Xử lý nợ khi giải thể doanh nghiệp 2022

Giải thể doanh nghiệp là gì? Xử lý nợ khi giải thể là gì? Quy định pháp luật về nghĩa vụ thanh toán nợ khi giải thể doanh nghiệp? Bài viết sẽ làm rõ các vấn đề pháp lý trên.

1. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp 2020

2. Giải thể doanh nghiệp là gì?

xử lý nợ khi giải thểHiện nay, pháp luật doanh nghiệp chưa có định nghĩa cụ thể về thế nào là giải thể doanh nghiệp.

Theo Từ điển tiếng Việt, thuật ngữ “giải thể” được giải nghĩa là “không còn tồn tại, làm cho không còn tồn tại như một tổ chức, các thành phần, thành viên phân tán đi”. Theo cách hiểu này, giải thể là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức.

Từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) định nghĩa: Giải thể doanh nghiệp “là thủ tục chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp với tư cách là một chủ thể kinh doanh bằng cách thanh lý tài sản của doanh nghiệp để trả nợ cho các chủ nợ”.

Giải thể trước hết là hoạt động do doanh nghiệp tiến hành vói các công việc chính là thanh lý tài sản và thanh toán nợ, tiến tới châm dứt các quyền và nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp để rút khỏi thị trường. Nhằm bảo vệ lợi ích của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi doanh nghiệp giải thể, pháp luật quy định điều kiện, thủ tục tiến hành giải thể, bảo đảm cho việc doanh nghiệp chỉ chấm dứt tồn tại và rút khỏi thị trường khi hoàn thành các nghĩa vụ đã tạo lập trong quá trình hoạt động.

Như vậy, có thể hiểu: Giải thể doanh nghiệp là quá trình chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp trong điều kiện doanh nghiệp có khả năng thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp.

3. Đặc điểm pháp lý của giải thể doanh nghiệp

– Về bản chất: Giải thể doanh nghiệp là một quá trình với những hoạt động nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, để doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Đây là quá trình diễn ra với các hoạt động: hoạt động kinh tế (thanh lý tài sản, thanh toán nợ) và hoạt động pháp lý (thủ tục hành chính để “xóa tên” doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh).

– Về lý do giải thể: Lý do giải thể khá đa dạng, có thể xuất phát từ vi phạm pháp luật của doanh nghiệp hoặc ý chí tự nguyện của chủ doanh nghiệp.

Đa phần, doanh nghiệp giải thể khi chủ đầu tư không có nhu cầu tiếp tục kinh doanh hoặc kinh doanh thua lỗ nhưng chưa đến mức độ mất khả năng thanh toán nợ đến hạn. Bên cạnh đó, lý do vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cùng với việc bị áp dụng chế tài đính chỉ hoạt động và rút giấy phép sẽ dẫn đến trường hợp giải thể bắt buộc, ví dụ như trường họp khai man hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, kinh doanh trái phép, số lượng thành viên giảm dưới mức tối thiểu mà không xử lý, khắc phục trong thời gian luật định…

– Về điều kiện giải thể: Doanh nghiệp chỉ thực hiện thủ tục giải thể để rút khỏi thị trường khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, thực hiện xong các nghĩa vụ tài sản. Nếu mất khả năng thanh toán khoản nợ đến hạn, doanh nghiệp thuộc trường hợp áp dụng pháp luật phá sản để chấm dứt hoạt động. Như vậy, có thể nói, khả năng thanh toán của doanh nghiệp là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp rút khỏi thị trường thông qua thủ tục giải thể hay phá sản.

– Chủ thể quyết định việc giải thể: Chủ sở hữu doanh nghiệp là người quyết định việc giải thể doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có thẩm quyền đồng ý hay phản đối việc giải thể mà chỉ xem xét tính hợp lệ của hô sơ giải thể và khi không có khiếu nại về việc giải thể thì sẽ quyết định cập nhật tình trạng “đã giải thể” của doanh nghiệp trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (trước đây gọi là chấp thuận hồ sơ giải thể và xóa tên doanh nghiệp trong Sổ đăng ký kinh doanh).

