế từ cha mẹ, con cái không có nghĩa vụ trả nợ thay, nhưng từ chối nhận di sản để trốn tránh nghĩa vụ tài sản thì đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Con cái có nghĩa vụ trả nợ thay cha mẹ hay không? (2023)

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120