Dùng tiền giả mua hàng hóa phạm tội gì? 2023

Dùng tiền giả mua hàng hóa phạm tội gì? 2023

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

tiền giả

1.      Tiền giả là gì?

Theo quy định của Luật Ngân hàng nhà nước thì Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiền giả được hiểu là loại tiền không do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành.

Lưu hành tiền giả là hành vi đưa tiền giả sử dụng rộng rãi từ người này qua người khác, từ nơi này sang nơi khác trong xã hội. Ví dụ: dùng tiền giả để mua bán đồ dùng, thực phẩm…

 

2.      Dùng tiền giả mua hàng hóa phạm tội gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước năm 2010 có nội dung quy định như sau:

“Điều 23. Các hành vi bị cấm

  1. Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.
  2. Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.
  3. Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
  4. Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, hành vi dùng tiền giả mua hàng hóa vi phạm một trong những hành vi bị cấm của luật ngân hàng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung quy định như sau:

– Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

– Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

– Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

– Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

– Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

3.      Dùng tiền giả mà không biết có bị phạt không?

Mặt khách quan của tội phạm tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả:

Hành vi:

– Hành vi làm tiền giả: Thể hiện qua các hành vi in, vẽ, photo hoặc bằng các hình thức khác để tạo ra các đối tượng này giống như tiền thật, ngân phiếu thật, công trái thật nhằm làm cho người khác tưởng thật.

– Hành vi tàng trữ tiền giả: Thể hiện qua hành vi cất giữ các đối tượng này (một cách trái pháp luật) dưới bất kỳ hình thức nào.

– Hành vi vận chuyển tiền giả: Thể hiện qua hành vi đưa đối tượng này từ nơi này đến nơi khác bằng mọi phương thức (đường sông, đường bộ, đường không…) với mọi phương tiện (như tàu, xe, máy bay…).

– Hành vi lưu hành tiền giả: Thể hiện qua hành vi đưa tiền giả, ngân phiếu giả, công trái giả vào sử dụng để thanh toán, trao đổi…(như dùng tiền để mua hàng hóa…).

Mặt chủ quan: Lỗi cố ý

Khách thể: Hành vi phạm tội đã xâm phạm đến quy định của nhà nước về quản lý tiền tệ.

Chủ thể: Người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, không thuộc các trường lợp loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm hình sự

Như vậy, nếu hành vi phạm tội với lỗi cố ý hoặc vô ý thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015  2015. Ngược lại, nếu không có lỗi khi thực hiện hành vi này thì người đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

4.      Xử phạt hành chính liên quan đến tiền giả

Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Nghị định 88.2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có những nội dung quy định như sau:

Phạt cảnh cáo với những hành vi:

– Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới;

– Không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả;

– Bố trí người làm công tác thu giữ tiền giả, tạm thu giữ tiền nghi giả chưa qua tập huấn về kỹ năng nhận biết tiền thật, tiền giả hoặc chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tiền;

– Không giao nộp tiền giả theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với những hành vi:

– Phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ;

– Phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ;

– Không lập biên bản hoặc thu giữ tiền giả, không đóng dấu, bấm lỗ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả khi thu giữ tiền giả hoặc tạm giữ tiền nghi giả. Ở hành vi này, người vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc đóng dấu, bấm lỗ tiền giả theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước về xử lý tiền giả, tiền nghi giả.

  1. Liên hệ tình huống:

Do nhiều lần mua bán với người nước ngoài nên Nguyễn Quốc N (SN 1978) và Bùi Trường V (SN 1979) được đối tác thanh toán số tiền là 5.800USD. Tuy nhiên, khi N đem 200USD đi bán thì phát hiện USD giả và bị trả lại.

Sau đó, N cùng V thuê xe du lịch đi chơi. Trên đường đi, N đưa cho V 1.000USD giả đến cửa hàng vàng để đổi ra vàng trót lọt. Sau đó, trên đường đi N và V bị công an bắt giữ và đưa về trụ sở.

Lợi dụng lúc đông người, N đã ném chiếc ví trong có 31 tờ USD giả. Trên đường về trụ sở công an, N còn bỏ 1.600USD giả vào bao thuốc lá ném ra ngoài nhưng bị công an thu giữ.

Theo kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an thì 58 tờ USD thu được của N là USD giả. Vấn đề đặt ra trong vụ án này là có thể xử lý N và V về mấy tội danh?

Do kỹ thuật lập pháp, có những điều luật nhà làm luật chỉ quy định một tội gồm một hành vi khách quan như: tội giết người; tội vô ý làm chết người; tội bức tử; tội đe doạ giết người; tội hiếp dâm; tội mua bán phụ nữ; tội cướp tài sản; tội trộm cắp tài sản; tội buôn lậu…

Nhưng cũng có nhiều tội, nhà làm luật quy định hai hoặc nhiều hành vi khách quan, như: tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính; tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm; tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, công trái giả…

Trong các trường hợp trên, do kỹ thuật lập pháp nên việc định tội cũng có tính chất kỹ thuật (kỹ thuật định tội), còn việc xác định hành vi cấu thành một tội hay nhiều tội lại là vấn đề khoa học mà nhà làm luật không thể quy định được.

