Xử phạt khi doanh nghiệp nợ lương người lao động 2022

Xử phạt khi doanh nghiệp nợ lương người lao động 2022

Tôi đã nghỉ việc tại Công ty A nhưng công ty còn nợ 05 tháng lương của tôi. Tôi đã nhiều lần liên lạc và đến công ty để yêu cầu thanh toán lương nhưng không được giải quyết. Công ty giải thích còn nhiều khó khăn và không có tiền để trả. Vậy xin Luật sư tư vấn cho tôi phải làm cách nào khi Công ty nợ lương? Rất mong Luật sư có thể tư vấn giúp tôi. Cảm ơn Luật sư!

Công ty Luật TNHH PT cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Chúng tôi xin đưa ra quan điểm tư vấn về vấn đề này của bạn như sau:

A. CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP

B. NỘI DUNG TƯ VẤN

  1. Nguyên tắc trả lương cho người lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 94 Bộ luật lao động 2019 quy định về Nguyên tắc trả lương như sau:

Điều 94. Nguyên tắc trả lương

  1. Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
  2. Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

Theo đó, pháp luật quy định:

Thứ nhất, Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

Thứ hai, Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.

  1. Thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với NLĐ

Căn cứ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 về Kỳ hạn trả lương:

“Điều 97. Kỳ hạn trả lương

  1. Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
  2. Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
  3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
  4. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Khoản 4 Điều này quy định trong trường hợp vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày.

Từ quy định này có thể xác định thời gian nợ lương tối đa của doanh nghiệp đối với cá nhân là 30 ngày kể từ ngày nhận lương được ấn định trong hợp đồng lao động. Tuy nhiên, cần lưu ý điều kiện để doanh nghiệp có thể áp dụng điều khoản này trong việc nợ lương là buộc phải “vì lý do bất khả kháng” và doanh nghiệp đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn không thể thực hiện được nghĩa vụ trả lương đúng hạn.

  1. Bồi thường khi doanh nghiệp nợ lương cho người lao động

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong trường hợp trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.

Như vậy, doanh nghiệp chỉ được nợ lương người lao động nếu được xác định rơi vào trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, việc chậm lương từ 15 ngày trở lên, doanh nghiệp sẽ phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất phải bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm với mức lãi được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng.

doanh nghiệp nợ lương

  1. Mức phạt khi doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động

Căn cứ theo quy định tại tại Khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt tiền đối với doanh nghiệp có hành vi trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật như sau:

Thứ nhất, Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

Thứ hai, Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

– Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

– Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.

Theo đó, tùy theo số lượng nhân viên mà doanh nghiệp chậm trả lương, mức phạt đối với hành vi trả lương không đúng hạn, không trả lương có thể dao động từ thấp nhất là 5.000.000 đồng đến cao nhất là 50.000.000 đồng.

  1. Doanh nghiệp không trả lương, người lao động cần làm gì?

Theo quy định pháp luật hiện hành thì người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp; đầy đủ; đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp người sử dụng lao động được phép chậm lương người lao động. Đó là vì lý do bất khả kháng mà đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn. Khi đó doanh nghiệp chỉ được chậm lương không quá 30 ngày.

Trường hợp của bạn, Công ty trình bày lý do đang gặp khó khăn và không có tiền thì không phải trường hợp bất khả kháng để trì hoãn trả lương. Cho nên, việc bạn đã nghỉ việc tại Công ty mà công ty nợ lương 05 tháng là vi phạm quy định pháp luật. Nếu công ty vẫn tiếp tục không trả lương, bạn có thể sử dụng một trong các cách sau đây:

Thứ nhất, thỏa thuận với công ty yêu cầu trả lương

Người lao động có thể thỏa thuận với công ty về việc thanh toán lương cho người lao động. Việc thương lượng sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng, tránh thực hiện các thủ tục tại cơ quan nhà nước; Nhận đại diện theo uỷ quyền để tiến hành giải quyết nợ lương.

Thứ hai, gửi đơn khiếu nại khi công ty không ty không trả lương

Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận chung, người lao động có thể khiếu nại hành vi không trả lương của người lao động tới chính người sử dụng lao động (khiếu nại lần 01) và khiếu nại lên Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (khiếu nại lần 02) theo Điều 5 và Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Thứ ba, tố cáo hành vi nợ lương của công ty tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền

Căn cứ tại khoản 1, Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có quyền tố cáo trực tiếp tới cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi nợ lương của công ty.

Cụ thể, thẩm quyền giải quyết tố cáo được quy định tại Điều 39 và Điều 41 Nghị định 24/2018/NĐ-CP như sau:

Một, Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Hai, Chánh Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý tố cáo mà Chánh Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã giải quyết nhưng vẫn có tố cáo tiếp hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; xử lý những vụ việc tố cáo được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao.

Thứ tư, Hòa giải thông qua Hòa giải viên lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 190 Bộ luật lao động năm 2019 về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

“Điều 190. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

  1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
  4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Khoản 1 Điều này quy định thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trong 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp từ người lao động. Tại phiên họp hòa giải, người lao động phải có mặt hoặc ủy quyền cho người khác tham gia. Tại đây, các bên sẽ thống nhất phương án giải quyết với nhau, khi đó:

  • Trường hợp không thỏa thuận được, người lao động có thể xem xét phương án mà hòa giải viên lao động đưa ra;
  • Trường hợp hòa giải không thành hoặc thành nhưng người sử dụng lao động không thực hiện hoặc hết thời hạn giải quyết thì người lao động có thể yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết

Thứ năm, người lao động khởi kiện tại Tòa án

Căn cứ theo quy định tại Điều 188 Bộ luật lao động năm 2019 về Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động:

“Điều 188. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

  1. Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hòa giải viên lao động nhận được yêu cầu từ bên yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc từ cơ quan quy định tại khoản 3 Điều 181 của Bộ luật này, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hòa giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể ủy quyền cho người khác tham gia phiên họp hòa giải.

4. Hòa giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các bên thương lượng để giải quyết tranh chấp.

Trường hợp các bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp các bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hòa giải để các bên xem xét. Trường hợp các bên chấp nhận phương án hòa giải thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành. Biên bản hòa giải thành phải có chữ ký của các bên tranh chấp và hòa giải viên lao động.

Trường hợp phương án hòa giải không được chấp nhận hoặc có bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành. Biên bản hòa giải không thành phải có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hòa giải viên lao động.

  1. Bản sao biên bản hòa giải thành hoặc hòa giải không thành phải được gửi cho các bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản.
  2. Trường hợp một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì bên kia có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
  3. Trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải quy định tại khoản 1 Điều này hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải quy định tại khoản 2 Điều này mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc trường hợp hòa giải không thành theo quy định tại khoản 4 Điều này thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong các phương thức sau để giải quyết tranh chấp:

a) Yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết theo quy định tại Điều 189 của Bộ luật này;

b) Yêu cầu Tòa án giải quyết.

Theo đó, Khoản 1 Điều này quy định tranh chấp về tiền lương bắt buộc phải trải qua thủ tục hòa giải bởi Hòa giải viên Lao động, sau đó mới được khởi kiện tại Tòa án. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là 01 năm kể từ ngày phát hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề của bạn theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu bạn đọc có vướng mắc gì về lĩnh vực lao động hay các lĩnh vực khác cần tư vấn, hỗ trợ, hãy liên hệ với chúng tôi.

Mọi nhu cầu xin liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ: Công ty Luật TNHH PT, phòng 906, tòa nhà CT4-1, KĐT Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0888181120

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120