Đối với các trường hợp giải thể bắt buộc, chủ sở hữu doanh nghiệp buộc phải quyết định giải thể doanh nghiệp trên cơ sở quyết định đình chỉ hoạt động, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền hay quyết định của Tòa án. Trong trường hợp này, mặc dù không trực tiếp ra quyết định giải thể nhưng về bản chất, có thể coi cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể quyết định giải thể doanh nghiệp, vì chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định giải thể mà không xuất phát từ tự do ý chí của mình.

4. Xử lý nợ khi giải thể là gì?

Xử lý công việc biến đổi, tiếp nhận thông tin, đưa ra quyết định, con người sự vật,… và làm cho nó thay đổi theo hướng tích cực, khác lúc thu thập ban đầu với nhiều mục đích khác nhau.

Xử lý nợ khi giải thể doanh nghiệp có thể được hiểu là việc tiếp nhận, tổng hợp thông tin về các khoản nợ và quyết định đưa ra phương án trả nợ cho các bên chủ nợ theo thứ tự ưu tiên được pháp luật quy định.

5. Quy định pháp luật về nghĩa vụ thanh toán nợ khi giải thể doanh nghiệp

Khi giải thể doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ xử lý công nợ cho các bên liên quan bao gồm bạn hàng, đối tác, người lao động trong doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.

Khoản 2 Điều 207 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định rõ nghĩa vụ thanh toán nợ khi giải thể doanh nghiệp như sau:

Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Như vậy nghĩa vụ trả hết tất cả các khoản nợ là một nghĩa vụ bắt buộc đối với doanh nghiệp trước khi giải thể để đảm bảo trách nhiệm đối với công ty và các chủ nợ, tránh trường hợp giải thể nhằm mục đích trốn nợ của các doanh nghiệp thua lỗ và không có khả năng chi trả các khoản nợ do mình gây ra.

6. Thứ tự thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp khi giải thể

Căn cứ vào Khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020, các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự sau đây:

Thứ nhất, các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết.

Thứ hai, nợ thuế.

Thứ ba, các khoản nợ khác.

Cuối cùng, sau khi đã thanh toán chi phí giải thể doanh nghiệp và các khoản nợ, phần còn lại chia cho chủ doanh nghiệp tư nhân, các thành viên, cổ đông hoặc chủ sở hữu công ty theo tỷ lệ sở hữu phần vốn góp, cổ phần.

7. Trách nhiệm trả nợ cho doanh nghiệp khi giải thể

Việc xác định trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, cụ thể:

– Đối với công ty cổ phần thì khi giải thể doanh nghiệp thì các khoản nợ sẽ được các cổ đông thực hiện trả nhưng chỉ trong giới hạn vốn góp vào doanh nghiệp, căn cứ tại điểm c Khoản 1 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2020: “Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp”.

– Đối với doanh nghiệp tư nhân thì chủ sở hữu doanh nghiệp trực tiếp tiến hành thanh toán khoản nợ khi giải thể công ty, căn cứ theo Khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020: “Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp”.

– Đối với công ty hợp danh thì thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty, căn cứ vào điểm b Khoản 1 Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020: “Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty”.

– Đối với công ty TNHH một thành viên thì chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty, căn cứ vào khoản 1 Điều 74 Luật doanh nghiệp 2020: “Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty); chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty.

– Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên thì các thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, dựa vào khoản 1 Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020:

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.”.

Ngoài ra đối với doanh nghiệp có hai thành viên trở lên hoặc tổ chức là chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên, thì người quản lý có liên quan và doanh nghiệp giải thể do bị thu hồi giấy đăng ký doanh nghiệp quy định tại Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020 cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.

Sau khi có quyết định giải thể doanh nghiệp, các hành vi sau đây bị cấm theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020:

– Cất giấu, tẩu tán tài sản;

– Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;

– Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;

– Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;

– Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài sản;

– Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;

– Huy động vốn dưới mọi hình thức.

Người quản lý, đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường khi thực hiện các hành vi trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về chủ đề Xử lý nợ khi giải thể doanh nghiệp 2022

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Công ty Luật PT.

CÔNG TY LUẬT PT

Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!

Xin trân trọng cảm ơn!

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
088.8181.120