Ví dụ: Trong trường hợp nào thì hành vi cấu thành tội giết người và cướp tài sản, trường hợp nào chỉ cấu thành tội cướp tài sản mặc dù người bị hại vẫn bị người phạm tội tước đoạt tính mạng; trường hợp nào hành vi chỉ cấu thành tội chống người thi hành công vụ, trường hợp nào vừa cấu thành tội chống người thi hành công vụ, vừa cấu thành tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử cho thấy, trường hợp Bộ luật Hình sự quy định tội ghép gồm nhiều hành vi phạm tội khác nhau, có trường hợp định tội danh đầy đủ (định tội theo tất cả các hành vi được ghi trong điều luật).

Cũng có trường hợp chỉ định tội về một hoặc một số hành vi ghi trong điều luật, nhưng lại có trường hợp định tội danh cho từng hành vi riêng biệt và tổng hợp hình phạt như trường hợp phạm nhiều tội.

Ví dụ: Bộ luật Hình sự quy định: “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự”.

Nếu người phạm tội thực hiện hành vi tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán cùng một loại vũ khí quân dụng là lựu đạn, thì người phạm tội chỉ bị kết án về một tội, đó là tội: “Tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng” và người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính.

Nếu người phạm tội thực hiện nhiều hành vi, nhưng mỗi hành vi lại đối với các loại vũ khí quân dụng khác nhau thì người phạm tội phải bị kết án về các tội danh khác nhau theo hành vi mà họ thực hiện.

Ví dụ: A. đang vận chuyển 2 khẩu súng AK thì bị bắt quả tang, cơ quan điều tra khám nhà A. còn phát hiện A. tàng trữ 4 quả lựu đạn mỏ vịt. Trong trường hợp này, A. phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: “Tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng” và “Tội vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng”. Tòa án phải quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Có trường hợp người thực hiện các hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, về nguyên tắc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tất cả các tội khác nhau đó.

Ví dụ: A. trộm cắp tài sản, trên đường bỏ chạy đã hành hung người đuổi bắt để tẩu thoát và đã gây thương tích cho người đuổi bắt có tỷ lệ thương tật là 25%. Trong trường hợp này A phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội trộm cắp tài sản và tội cố ý gây thương tích cho người khác.

Mặc dù hành vi trộm cắp và hành vi cố ý gây thương tích được thực hiện kế tiếp nhau và hành vi cố ý gây thương tích cũng là yếu tố định khung hình phạt.

Lại có trường hợp thực hiện nhiều hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, có trường hợp chỉ kết án về một tội, có trường hợp kết án về nhiều tội.

Ví dụ: A. giết người để cướp tài sản thì A. bị kết án về hai tội: “Tội giết người” và “Tội cướp tài sản”.

Nhưng nếu chỉ gây thương tích để cướp tài sản thì dù thương tích cho bao nhiêu người, với tỷ lệ thương tật bao nhiêu phần trăm thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, không bị truy cứu về tội cố ý gây thương tích. Vì sao lại như vậy?

Từ trước đến nay được giải thích rằng, trong trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều hành vi, mà các hành vi đó đều cấu thành tội phạm thì người phạm tội chỉ bị truy cứu về tội nặng nhất.

Quan điểm này đã tồn tại từ trước khi có Bộ luật Hình sự năm 1985 và cho đến nay vẫn được coi là một quan điểm chính thống và có thể coi đây là tiêu chí để phân biệt khi người thực hiện nhiều hành vi cấu thành nhiều tội khác nhau, thì trường hợp nào chỉ kết án về một tội, còn trường hợp nào bị kết án về nhiều tội.

Tuy nhiên, quan điểm chính thống và được coi như án lệ này có cái gì đó không ổn, bởi lẽ, một người thực hiện nhiều hành vi và các hành vi đó đều cấu thành tội phạm khác nhau, lại chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội nặng nhất, còn các tội khác lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì về lý luận

cũng như thực tiễn khó có thể chấp nhận được, trừ trường hợp hành vi phạm tội đó là phương pháp, thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội nặng hơn hoặc hành vi đó đã là yếu tố định khung hình phạt, thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nặng nhất.

Trở lại vụ án trên chúng ta thấy, Nguyễn Quốc N. và Bùi Trường V. cũng có hai hành vi (hành vi lưu hành tiền giả và hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản), xét về khía cạnh nào đó thì hành vi lưu hành tiền giả cũng là thủ đoạn, phương pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng xem xét kỹ ta thấy thủ đoạn gian dối và hành vi lưu hành tiền giả hoàn toàn khác nhau, không liên quan với nhau.

Hành vi lưu hành tiền giả có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: đem tiền giả cho hoặc bán lại cho người khác (đổi tiền giả lấy tiền thật), người bán nói rõ cho người mua biết đó là tiền giả, người mua cũng biết đó là tiền giả nhưng vẫn mua, tất nhiên việc trao đổi này không thể ngang giá, hoặc đem tiền giả tặng cho người khác có thể nói với người được tặng cho hoặc không nói đó là tiền giả; trộn tiền giả với tiền thật để thanh toán nhằm đánh lừa người khác; dùng tiền giả để mua hàng hóa…

Trong các hình thức trên, có những hình thức người phạm tội không dùng thủ đoạn gian dối, có hình thức người phạm tội phải dùng thủ đoạn gian dối mới lưu hành được tiền giả. Trong trường hợp người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài tội lưu hành tiền giả.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực dân sự hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120