Quy định về trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi như thế nào? Xử lý tài chính đối với các khoản nợ phải thu khó đòi ra sao?
1. Căn cứ pháp lý
2. Điều kiện trích lập dự phòng đối với các khoản nợ khó đòi
Căn cứ tại khoản 1 điều 6 Thông tư 48/2019/TT-BTC quy định:
Trường hợp 1: Đối với các khoản nợ phải thu đã quá kì hạn thanh toán
– Khoản nợ được xác định là khó đòi phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của bên nợ (khách hàng) về số tiền còn nợ, bao gồm:
+ Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ.
+ Bảng kê công nợ.
+ Biên bản đối chiếu công nợ hoặc Văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ, hoặc văn bản đòi nợ.
+ Biên bản thanh lý hợp đồng.
+ Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).
– Các khoản nợ khó đòi nếu không đòi được thì sẽ được xử lý theo quy định và được coi là khoản tổn thất mà phía công ty bạn phải chịu.
– Căn cứ và mức trích lập dự phòng:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 228/2009/TT-BTC ngày 7/12/2009 của Bộ Tài chính quy định chế độ về mức trích lập dự phòng như sau:
Thời gian | Tỉ lệ trích lập |
Từ 6 tháng- 1 năm | 30% |
Từ 1-2 năm | 50% |
Từ 2-3 năm | 70% |
Từ trên 3 năm | 100% |
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ hàng hóa:
Thời gian | Tỉ lệ trích lập |
Từ 3 tháng- 6 tháng | 30% |
Từ 6 tháng- 9 tháng | 50% |
Từ 9 tháng- 12 tháng | 70% |
Từ trên 12 tháng | 100% |
Trường hợp 2: Đối với các khoản nợ phải thu nhưng chưa đến kì hạn thanh toán.
Khi tổ chức kinh tế lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể; người nợ mất tích, bỏ trốn, đang bị các cơ quan pháp luật truy tố, giam giữ, xét xử hoặc đang thi hành án hoặc đã chết,…Trong trường hợp này, doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất không thu hồi được để trích lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, sau đó tổng hợp lại vào Bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
3. Nguyên tắc trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi:
Căn cứ vào Thông tư 48/2019/TT-BTC quy định:
Khi lập Báo cáo tài chính
Doanh nghiệp xác định các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có bản chất tương tự có khả năng không đòi được để trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi.
Điều kiện, căn cứ trích lập dự phòng đối với các khoản nợ phải thu khó đòi:
Khi các khoản nợ phải thu đã quá kỳ hạn thanh toán ghi trong hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ, bản cam kết hợp đồng hoặc cam kết nợ, Doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa thu được. Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên.
Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn.
—> Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi.
* Điều kiện, căn cứ:
– Khoản nợ được xác định là khó đòi phải có chứng từ gốc, có đối chiếu xác nhận của bên nợ (khách hàng) về số tiền còn nợ.
– Mức trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định hiện hành.
– Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính
– Trường hợp khoản dự phòng phải thu khó đòi phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn số dư khoản dự phòng phải thu khó đòi đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.
– Trường hợp khoản dự phòng phải thu khó đòi phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn số dư khoản dự phòng phải thu khó đòi đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
Đối với những khoản phải thu khó đòi kéo dài trong nhiều năm doanh nghiệp đã cố gắng dùng mọi biện pháp để thu nợ nhưng vẫn không thu được nợ và xác định khách nợ thực sự không có khả năng thanh toán
Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể phải làm các thủ tục như:
– Bán nợ cho Công ty mua, bán nợ.
– Xoá những khoản nợ phải thu khó đòi trên sổ kế toán.
Việc xoá các khoản nợ phải thu khó đòi phải thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp. Số nợ này được theo dõi trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp và trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu sau khi đã xoá nợ, doanh nghiệp lại đòi được nợ đã xử lý thì số nợ thu được sẽ hạch toán vào tài khoản 711 “Thu nhập khác”.
4. Quy định về xử lý tài chính đối với các khoản nợ phải thu khó đòi
Xử lý tài chính
– Tổn thất thực tế của từng khoản nợ không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa nợ phải thu ghi trên sổ kế toán và số tiền đã thu hồi được (do người gây ra thiệt hại đền bù, do phát mại tài sản của đơn vị nợ hoặc người nợ, do được chia tài sản theo quyết định của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền khác…).
– Giá trị tổn thất thực tế của khoản nợ không có khả năng thu hồi, doanh nghiệp sử dụng nguồn dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính (nếu có) để bù đắp, phần chênh lệch thiếu hạch toán vào chi phí quản lý của doanh nghiệp.
– Các khoản nợ phải thu sau khi đã có quyết định xử lý, doanh nghiệp vẫn phải theo dõi riêng trên sổ kế toán và được phản ánh ở ngoài bảng cân đối kế toán trong thời hạn tối thiểu là 10 năm, tối đa là 15 năm kể từ ngày thực hiện xử lý và tiếp tục có các biện pháp để thu hồi nợ. Nếu thu hồi được nợ thì số tiền thu hồi sau khi trừ các chi phí có liên quan đến việc thu hồi nợ, doanh nghiệp hạch toán vào thu nhập khác.
Thẩm quyền xử lý nợ
Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên; Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến các khoản nợ để quyết định xử lý những khoản nợ phải thu không thu hồi được và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật, đồng thời thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo chế độ hiện hành.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Điều kiện xác định và cách xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi (2022)
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.
CÔNG TY LUẬT PT
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Xin trân trọng cảm ơn!