Nếu muốn ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung thì cần đáp ứng những điều kiện gì? Người được ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung có những nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật? Bên được ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng không? Bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề trên.
1. Căn cứ pháp lý
2. Nội dung, phạm vi uỷ quyền quản lý nhà ở
Điều 155 Luật Nhà ở năm 2014 quy định về nội dung, phạm vi ủy quyền quản lý nhà ở như sau:
– Ủy quyền quản lý nhà ở là việc chủ sở hữu nhà ở ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà ở trong việc quản lý, sử dụng nhà ở trong thời hạn được ủy quyền. Việc ủy quyền quản lý nhà ở chỉ được thực hiện đối với nhà ở có sẵn.
– Nội dung, thời hạn ủy quyền quản lý, sử dụng nhà ở do các bên thỏa thuận và được ghi trong hợp đồng ủy quyền; nếu các bên không có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày ký hợp đồng ủy quyền.
– Bên ủy quyền quản lý nhà ở phải trả chi phí quản lý, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Nếu muốn ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung thì cần đáp ứng những điều kiện gì?
Căn cứ Điều 156 Luật Nhà ở 2014 quy định về ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung như sau:
“Điều 156. Ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung
1. Việc ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý; trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền ủy quyền cho người khác quản lý phần quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác.
2. Chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu khác biết việc ủy quyền quản lý nhà ở, trừ trường hợp người được ủy quyền quản lý nhà ở đồng thời là chủ sở hữu chung của nhà ở đó.“
Để thực hiện ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì phải được các chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung đồng ý.
Trường hợp chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung theo phần thì có quyền ủy quyền cho người khác quản lý phần quyền sở hữu của mình nhưng không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ sở hữu chung khác.
Chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung có trách nhiệm thông báo cho chủ sở hữu khác biết việc ủy quyền quản lý nhà ở, trừ trường hợp người được ủy quyền quản lý nhà ở đồng thời là chủ sở hữu chung của nhà ở đó.
4. Người được ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung có những nghĩa vụ gì theo quy định pháp luật?
Căn cứ Điều 565 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ của bên được ủy quyền như sau:
“Điều 565. Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
1. Thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó.
2. Báo cho người thứ ba trong quan hệ thực hiện ủy quyền về thời hạn, phạm vi ủy quyền và việc sửa đổi, bổ sung phạm vi ủy quyền.
3. Bảo quản, giữ gìn tài liệu và phương tiện được giao để thực hiện việc ủy quyền.
4. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền.
5. Giao lại cho bên ủy quyền tài sản đã nhận và những lợi ích thu được trong khi thực hiện việc ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
6. Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều này.“
Như vậy, bên được ủy quyền quản lý nhà ở có những nghĩa vụ cần thực hiện theo quy định pháp luật nêu trên.
5. Các trường hợp chấm dứt hợp đồng uỷ quyền quản lý nhà ở
Điều 157, Luật Nhà ở năm 2014 quy định về 07 trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở bao gồm:
– Hợp đồng ủy quyền hết hạn.
– Nội dung ủy quyền đã được thực hiện.
– Nhà ở được ủy quyền quản lý không còn.
– Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở theo quy định tại Điều 158 của Luật Nhà ở năm 2014.
– Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền quản lý nhà ở chết.
– Bên được ủy quyền quản lý nhà ở mất tích hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án.
– Theo thỏa thuận của các bên.
6. Bên được ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng không?
Căn cứ Điều 158 Luật Nhà ở 2014 quy định về việc bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở như sau:
“Điều 158. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở
1. Bên ủy quyền quản lý nhà ở đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu việc ủy quyền có chi phí quản lý thì bên ủy quyền không phải báo trước cho bên được ủy quyền biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền nhưng phải thanh toán cho bên được ủy quyền chi phí quản lý tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và phải bồi thường thiệt hại cho bên được ủy quyền;
b) Nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý thì bên ủy quyền phải thông báo cho bên được ủy quyền biết trước ít nhất 30 ngày về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
2. Bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Nếu việc ủy quyền có chi phí quản lý thì không phải báo trước cho bên ủy quyền biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền (nếu có);
b) Nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý thì phải thông báo cho bên ủy quyền biết trước ít nhất 30 ngày về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
3. Bên ủy quyền và bên được ủy quyền phải thông báo cho bên thứ ba có liên quan biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở.“
Bên cạnh đó, tại Điều 569 Bộ luât Dân sự 2015 quy định về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền như sau:
“Điều 569. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền
1. Trường hợp ủy quyền có thù lao, bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải trả thù lao cho bên được ủy quyền tương ứng với công việc mà bên được ủy quyền đã thực hiện và bồi thường thiệt hại; nếu ủy quyền không có thù lao thì bên ủy quyền có thể chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên được ủy quyền một thời gian hợp lý.
Bên ủy quyền phải báo bằng văn bản cho người thứ ba biết về việc bên ủy quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng; nếu không báo thì hợp đồng với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba biết hoặc phải biết về việc hợp đồng ủy quyền đã bị chấm dứt.
2. Trường hợp ủy quyền không có thù lao, bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên ủy quyền biết một thời gian hợp lý; nếu ủy quyền có thù lao thì bên được ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bất cứ lúc nào và phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền, nếu có.“
Từ các quy định trên thì bên được ủy quyền quản lý nhà ở thể đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền quản lý nhà ở:
– Nếu việc ủy quyền có chi phí quản lý thì không phải báo trước cho bên ủy quyền biết về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền nhưng phải bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền (nếu có);
– Nếu việc ủy quyền không có chi phí quản lý thì phải thông báo cho bên ủy quyền biết trước ít nhất 30 ngày về việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng ủy quyền, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Nếu muốn ủy quyền quản lý nhà ở thuộc sở hữu chung thì cần đáp ứng những điều kiện gì? (2022) Nghĩa vụ của người được ủy quyền quản lý là gì?
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!